Tát đìa ăn Tết!

22/01/2020 - 03:44

 - Khi con nước lũ theo chín nhánh sông trôi về biển cả cũng là lúc các loài cá hùa nhau tìm chỗ trú ở các đìa nước giữa đồng. Người dân quê khi ấy cũng chuẩn bị bước vào mùa tát đìa nhưng hào hứng nhất là những ngày cuối năm khi những con cá đủ lớn, đủ ngon để trở thành “nỗi nhớ” của quê hương.

Niềm vui với chiến lợi phẩm

Ký ức tát đìa

Nói về tát đìa, bất cứ ai lớn lên ở làng quê đều ít nhất một lần được thấy trong đời. Bởi, nó gắn chặt với cuộc sống người dân châu thổ như cái hẹn muôn đời và cũng là “đặc ân” từ mùa nước nổi.

Tuy nhiên, mùa tát đìa chỉ thực sự tồn tại cách đây vài chục năm, khi con nước lũ còn “tung hoành” khắp các cánh đồng. Lúc ấy, người ta xem mùa tát đìa là niềm vui cuối năm bởi dù khó nghèo đến đâu thì họ cũng có ít món bày cúng tổ tiên trong ngày Tết.

Năm nay đã ngoài cái tuổi tám mươi, ông Trịnh Hòa Nam (ngụ xã Khánh Hòa, Châu Phú, An Giang) vẫn còn nhớ như in ký ức tát đìa thuở trước. Với ông, tát đìa là “ngày hội” của những xóm nghèo vài chục năm trước.

Ông Nam kể rằng, hồi người ta còn trồng lúa mùa, cá nhiều nên tát đìa mê lắm! Vì đời sống còn nghèo nên tát đìa được coi như cứu cánh để dân quê kiếm cái ăn trong năm mới. Đời sống hồi ấy vốn bình dị nên tát đìa cũng là chuyện được người lớn, trẻ nhỏ quan tâm, nhất là vào lúc cuối năm.

Cũng theo lão nông này, mùa tát đìa diễn ra trước Tết độ mười ngày, nửa tháng chứ không quá sớm vì người ta sợ cá rộng lâu sẽ chết hoặc ốm đi. Mỗi lần tát đìa, chủ đìa sẽ bắt cá trước trong khi hàng xóm và đám con nít phải chờ đợi lượt sau. Từng con cá lóc, cá trê, cá rô… dần lộ diện dưới lớp nước sình khiến cho đám trẻ trên bờ cứ chực nhảy xuống. Cá nằm xếp lớp như củi khiến cho người bắt cũng hoa cả mắt.

Người ta bỏ cá bắt được vào cần xé mang lên bờ. Sau đó, họ lựa ra từng loại, chủ yếu là phân biệt cá “đen”, cá “trắng”. Với cá “đen” như cá lóc, cá trê cỡ lớn được ưu tiên rộng lại dành ăn Tết. Cá “trắng” thì đem biếu chòm xóm, họ hàng ăn lấy thảo hoặc đổ vô lu ủ mắm.

Chủ đìa bắt tới, bắt lui vài lượt thì nghỉ, nhường lại cho dân “bắt hôi”. Có lẽ, tát đìa vui nhất là đoạn này bởi sự chọc phá, giành giật nhau của đám con nít. Vì cá trong đìa khá nhiều nên dân “bắt hôi” đôi khi trúng mánh vớ được cá to vì chúng ủi sâu trong sình quá lâu đến lúc ngộp phải trồi lên là bị bắt. Với đám con nít, việc bắt được cá to là niềm vui không tả nổi bởi đó là thành quả của quá trình “chân lắm tay bùn”.

Cứ như thế, hết đìa nọ tới đìa kia được tát khô để bắt cá. Dân nghèo cũng nhờ thế mà có được những bữa cơm tươm tất hơn. Vì người ta tranh thủ tát đìa rộ trong mấy ngày nên ai cũng quen gọi là “mùa” với hàm ý nói hoạt động này đã trở thành nếp sống của người dân quê khi tiết trời bước sang xuân.

Thưởng thức thành quả

Chuyện tát đìa ngày nay

Theo thời gian, các đìa nước dần biến mất và mùa tát đìa cũng lui vào dĩ vãng. Giờ đây, chuyện tát đìa chỉ còn tồn tại ở những cánh đồng giáp biên và người ta cũng không tát rộ mà tranh thủ lúc nào thuận lợi nhất mà thôi.

Tuy nhiên, thói quen chờ đến cuối năm mới kiếm cá ăn Tết đã đi vào nếp nghĩ của dân quê nên phải cuối tháng Chạp họ mới tát đìa bắt cá. Theo họ, con cá đồng khi ấy đã đủ lớn, đủ ngon để chế biến thành món khoái khẩu trong mấy ngày xuân.

Khác với cha ông xưa, dân quê ngày nay tát đìa thuận lợi hơn rất nhiều. Họ không tát gàu mà chủ yếu chạy máy dầu, máy xăng. Những đìa nước cạn thì mất vài giờ, đìa nước sâu thì chừng một buổi sẽ phơi đáy. Bởi thế, chuyện tát đìa cũng ít người để tâm, chủ yếu chỉ là nhóm dăm bảy thành viên cùng đi kiếm cá đồng.

Các đìa nước giờ đây cũng không nhiều cá như xưa nên những chủ đìa tham gia là để vui và tiện thể dọn dẹp đìa nước của mình cho sạch đáy. Nhiều chủ đìa cho biết, muốn bắt cá họ sẽ kéo lưới hoặc dùng cách khác chứ không cần phải chạy máy cho khô nước, vừa mất công lại vừa tốn chi phí.

Tuy nhiên, tát đìa quả có niềm vui riêng. Khi tiếng máy lạch tạch ngưng hẳn cũng là lúc đìa trơ đáy và lũ cá bắt đầu chạy tán loạn. Những thanh niên tham gia tát đìa thì luôn tay chụp bên này, bắt bên kia. Lắm lúc thấy cá to thì họ gọi nhau inh ỏi để hỗ trợ. Mỗi con cá bắt được đều là thành quả, là niềm vui của tinh thần làm việc tập thể.

Những lớp sịnh non nhão nhoẹt lún tới lưng quần, những con cá “vụt” liên tục dưới lớp nước cạn, những gương mặt lấm lem bùn đất nhưng rất hào hứng là hình ảnh quen thuộc của chuyện tát đìa đã trải dài qua nhiều thế hệ dân quê, mang đến niềm vui cho những ai chứng kiến hoạt động này.

Đôi khi, cả đìa nước chưa đến chục con cá nên những người tham gia tát đìa không mang về nhà mà cùng tận hưởng thành quả lao động của mình. Họ đốt lửa, nướng cá thưởng thức ngay trên bờ đìa hệt như lớp cha anh ngày trước. Có lẽ, cuộc sống đổi thay nhưng tiềm thức người dân quê vẫn lưu giữ thói quen giản dị, chân phương đã lưu truyền nhiều thế hệ.

Rồi đây, cuộc sống ngày càng hiện đại hơn và những đìa nước giữa đồng cũng không còn nữa. Khi ấy, mùa tát đìa bắt cá chỉ còn trong ký ức nhưng nó vẫn luôn là một phần của cuộc sống thôn quê, nhắc nhở mỗi người về thói quen của cha ông xưa trong những ngày cuối năm, khi cái lạnh của những cơn bấc đi qua nhường chỗ cho mấy bông mai hé nhụy trên cành!

THANH TIẾN