Tết “lạ” ở biên cương

08/02/2021 - 03:58

 - Ngày 23 tháng Chạp, trong lúc mọi người đang chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo và tất bật “chở” Tết về nhà, chúng tôi may mắn có chuyến công tác ngược lên biên giới để đến với các tổ, chốt biên phòng. Và chính ở thời điểm này, mới cảm nhận sâu sắc hơn những quyết tâm, sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ quân hàm xanh. Không mai vàng rực rỡ, không đầy ắp thịt, xôi nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên biên giới An Giang đều an tâm tư tưởng và vững tin vào một ngày mai tươi sáng - ngày chiến thắng dịch bệnh COVID-19. Trong hành trang của người lính, đây là một sự trải nghiệm rất lạ: Tết cho mọi người - Tết cho bình yên biên giới và Tết phòng, chống dịch bệnh...

Sinh viên... canh đường biên

Một tháng trước, tình hình xuất, nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới “nóng” hơn bao giờ hết. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) quyết định tăng cường 460 cán bộ, sinh viên đi thực tập, kết hợp tham gia phòng, chống dịch bệnh tại BĐBP các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Tây Ninh, Long An, An Giang. Gác bút nghiên, gác tình riêng, họ vui vẻ lên đường làm nhiệm vụ khi Tết cận kề.

Trong số các học viên được tăng cường về An Giang, chúng tôi tình cờ gặp 3 người lính đặc biệt. Mỗi người đều mang một câu chuyện rất riêng, nhưng có điểm chung: đều là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vốn quen với đồi núi, dốc đá ở miền cao phía Bắc, chưa một lần có dịp đặt chân đến miền Nam lắm kênh, nhiều rạch.

Chuyến đi thực tập đồng thời tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở biên giới Tây Nam này chắc chắn là một trải nghiệm không thể quên trong cuộc đời họ. Sinh viên Vũ Văn Văn (sinh năm 1997, quê ở Lai Châu, đồng bào DTTS Giáy) đang học năm thứ 3, Học viện Biên phòng. Văn cho biết, sáng 13-1, Văn và các bạn sinh viên có mặt ở ga Sài Gòn.

Ngay chiều 13-1, Văn đã được đưa ra chốt phòng, chống dịch bệnh số 18 (Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, trên địa bàn TP. Châu Đốc). Lần đầu tiên đặt chân tới miền sông nước, Văn ngỡ ngàng với địa hình kênh, rạch chằng chịt, thời tiết ấm hơn hẳn, với những bữa ăn nêm nếm gia vị ngọt quện đầu lưỡi, khác hoàn toàn với những vùng quê miền Tây Bắc mà Văn đã có dịp đi qua...

Vũ Văn Văn (phải)

Tại chốt số 1 Đồn Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Long Bình (An Phú), chúng tôi gặp Phạm Văn Tùng (sinh năm 1999, quê ở Thanh Hóa, đồng bào DTTS Mường) là sinh viên năm thứ 3. Dáng thư sinh, ít nói nhưng trong công việc, Tùng rất chăm chỉ và luôn thể hiện sự quyết tâm cao. Tùng kể, trước khi vào An Giang, Tùng đã từng một lần đi thực tế kết hợp phòng, chống dịch bệnh ở chốt Co Sa (Đồn BPCK Chi Ma, Lạng Sơn). Tết năm ngoái, Tùng được về nhà 4 ngày (từ mùng 2 đến mùng 5 Tết). Tết năm nay, Tùng cùng đồng đội bám trụ ở biên cương, hẹn lại gia đình một ngày gần nhất.

Giàng A Tráng (sinh năm 1994, quê ở Lào Cai, DTTS Mông), sinh viên năm 3 cũng vậy. Đây là lần đầu tiên Tráng ăn Tết ở biên giới, ở chốt số 15 (Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn), cách chốt của Văn chừng 2km. Ở chốt này, điện, nước sinh hoạt rất khó khăn. Mỗi ngày, CBCS thay nhau xách từng can nước từ đồn về để tắm giặt, nấu nướng. Vài ngày, kết hợp với việc đi chợ mua rau, cá, họ lại đem theo bình ắc-quy để sạc đầy.

