Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh

29/10/2021 - 05:04

 - Những tháng đầu năm 2021, trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh An Giang đã tập trung tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch. Đồng thời, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng vay, giúp người dân và doanh nghiệp (DN) từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) và phát triển trong thời gian tới.

Cùng vượt khó

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: “Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động hệ thống ngân hàng tiếp tục phát triển ổn định. Mặc dù trong khó khăn nhưng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá cao. 9 tháng của năm 2021 tăng 7,35% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ chỉ tăng 3,24%).

Qua đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho khách hàng, đặc biệt là các DN, thể hiện sự hấp thu vốn khá tốt của các DN trên địa bàn. Các tổ chức tín dụng rất quan tâm, chia sẻ đồng hành với khách hàng vay, tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, như: miễn, giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ...”.

Ông Dũng cho biết, tính đến cuối tháng 9-2021, có 153.824 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới. Trong đó, dư nợ được miễn, giảm lãi vay 8.343 tỷ đồng, với 78.331 khách hàng (77.593 cá nhân, hộ và 738 DN); tiền lãi khách hàng được miễn, giảm lãi vay là 92,3 tỷ đồng.

Trong đó, có 16 chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn hỗ trợ lãi suất theo cam kết với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng là 64,8 tỷ đồng, với 70.448 khách hàng là DN và cá nhân. Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 2.328 tỷ đồng, với 8.179 khách hàng (8.125 cá nhân, hộ và 54 DN). Cho vay mới 23.513 tỷ đồng, với 67.314 khách hàng.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến 30-9-2021, đã tiếp nhận 23 hồ sơ của 23 DN đề nghị vay vốn. Đã giải ngân 23 hồ sơ, cho vay số tiền 4 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 1.629 lượt lao động.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, cho vay mới giảm khoảng từ 0,5-1%/năm so với các món vay hiện hữu, nhằm hỗ trợ và chia sẻ với khách hàng vay vốn khôi phục hoạt động SXKD ổn định trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều tổ chức tín dụng còn giảm phí chuyển tiền, miễn phí chuyển tiền, như: BIDV, Techcombank, OCB, Agribank, Vietcombank... kể cả trong và ngoài hệ thống, mức giảm từ 50-100% phí chuyển tiền.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng, giúp khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các gói tín dụng

“Để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động SXKD, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương đang đề xuất trình Chính phủ, Quốc hội xem xét gói tín dụng cấp bù lãi suất hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng khó khăn do dịch bệnh COVID-19 với quy mô cấp bù 3.000 tỷ đồng lãi suất hỗ trợ DN, hỗ trợ lãi suất 3%/năm, tương đương quy mô gói tín dụng 100.000 tỷ đồng” - ông Dũng chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ khách hàng khôi phục SXKD, đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình dịch bệnh COVID-19, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang đã cung cấp danh sách cán bộ đầu mối hỗ trợ DN của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến các sở, ban, ngành, Hiệp hội DN, ngành nghề, chi hội DN, DN... để tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận những thông tin chương trình ưu đãi.

Đồng thời hỏi đáp, đề nghị hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN (theo quy định thông tư thì khách hàng vay phải có đề nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và lãi suất theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại).

Ông Dũng đề nghị, các sở, ban, ngành, Hiệp hội DN, Hiệp hội ngành nghề, DN tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng trên địa bàn, thường xuyên phối hợp với ngành ngân hàng An Giang tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin về DN bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả tiết kiệm chi phí, đổi mới phương thức thực hiện kết nối ngân hàng-DN bằng các hoạt động, như: giới thiệu DN cho ngân hàng; gửi danh sách DN có nhu cầu vay vốn tín dụng phục vụ SXKD từ các cơ quan, tổ chức đến các ngân hàng thương mại. Quá trình này sẽ thúc đẩy công tác kết nối ngân hàng-DN được thường xuyên, liên tục, hạn chế thấp nhất tình trạng DN thiếu vốn để mở rộng hoạt động SXKD.

Các ngân hàng thương mại cần tích cực tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng, tăng cường khai thác dữ liệu DN trên địa bàn, nguồn khách hàng hiện hữu, truyền thông, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Nghiên cứu nhu cầu khách hàng để có các gói tín dụng phù hợp với quy mô và hoạt động của khách hàng ở từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang sẽ duy trì tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị, đề nghị hỗ trợ của khách hàng qua đường dây nóng (02963.843.662 và 02963.844.245). Dự kiến ngày 10-11-2021 sẽ tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với DN để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU