Tọa lạc tại thị trấn Long Bình, cây da Long Bình gắn chặt với tên gọi “Giồng cây da”. Địa danh dân gian ấy đã chứng minh sự có mặt của “cụ” cây này từ những ngày lớp lưu dân đầu tiên đến “cắm dùi”, lập ấp ở vùng đất đầu nguồn.
Qua thời gian, cây da vẫn sừng sững giữa đất trời, tỏa bóng mát che chắn bao thế hệ người dân xứ đầu nguồn, vun đắp tình yêu quê hương bên trong họ. Những cô, cậu bé trong buổi trưa oi ả vẫn rủ nhau ra chơi đùa dưới bóng mát của cây da. Tiếng cười giòn tan của chúng hòa lẫn vào từng tán lá xanh tươi, trở thành một phần ký ức về xứ sở Long Bình.
Bà Nguyễn Thị Lệ, người định cư gần cây da, cho biết: “Cây da này theo tên gọi dân gian là sung reo. Do kích thước lá lớn, nên mỗi khi có gió thổi sẽ tạo ra âm thanh rất lớn, tựa như tiếng reo. Nội tui kể rằng, hồi bà mới về đất này làm dâu, thì cây đã to lớn lắm rồi.
Bà nội tui có hỏi ông cố tui, thì ông cũng chỉ biết cây da có từ trước khi lớp người đầu tiên đến đây mở đất. Như vậy, cây da đã có trước khi gánh họ Nguyễn của tui đến ở cái đất này, mà tới tui thì cũng đã hơn 5 đời rồi. Bề hoành của cây rất lớn, có thể hơn chục người lớn dang tay mới giáp”.
Trước kia, cây da có tán tròn, đầy đặn như một cây bon-sai khổng lồ. Do chiến tranh và thời gian, thân cây bị gãy nhiều nhánh, nên không còn giữ được vẻ đẹp ngày nào. Thân cây già nua chi chít những mấu sần sùi, rễ cây ăn ra xa thân chính gần chục mét như minh chứng cho tuổi đời cằn cỗi của “cụ” cây này.
Giữa thân cây có một hốc rỗng khá lớn. Những cậu bé có thể thoải mái chui vào đây chơi trốn tìm. Theo tín ngưỡng dân gian, người ta lập bàn hương án để phụng thờ cây da trăm tuổi này.
Bên cạnh cây da, dân địa phương còn lập miễu ông Tà, một kiểu tín ngưỡng dân gian đã gắn chặt với văn hóa tâm linh của người miền Tây. Họ cầu nguyện cây da, ông Tà phù hộ cho những lớp người sinh ra, lớn lên trên vùng đất Long Bình luôn được bình an, cho mùa màng tươi tốt.
Hôm chúng tôi đến cây da đang bắt đầu mùa trái. Trái có hình dạng giống như trái sung, khi sống ăn vừa chua, vừa chát, nhưng lúc chín thì hơi ngọt. Theo lời người dân, trái của cây da có thể trị đau dạ dày.
"Cây da cổ thụ hơn 350 năm tuổi là nơi lưu giữ, ghi dấu nhiều huyền thoại của vùng đất đầu nguồn biên giới An Phú và là “cái nôi” cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nên cần được quan tâm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tinh thần trong thời gian tới..."- một người dân địa phương nói.
THANH TIẾN