Thăm “viện lúa" có một không hai trên thế giới

12/11/2023 - 08:00

 - Gọi “viện lúa” cho sang, chứ đó chỉ là căn nhà đơn sơ, nằm nép mình trong khoảnh ruộng 3.000m2. Muốn ra “viện lúa”, phải đi ngoằn ngoèo theo con đường mòn ở xã Tân An, TX. Tân Châu (tỉnh An Giang). Với góc nhìn của người bình thường, nơi đây chẳng có gì đáng xem, nhưng với nông dân yêu quý từng hạt lúa, đây lại là “thiên đường”.

Rất nhiều công ty, trung tâm nghiên cứu khoa học về nông nghiệp đã từng đến “viện lúa”, xây dựng nhiều nghiệm thức để lai tạo, thử nghiệm giống lúa mới, phù hợp đặc tính ĐBSCL. Mỗi nghiệm thức chỉ được trồng trong vài mét vuông, nhưng hiệu quả mang đến lớn không ngờ.

Chủ nhân của “viện lúa” còn tỉ mẩn trồng từng hạt lúa vào đủ loại chậu. Có giống lúa mọc lên um tùm như cỏ dại. Có giống lúa chưa thích nghi với thổ nhưỡng, chỉ còn lại đơn độc 1-2 cây, nhưng đủ ngày đủ tháng, chúng vẫn trổ bông, kết hạt, giúp người nghiên cứu tiếp tục lai tạo đời sau vượt trội hơn.

Nơi đây có những giống lúa đang được nghiên cứu, lai tạo, đủ khả năng sinh trưởng ở vùng đất độ mặn 7‰. Thành công của quá trình lai tạo sẽ giúp nông dân vùng xâm nhập mặn khai thác tối đa tài nguyên đất, không còn lo lắng bỏ hoang đất phèn.

Cùng với đó, 40 giống lúa chất lượng cao, phù hợp thổ nhưỡng nhiều vùng đất trong cả nước đang được lưu trữ, nhân giống thường xuyên, đề phòng tình trạng đứt gãy nguồn giống.

Nhiều giống lúa của vùng Tây Bắc có thời gian sinh trưởng dài (4-5 tháng) cũng được đưa về “viện lúa”, cải tạo thành công sang giống lúa ngắn ngày (3 tháng). Tên của giống lúa mới được đặt theo tên của người cất công đưa chúng về đây.

Một tấm bảng ghi chú, hỗ trợ sinh viên nông nghiệp nắm bắt thông tin trong quá trình thực tập tại tỉnh An Giang nói chung, “viện lúa” nói riêng.

Từng khoảnh đất trong “viện lúa” là nơi nhà khoa học nông dân Hoa Sĩ Hiền (58 tuổi) gieo trồng niềm hy vọng về những giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu, chống chịu mọi loại đất “đỏng đảnh”. Đây cũng là nơi ông dành phần lớn thời gian trong ngày, đổ dồn tiền bạc, tâm huyết.

Với những đóng góp lớn lao trong nghiên cứu, lai tạo giống lúa, ông Hiền nhận được rất nhiều bằng khen các cấp, từ Trung ương đến địa phương, trở thành điển hình tiên tiến ở các lĩnh vực.

Lần gặp này, ông khoe công trình nghiên cứu đặc biệt của mình: Cây lúa sống được ở cả hai môi trường khác nhau (đất bình thường và đất nhiễm mặn 22‰). Ông thực hiện thành công nhiều năm trước, giờ quay lại thử nghiệm để tạo giống lúa chịu mặn mới cho xứ nhiễm phèn miệt thứ U Minh (tỉnh Kiên Giang).

Ông sử dụng cây lúa mùa, sống trong môi trường nước ngọt, sinh trưởng dựa theo mùa nước nổi đặc trưng của miền Tây. Khi sinh trưởng, mỗi cây lúa đâm rất nhiều chồi.

Sau đó, ông dìm 1 đốt lóng của chồi bất kỳ vào xô đất chứa môi trường mặn. Cây phản ứng lại môi trường mới, kích hoạt tế bào gen, từ từ thích nghi với đất mặn. Nếu vượt qua thử thách, cây bắt đầu đâm rễ, mọc thành chồi mới.

“Nói thì dễ, nhưng quá trình này cần sự kiên nhẫn vô cùng. Tôi tin tưởng, 2 mùa vụ nữa thôi, sẽ làm ra thành phẩm cho bà con xứ phèn” – ông Hoa Sĩ Hiền bày tỏ.

Mấy ngày nay, ông Hiền tất bật cùng các nông dân khác ở xã lân cận cày xới, nhổ mạ, chuẩn bị xuống giống 29 giống lúa chất lượng cao. Đất ít, nằm khuất ở khu vực khó đi, nên ông thuê nhân công khó khăn lắm.

Trong khi đó, những hạt lúa ông khổ cực gieo trồng không phải để ăn, không phải kinh doanh, mà là đem đi chia sẻ với nông dân mọi miền Tổ quốc.

Bởi thế, ông hay nói dí dỏm rằng, chẳng ai làm nông mà nghèo miết như mình. Cái nghèo lây sang cho “viện lúa”. Dù là nơi cho ra nhiều giống lúa chất lượng cao, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, nhưng ông chẳng đủ điều kiện để đầu tư, mở rộng nơi này.

Trước khi chia tay chúng tôi, nhìn mảnh ruộng nhỏ được cày phẳng phiu, ông gửi gắm niềm mong ước: “Mỗi vụ mùa, tôi thu hoạch tổng cộng 800kg đến 1,2 tấn lúa giống các loại.

 Nông dân nhiều nơi ngỏ lời, tôi sẵn sàng chia cho mỗi người vài chục ký. Chỉ mong sao, nông dân xứ mình được hỗ trợ nhân rộng trồng lúa chất lượng cao, gắn kết thành thương hiệu đặc trưng của tỉnh An Giang, TX. Tân Châu”.

GIA KHÁNH