Vikram là tàu đổ bộ thuộc sứ mệnh Chandrayaan-3 của Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO), hoạt động song song với một tàu quỹ đạo.
Chỉ sau 3 ngày hạ cánh xuống Mặt Trăng, thiết bị đo hoạt động địa chấn Mặt Trăng (ILSA) gắn với tàu đổ bộ đã bắt được tín hiệu rõ ràng về sự rung động từ nơi sâu thẳm của thiên thể, mà ISRO cho rằng đó rất có thể là động đất.
Tàu Ấn Độ Vikram vừa mới đổ bộ lên Mặt Trăng vào ngày 23/8. (Ảnh đô họa: ISRO)
Phát hiện này vô cùng quan trọng vì sau khi một tàu Apollo của NASA lần đầu tiên ghi nhận được dấu hiệu của địa chấn Mặt Trăng vào thập niên 70 của thế kỷ trước, thiên thể này trở lại trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng bất chấp sự theo dõi sát sao của hàng loạt tàu vũ trụ thế hệ sau.
Nếu được xác nhận, bằng chứng mà tàu Ấn Độ vừa thu thập không chỉ giúp khẳng định phát hiện của NASA gần nửa thế kỷ trước, mà còn chứng tỏ giả thuyết cấu trúc Mặt Trăng rất phức tạp chứ không phải đá đồng nhất như hai mặt trăng Phobos và Deimos của Sao Hỏa.
Một nghiên cứu của NASA năm 2011 lập luận rằng, Mặt Trăng có thể có lõi trong bằng sắt lỏng được bao quanh bởi một lớp lõi ngoài bằng sắt đặc giống Trái Đất.
Một nghiên cứu khác vào tháng 5/2023 ủng hộ giả thuyết này và gợi ý rằng các đốm màu của lớp phủ nóng chảy của Mặt Trăng có thể tách khỏi phần còn lại, nổi lên bề mặt và tạo ra động đất.
Điều mà họ còn thiếu là thêm bằng chứng xác nhận về động đất, điều mà tàu Vikram đầy may mắn vừa bắt được.
Đây cũng là mảnh ghép còn thiếu ủng hộ lập luận từ nhiều nghiên cứu khắp thế giới, hoài nghi rằng Mặt Trăng vẫn chưa phải một thiên thể "chết", tức bị ngừng hoàn toàn hoạt động địa chất.
Ngoài ra, nó cũng ủng hộ giả thuyết rằng thiên thể này từng có từ quyền, khí quyển và thậm chí sự sống giống Trái Đất, điều chỉ có thể đạt được nếu cấu trúc của nó đủ phức tạp để có hoạt động địa chất sôi động, ít nhất là trong quá khứ.
Theo VTC