Tráng chia sẻ: “Tôi sống quen ở miền núi dốc cao, sỏi đá, khắc nghiệt vô cùng. Trong khi ở nơi đây khác hẳn, cảnh sông núi hữu tình rất thích mắt. Chỉ có điều, đi đâu, làm gì cũng phải bằng vỏ lãi. Với lại, một số phương ngữ địa phương rất lạ tai, nên tôi chưa hiểu lắm. Hiện giờ, tôi đang tập thích nghi với điều kiện sống, sinh hoạt này, vì trách nhiệm của một người lính” - Tráng bày tỏ.

“Ở đâu cũng là Tết”

Tết này, Văn, Tráng, Tùng và các sinh viên tăng cường cho biên giới An Giang vừa cùng đồng đội đi tuần tra canh gác trên biên giới, nắm bắt địa bàn, vừa tranh thủ dành chút thời gian rảnh để… tập chạy vỏ lãi, tập ăn bún mắm và tạo cơ hội giao tiếp với người dân địa phương. Mọi người đang háo hức đón chờ sự trải nghiệm đón xuân trên đường biên giới An Giang. Ăn Tết miền Nam với bánh tét, với thịt kho hột vịt, với cành mai vàng, trong nắng gió tháng Giêng... Chia sẻ với chúng tôi, họ đều cùng một niềm tin son sắt: khó khăn đến mấy vẫn sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng, đến khi trở lại mái trường sẽ mang theo đầy ắp vốn sống và kinh nghiệm quý.

Thượng úy Huỳnh Quốc Huy (Trạm trưởng Trạm Cửa khẩu Vĩnh Hội Đông - Đồn BPCK Vĩnh Hội Đông) đã quá quen với chuyện ăn Tết xa nhà. Theo thông lệ hàng năm, CBCS thay phiên nhau về nhà chừng 2-3 ngày, nếu may mắn thì đợt nghỉ rơi vào trong Tết. Năm ngoái, Huy ăn Tết sớm cùng gia đình, chiều 30 trở lại đơn vị. Mọi người, từ cán bộ đến chiến sĩ đều háo hức xúm nhau trang trí dây đèn, bày mâm trái cây, chăm chút chậu mai… Ai cũng vui, cũng thân thiện như anh em trong một gia đình. Thời khắc giao thừa, họ quây quần bên nhau, ngồi nghe thư chúc Tết.

Huy kể: “Bên chén trà, dĩa bánh mứt, chúng tôi chuyện trò rôm rả, kể cho nhau nghe Tết ở từng vùng quê. Lúc đó, tất cả trở thành gia đình của nhau, chia sẻ ước mong, cảm xúc với nhau. Ăn Tết ở nhà thì quá vui rồi, nhưng ăn Tết ở đơn vị cũng có niềm vui riêng. Chúng tôi cảm nhận đầy đủ trách nhiệm của mình với Tổ quốc vào giây phút thiêng liêng ấy, đáng nhớ vô cùng!”.

Trong chuyến thăm hỏi CBCS ở An Giang, thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh BĐBP đã biểu dương tinh thần CBCS trong thực hiện nhiệm vụ được giao ở tuyến đầu biên giới, nhất là vào giai đoạn cao điểm có nhiều sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng và tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

“Năm nay các đồng chí đón xuân ở tuyến đầu biên giới, với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao. Nhưng phía sau CBCS là đồng bào, nhân dân, là người thân đang quan tâm, động viên, cổ vũ tinh thần. Chúng tôi kỳ vọng các đồng chí làm tốt hơn nữa “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống các loại tội phạm, vừa chống dịch. Các đồng chí là chỉ huy đơn vị, phải quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CBCS, để anh em thêm an tâm, phấn khởi đón Tết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở biên giới” - thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương nhấn mạnh.

Mùa xuân đang gõ cửa từng nhà. Mai vàng đã vàng rực ngoài phố. Tại các tổ, chốt trên biên giới, những người chiến sĩ quân hàm xanh vẫn lặng thầm làm nhiệm vụ. Gác chuyện riêng, tạm xa gia đình, xa bạn gái, các anh luôn phấn đấu hết mình để giữ cho biên giới được bình yên, cho người dân ở tuyến sau được đón xuân bình yên và hạnh phúc...

GIA KHÁNH