Tháng 4, thăm lại các “địa chỉ đỏ”

29/04/2022 - 06:38

 - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất Tri Tôn trở thành căn cứ địa cách mạng quan trọng. Trong đó, Ô Tà Sóc (xã Lương Phi) và đồi Tức Dụp (xã An Tức, huyện Tri Tôn) là 2 căn cứ quan trọng của Tỉnh ủy An Giang thời kỳ này. Dù trải qua hơn nửa thế kỷ, nơi đây vẫn còn lưu giữ những ký ức hào hùng, trở thành “địa chỉ đỏ” của thế hệ hôm nay và mai sau.

Lá chắn Ô Tà Sóc

Với địa thế đặc biệt, vùng Bảy Núi trở thành căn cứ địa suốt thời kỳ chống Pháp đến Mỹ. Đặc biệt, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, vùng đất Tri Tôn thường xuyên được Tỉnh ủy An Giang chọn lựa xây dựng các cơ quan hoạt động, di chuyển từ đồng tràm Tân Tuyến về núi Dài, núi Cô Tô hoạt động, tùy vào tình hình thực tế.

Khi chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện Luật 10/59, “lê máy chém đi khắp miền Nam”, ngụy quyền ở An Giang đẩy mạnh xây dựng lực lượng, gia tăng quân số lính bảo an, dân vệ, trang bị vũ khí thanh niên cộng hòa, tăng cường quân chủ lực cơ động, biệt động quân, thiết giáp nhằm đối phó những cuộc tiến công ngày càng dồn dập trên khắp các mặt trận của lực lượng cách mạng An Giang.

Đối với địa bàn Tri Tôn, đầu năm 1962, ngoài lực lượng dân vệ, thanh niên chiến đấu vũ trang, địch còn tăng cường thêm 3 đại đội lính bảo an, gồm đại đội 817, 814 và 818, đóng rải rác ở các xã Ô Lâm, Lê Trì, Cô Tô, Lương Phi và Châu Lăng. Đồng thời, tăng cường thêm 2 đại đội biệt động quân đóng ở khu vực đồng tràm Lương An Trà, đồn Lò Gạch và các đồn ở Ba Chúc để hành quân càn quét hỗ trợ cho việc xây dựng ấp chiến lược. Địch đẩy mạnh xây dựng một số ấp chiến lược kiểu mẫu như Ô Tà Tưng ở Ô Lâm, Lương An Trà ở Lương Phi và Hoạch Lân ở Lê Trì.

Ô Tà Sóc trở thành địa chỉ du khảo về nguồn lý tưởng

Bằng những thủ đoạn gom dân tàn bạo, địch đã lấn chiếm hầu hết vùng giải phóng có dân ở các xã Ô Lâm, An Tức, Lương Phi và Lê Trì. Nhiều cán bộ, đảng viên không bám được dân phải trở ra căn cứ, các cơ quan của Tỉnh ủy lúc này cũng dời từ đồng tràm Lương An Trà về núi Dài hoạt động, lấy Ô Tà Sóc làm điểm tựa, xây dựng căn cứ trong giai đoạn 1962-1967.

Tại Ô Tà Sóc, các cơ quan quân sự, an ninh, binh vận, dân vận, mặt trận, tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra và các đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ đóng rải rác trong các “lò ảng” (hang động), liên thông với nhau. Trong đó, trọng tâm là Điện Trời Gầm (nơi đặt cơ quan Tỉnh ủy) với bán kính khoảng 3km. Với ưu thế và cấu tạo đặc biệt, căn cứ Ô Tà Sóc đã chống chịu thành công 365 trận càn quét lớn nhỏ với mọi phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại của Mỹ, ngụy.

Từ căn cứ này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo quân và dân An Giang tấn công tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng vũ trang thổ phỉ ở vùng rừng núi ven biên, mở rộng vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến, kiên cường phá tan hệ thống “ấp chiến lược” và “kế hoạch bình định”, góp phần đánh bại “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy. Sau khi Tỉnh ủy rút đi, nơi đây còn gắn liền với chiến công của Trung đoàn 1 kiên cường cùng câu chuyện bi hùng đồi Ma Thiên Lãnh.

Năm 2001, căn cứ Ô Tà Sóc được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến nay, Khu căn cứ lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc đã được UBND huyện Tri Tôn cải tạo, trùng tu khang trang, trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi lý tưởng để tổ chức các chuyến du khảo về nguồn.

"Ngọn đồi 2 triệu đô-la”

Sau khi rút khỏi căn cứ Ô Tà Sóc ở núi Dài, Tỉnh ủy An Giang đã quyết định chọn đồi Tức Dụp (một ngọn đồi nhỏ của núi Cô Tô) làm nơi trú đóng. Tương tự như Ô Tà Sóc, với hệ thống lò ảng liên thông độc đáo, đồi Tức Dụp như mái nhà đá khổng lồ che chở cho cách mạng, chống chọi với những đợt càn quét quy mô lớn của Mỹ-ngụy bằng vũ khí tối tân nhất lúc bấy giờ.

Cái tên “Ngọn đồi 2 triệu đô-la” được giải thích là chi phí bom, đạn, vũ khí mà Mỹ đã đổ xuống nơi đây (2 triệu đô-la là số tiền rất lớn lúc bấy giờ), cũng có thể hiểu là cái giá mà Mỹ treo thưởng cho đơn vị, lực lượng nào giành thắng lợi ở ngọn đồi này.

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồi Tức Dụp nổi tiếng với trận chiến 128 ngày đêm (từ đêm 16, rạng sáng 17/11/1968 đến 24/3/1969), khiến quân đội Mỹ-ngụy với quân số và vũ khí vượt trội vẫn không thể thắng được ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân ta. Tức Dụp trở thành “Lá chắn anh hùng”, là điểm tựa quan trọng cho thắng lợi mùa xuân 1975. Nơi đây, biết bao chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống và tinh thần bất khuất ấy đã được Trung ương Đảng ghi nhận bằng 8 chữ vàng “Kiên cường bám trụ, giữ vững núi Tô”.

Chiến tranh đã lùi xa, Tức Dụp, từ một ngọn đồi trọc, không còn vết tích của sự sống do hậu quả của bom đạn chiến tranh, nay trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia, là điểm du lịch về nguồn lý tưởng của thế hệ trẻ. Nơi đây, vẫn còn đó những dấu tích của một thời vẻ vang và oanh liệt của quân và dân ta, đặc biệt là các cơ quan của Tỉnh ủy An Giang và Huyện ủy Tri Tôn, như: Hội trường C6, hang Tuyên huấn, hang Tỉnh ủy, hang Hậu cần, hang Quân y, hang Điện cối 6, vồ Năm Kiếm, điện Mười Xem...

Đồi Tức Dụp vẫn sừng sững hiên ngang như một nhân chứng lịch sử của cuộc đấu tranh hào hùng của quân và dân An Giang; là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam.

NGÔ CHUẨN