Tháo gỡ khó khăn về tinh giản biên chế

18/09/2024 - 05:24

 - Tham mưu thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW, giai đoạn 2015 – 2021, An Giang giảm hơn 450 biên chế hành chính (tỷ lệ 10,35% so năm 2015), đạt và vượt mục tiêu đặt ra (giảm tối thiểu 10%). Đồng thời, giảm hơn 5.100 người làm việc hưởng lương từ ngân sách giai đoạn này (tỷ lệ 11,2%), cũng đạt và vượt mục tiêu đặt ra (giảm tối thiểu 10%).

Thực hiện đúng chủ trương

Theo Sở Nội vụ, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp tỉnh, huyện đã được sắp xếp, tổ chức lại cơ bản tinh gọn, đổi mới phương thức quản lý và hoạt động, nâng cao chất lượng, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Cơ quan, đơn vị hoạt động thông suốt, hiệu quả, bởi các phòng chuyên môn được sáp nhập, hợp nhất đều có chức năng, nhiệm vụ liên thông, giúp giảm đầu mối, giảm số lượng chức danh lãnh đạo, kết hợp nguồn nhân lực trong quá trình giải quyết công việc, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh về cơ bản đạt chuẩn theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp quy định. Tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ, các kỹ năng nghiệp vụ, giao tiếp, ứng xử được cải thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Biên chế giáo viên cần được tháo gỡ

Giai đoạn 2021 - 2026, Trung ương quy định, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức; ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn trước, thì phải đồng thời thực hiện chỉ tiêu tinh giản của cả 2 giai đoạn. Trên cơ sở đó, An Giang xây dựng Kế hoạch quản lý biên chế giai đoạn 2022 - 2026 là giảm tối thiểu 5% biên chế công chức, 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với biên chế giao năm 2021.

Cụ thể hóa quy định của Trung ương, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh ban hành 33 nghị quyết lĩnh vực nội vụ. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết 49/NQ-HĐND, ngày 8/12/2021, giao biên chế công chức, hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính Nhà nước; phê duyệt số lượng người làm việc, hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập và các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh năm 2022. Nghị quyết 40/NQ-HĐND, ngày 12/12/2022 giao biên chế công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước; phê duyệt số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập và hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Nghị quyết 26/2022/NQ-HĐND, ngày 11/11/2022 bãi bỏ Nghị quyết 23/2020/NQ-HĐND, ngày 8/12/2020 của HĐND tỉnh quy định chế độ thù lao đối với người không thuộc đối tượng đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội có tính chất đặc thù, có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết 50/NQ-HĐND, ngày 7/12/2023 giao biên chế công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước; phê duyệt số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập và hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Còn nhiều trăn trở

Tuy nhiên, theo ngành chuyên môn, quá trình tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026 sẽ rất khó khăn, vướng nhiều bất cập, bất hợp lý. Điển hình như câu chuyện trong ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Việc cắt giảm biên chế sự nghiệp có ưu điểm là địa phương chủ động điều chỉnh giữa các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh để hạn chế thấp nhất việc thừa, thiếu cục bộ giáo viên. Dù vậy, vẫn không đáp ứng nhu cầu giáo viên, do số lượng học sinh tăng hàng năm, quy mô lớp tăng theo. Định mức người làm việc cũng thay đổi từng năm để đảm bảo việc dạy học. Tuy nhiên, nghịch lý là số người làm việc được giao cho ngành GD&ĐT lại giảm theo lộ trình chung của Chính phủ.

“Trên địa bàn tỉnh, số lượng người làm việc được giao cho đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT chiếm đa phần trong tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (690 đơn vị (chiếm hơn 81%); 25.236 người (chiếm hơn 79%), theo số liệu đến ngày 30/6/2024). Nếu cắt giảm 10% biên chế sự nghiệp giai đoạn 2022 - 2026, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy của ngành. Hầu hết đơn vị sự nghiệp giáo dục được giao số lượng người làm việc thấp hơn định mức quy định. Như vậy, số biên chế sự nghiệp cho ngành GD&ĐT hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu dạy và học. Năm học 2024 - 2025, tỉnh còn thiếu 1.044 biên chế giáo viên” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Long Hồ phân tích.

Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng công chức, viên chức mặc dù được thực hiện bằng nhiều hình thức (thi tuyển, tiếp nhận, xét tuyển…), nhưng vẫn còn nhiều biên chế chưa tuyển dụng được (trong đó có nguyên nhân không đủ điều kiện tuyển dụng). Việc tổ chức thi tuyển còn chậm, chỉ tiêu nhiều nhưng tuyển không đủ chỉ tiêu. Mặt khác, phải thực hiện giảm 5 - 10% biên chế theo lộ trình, các cơ quan, đơn vị “không dám” tuyển dụng hết số biên chế được cấp thẩm quyền giao, mà “chừa” dự phòng để có số lượng thực hiện tinh giản.

Vừa qua, đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh đã làm việc tại Sở Nội vụ, nhằm xem xét, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh lĩnh vực nội vụ. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đỗ Tấn Kiết, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh: “Từ nay đến năm 2026, toàn tỉnh phải tập trung thực hiện công tác nhân sự, cán bộ liên quan đến đại hội Đảng bộ các cấp (nhiệm kỳ 2025 - 2030), bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND (nhiệm kỳ 2026 - 2031). Do đó, ngành nội vụ phải chủ động rà soát, tham mưu xử lý công tác nhân sự, chính sách theo quy định. Đồng thời, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, phối hợp sở, ngành liên quan tham mưu HĐND tỉnh kịp thời, đúng quy trình, đồng bộ, tránh tình trạng tham mưu xong lại không thể triển khai được trong thực tế. Tăng cường kiểm tra, theo dõi, phối hợp thực hiện đối với các nghị quyết lĩnh vực nội vụ đã được ban hành. Nội dung nào chưa phù hợp, còn vướng mắc phải kịp thời phản ánh, sớm điều chỉnh, bổ sung. Đối với các khó khăn liên quan đến tinh giản biên chế, đoàn giám sát ghi nhận, sẽ tìm cách tháo gỡ, đặc biệt là nhân sự lĩnh vực GD&ĐT, nông nghiệp, y tế”.

GIA KHÁNH