Thanh niên phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay

19/10/2021 - 05:04

 - Đầu năm 2021, Xã đoàn Vĩnh Châu phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) hoàn tất các thủ tục và giải ngân vốn vay 50 triệu đồng, hỗ trợ mô hình canh tác vườn cây ăn trái của thanh niên khởi nghiệp ở địa phương. Theo Phó Bí thư Xã đoàn Vĩnh Châu Ngô Thị Thùy Trang, thực tế sản xuất cho thấy, đây là mô hình canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao, hoàn toàn có thể thanh toán nợ vay. Xuất phát từ nhu cầu cần vốn đầu tư thêm để mở rộng sản xuất, Xã đoàn Vĩnh Châu và Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Châu Đốc đã khảo sát thực tế, hoàn thành thủ tục giải ngân, hỗ trợ mô hình phát triển.

Được nhận số vốn 50 triệu đồng từ chương trình vay trả chậm với hình thức trả lãi và gửi tiết kiệm, anh Hà Vũ Linh (xã Vĩnh Châu) có thêm điều kiện để phát triển kinh tế. Trên diện tích 4.000m2 đất của gia đình, anh Linh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang lên liếp lập vườn, trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái, như: mít Thái, thanh nhãn, cà na, dừa…

Sau 1 năm chăm sóc, vườn cây ăn trái của anh Linh đã cho thu hoạch đợt đầu tiên, giá cả ổn định. Với lợi nhuận từ đợt thu hoạch trái cây trong vườn, anh Linh thanh toán lãi suất và gửi tiết kiệm để có thể giảm nợ vay.

Anh Linh cho biết, trước khi lập vườn trồng cây ăn trái, anh đã học hỏi kinh nghiệm từ những nhà vườn, lên mạng tìm hiểu thông tin, kỹ thuật canh tác các loại cây ăn trái. Tuy nhiên, học tập thì chỉ dừng lại ở chăm sóc cơ bản, còn kỹ thuật kích ra hoa, đậu trái hay xử lý sâu, bệnh cần kinh nghiệm thực tế. Bởi vậy, ban đầu gặp nhiều khó khăn nhưng anh không nản lòng mà dành nhiều thời gian thăm vườn, chăm bón và theo dõi sự thay đổi, phát triển của vườn cây để đúc kết kinh nghiệm cho riêng mình.

Vườn của anh Linh được trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái

Trong vườn của anh Linh, mít Thái, thanh nhãn là 2 loại cây trồng chính, còn cà na và dừa chỉ trồng xen canh một ít. Nhờ xen canh nhiều loại cây trồng mà hầu như vườn có trái cây bán thường xuyên. Mấy tháng trước, anh vừa xuất bán đợt thanh nhãn, mùa này có cà na và dừa, còn mít Thái đang chuẩn bị thu hoạch.

“Tốn kém nhất là chi phí chuyển đổi từ đất ruộng sang lập vườn trồng cây ăn trái. Ngoài tiền công lên liếp thì kinh phí đầu tư cây giống khá lớn. Mít Thái thường không có tuổi thọ cao nên muốn đạt hiệu quả kinh tế, phải biết cách chăm sóc, cắt tỉa, dọn cành sau thu hoạch, cung cấp dinh dưỡng… Mỗi cây mít chỉ nên để 1-3 trái, như vậy cây mới đủ sức nuôi trái lớn, từ đó giá bán sẽ cao hơn” - anh Linh chia sẻ.

Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, từ số vốn vay ngân hàng, anh Linh tiếp tục mở rộng đầu tư, chuyển đổi đất ruộng sang lập vườn trồng thêm các loại cây ăn trái.

Từ tháng 6-2020, Xã đoàn Vĩnh Châu cho ra mắt Câu lạc bộ (CLB) thanh niên làm kinh tế, tập hợp các đoàn viên, thanh niên ở địa phương có độ tuổi gần bằng nhau và có đam mê làm kinh tế, nung nấu ý tưởng khởi nghiệp từ lợi thế nông nghiệp. Xã đoàn đóng vai trò làm cầu nối để các bạn cùng nhau chia sẻ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

“CLB quy tụ các thành viên đang sở hữu các mô hình nông nghiệp đã ghi nhận được hiệu quả kinh tế ở địa phương. Điển hình, như: mô hình trồng dưa lưới, mô hình trồng mít Thái, mô hình trồng nhãn, mô hình trồng xoài… Trong đó, có một thanh niên trong CLB đã xây dựng được thương hiệu riêng cho vườn dưa lưới của mình, mở một cửa hàng trái cây ở TP. Châu Đốc, chuyên cung cấp dưa lưới an toàn từ vườn nhà” - Phó Bí thư Xã đoàn Vĩnh Châu Ngô Thị Thùy Trang thông tin.

Bằng sự hỗ trợ thiết thực, Xã đoàn Vĩnh Châu đã giúp thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay, tạo sân chơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cho các bạn trẻ có cùng đam mê, sở thích. Qua đó, giúp thanh niên trên địa bàn xã có thêm động lực hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp. Sự hỗ trợ kịp thời không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình, tạo thu nhập ổn định, gắn bó với quê hương mà còn giúp kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

ÁNH NGUYÊN