Tháng 8, nhớ Bác Tôn!

16/08/2019 - 05:49

 - Những ngày tháng 8 bao giờ cũng đong đầy cảm xúc đối với những ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất An Giang, bởi tất cả dường như đang nhớ về người con ưu tú của quê hương này: Bác Tôn! Hai tiếng gọi thiêng liêng ấy như thôi thúc tôi trở về với Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) để lắng nghe tình đất, tình người An Giang hôm nay thành kính gửi đến Người với tấm lòng biết ơn sâu sắc!

Bến phà Ô Môi ngày nắng đẹp. Con nước sông Hậu hiền hòa đã quặn đỏ phù sa. Chiếc phà sắt từ từ tách bến đưa tôi về với cù lao Ông Hổ, địa danh lịch sử đã gắn liền với quá trình định làng lập ấp của cư dân Nam Bộ thời mở đất và cũng là nơi ấp ủ những năm tháng thiếu thời của người thanh niên Tôn Đức Thắng.

Những cơn gió sông mát rượi làm dịu lòng người. Có lẽ, bến Ô Môi giờ đây đã không còn như ngày Bác Tôn qua lại nơi này hàng trăm năm trước nhưng mấy cây ô môi phủ bóng mát ven sông đã phần nào làm nguôi nỗi nhớ của những ai muốn tìm về lịch sử.

Mỹ Hòa Hưng - cù lao Ông Hổ giờ đã là xã nông thôn mới với những tuyến đường nhựa trải dài tít tắp, là vùng đất của trái ngọt cây lành.

Người Mỹ Hòa Hưng hôm nay đã phấn đấu xây dựng quê hương, phát triển kinh tế nhằm đánh thức tiềm năng về du lịch homestay, kinh tế vườn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Điều đó cho thấy, đất và người nơi đây đang nỗ lực đổi thay từng ngày để “bắt kịp” với trung tâm thành phố sầm uất bên kia sông.

Và cũng là để đền đáp lại sự mong mỏi của Bác Tôn từ những ngày đầu tìm thấy lý tưởng cách mạng rồi trải qua chặng đường đấu tranh không mệt mỏi mấy mươi năm, để đến ngày về lại quê xưa thì đã bạc phơ mái tóc nhưng tấm lòng yêu quê hương, xứ sở thì không bao giờ thay đổi.

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xã Mỹ Hòa Hưng, “địa chỉ đỏ” cho những ai muốn tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn những ngày này luôn đông khách tham quan. Nép mình bên bờ sông Hậu hiền hòa, xen lẫn giữa những hàng cây mát rượi, Khu lưu niệm luôn tạo cho những ai đến đây cảm giác gần gũi, thân thương.

Tôi đến nhà trưng bày hiện vật lịch sử liên quan đến Bác Tôn để tìm hiểu rõ hơn những câu chuyện liên quan đến Người. Đây là chiếc xe đạp hiệu Diamant, chiếc quạt để bàn, chiếc đồng hồ cũ kỹ và xúc động nhất chính là chiếc cối xay tiêu mà Bác đã mua từ Liên Xô về tặng cho Bác gái nhân dịp sang đó nhận giải thưởng Hòa Bình quốc tế.

Trong chiếc cối xay tiêu ấy là một câu chuyện cảm động và sâu sắc về tình cảm của một người chồng luôn hiểu vợ mình. Vì Bác Tôn thích ăn cá kho tộ bỏ nhiều tiêu nên Bác gái hay đem tiêu hột ra đâm hàng ngày. Mỗi lần đâm, tiêu văng ra khỏi cối khiến Bác gái phải vất vả lượm bỏ vào. Thương vợ mắt kém, Bác Tôn mua hẳn một chiếc cối xay tiêu về tặng Bác gái để vơi bớt phần vất vả. Chiếc cối xay tiêu chỉ có 7 rúp, trong khi phía bạn tặng cho Bác đến 10.000 rúp. Tất cả số tiền thừa Bác trả hết lại cho Liên Xô mà không tiêu thêm bất cứ đồng nào.

Chỉ là mẩu chuyện trong vô vàn câu chuyện liên quan đến Bác Tôn nhưng nó thể hiện rất rõ nhân cách vĩ đại của Bác, luôn quan tâm đến người thân bên cạnh mình, luôn sống giản dị, liêm khiết, trong sạch.

 Trong những ngày đầu đất nước thống nhất, dù bận nhiều việc nhưng Bác vẫn sắp xếp thời gian về lại cù lao Ông Hổ để thăm anh em, thân tộc và người dân quê mình. Chiếc tàu Giang Cảnh đưa Bác về lại cù lao Ông Hổ năm 1975 vẫn còn neo đậu trong khuôn viên Khu lưu niệm đã trở thành minh chứng cho chuyến thăm lịch sử ấy. Nó khẳng định tình yêu quê hương luôn sống trong tim Bác Tôn từ những ngày đầu rời quê vào năm 1906 đến lúc trở về.

Căn nhà sàn của cụ thân sinh Bác Tôn vẫn nằm giữa khuôn viên xanh mát, từng kỷ vật vẫn còn lưu dấu người xưa, in đậm kỷ niệm của Bác Tôn thuở thiếu thời. Căn nhà lúc nào cũng ấm áp khói hương, với tấm lòng biết ơn chân thành của thế hệ hôm nay đối với người con ưu tú của đất An Giang. Mỗi lần đến với ngôi nhà ấy, tôi đều có suy nghĩ rằng: nếu không là một nhân cách vĩ đại, nếu không là người yêu nước hẳn Bác Tôn sẽ không rời bỏ nơi này để tìm đường đấu tranh cho dân tộc.

Để từ đó, thế giới biết đến tên người thanh niên Tôn Đức Thắng kéo cờ đỏ trên chiến hạm France ở biển Đen để ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga. Để Bác Tôn trở thành người bạn chiến đấu thân thiết của Bác Hồ. Để dòng nước sông Hậu hôm nay vẫn tự hào ôm lấy cù lao Ông Hổ như trân trọng một con người từ đó ra đi vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Hôm nay, trong không khí thiêng liêng của những ngày tháng 8, mọi người khi đến với Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đều có chung một tấm lòng biết ơn sâu sắc, thành kính thắp nén hương trước chân dung của người và tự suy nghĩ về bài học của lòng yêu nước, của sự hy sinh cùng tinh thần đạo đức cách mạng. Từ đó, cùng góp bàn tay vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp như mong mỏi của Bác Tôn lúc sinh thời.

THANH TIẾN