Thắp lên khát vọng làm giàu cho thanh niên

01/06/2021 - 05:31

 - Trong hành trình lập nghiệp của thanh niên, ngoài phải tìm được hướng đi rõ ràng vẫn cần nguồn vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh. Với vai trò của mình, Đoàn Thanh niên các địa phương nhạy bén nắm bắt, đồng hành giúp đỡ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), từ phối hợp tổ chức các lớp học nghề, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi… đến tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp giúp các bạn thanh niên tự tin phát triển kinh tế gia đình.

Thời gian qua, Phường đoàn Vĩnh Mỹ (phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) không chỉ phát huy được vai trò tập hợp ĐVTN ở địa phương mà còn đồng hành, tạo điều kiện kết nối cho các bạn tiếp cận với các nguồn vốn vay lãi suất thấp để khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Đây là một trong những cách làm giúp ĐVTN gắn bó với địa phương, tham gia lao động sản xuất tại quê nhà, không phải rời địa phương đi làm ăn xa.

Theo Bí thư Phường đoàn Vĩnh Mỹ Huỳnh Thoại My My, thế mạnh của địa phương là sản xuất nông nghiệp nên các bạn thường có các ý tưởng về trồng trọt, chăn nuôi, tuy nhiên cái khó nhất của thanh niên khi bắt tay khởi nghiệp là thiếu nguốn vốn để đầu tư sản xuất - kinh doanh. Thấu hiểu được nỗi khó khăn đó, Phường đoàn kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, bảo lãnh cho các bạn vay vốn để phát triển kinh tế với lãi suất ưu đãi.

“Trước đó, Phường đoàn kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Châu Đốc giải ngân vốn cho nhiều thanh niên ở địa phương phát triển các mô hình, như: nuôi gà đông tảo, sửa chữa xe máy… Mới đây, đã hỗ trợ vốn vay cho 2 bạn thanh niên với số tiền là 60 triệu đồng để phát triển mô hình trồng mít Thái” - chị My thông tin.

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp, thanh niên Trần Văn Đức đã phát triển mô hình trồng mít Thái xen canh các loại hoa màu, đầu tư hệ thống tưới nước tự động

Cách đây hơn 1 năm, diện tích 3.000m2 đất của thanh niên Trần Văn Đức (khóm Mỹ Hòa, phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) vẫn còn canh tác lúa 3 vụ. Giá lúa lên, xuống thất thường kéo thu nhập của gia đình bấp bênh. Sau khi tham quan, tìm hiểu, Đức mạnh dạn chuyển đổi diện tích sản xuất lúa của gia đình sang lập vườn trồng mít Thái. Số vốn 30 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã giúp Đức đầu tư, cải tạo đất ruộng lên vườn, chi phí cây giống, hệ thống tưới nước tự động…

Trong thời gian đầu trồng mít Thái, tận dụng không gian trống trong vườn, Đức nhạy bén xen canh thêm dưa gang, bí hồ lô, bí rợ… nhằm “lấy ngắn nuôi dài” trong thời gian đợi mít cho thu hoạch. Bên cạnh đó, khi trồng các loại hoa màu trên nền đất mới chuyển đổi lên vườn, năng suất cao, giá dao động từ 6.000-8.000 đồng/kg, giúp gia đình Đức có thêm thu nhập. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn sau khi vay vốn từ ngân hàng, Đức đã trả đủ cả phần lãi và gốc số tiền vay, nhẹ phần lo nợ nần, tập trung phát triển vườn mít.

Để chọn cây mít Thái canh tác, Trần Văn Đức cũng đã đắn đo suy nghĩ và tìm hiểu thông tin rất nhiều. Đầu tiên là so với nhiều loại cây ăn trái khác, như: nhãn, bưởi, sầu riêng thì thời gian cho thu hoạch của mít Thái không quá dài, sau khoảng 13-16 tháng trồng có thể để trái đợt đầu tiên. Bên cạnh đó, nếu nắm bắt kỹ thuật canh tác thì cây mít Thái không phải khó chăm sóc, nếu thị trường ổn định, giá mít có thể từ 30.000-40.000 đồng/kg hoặc cao hơn, giúp nông dân có thu nhập khá. Để có được những kinh nghiệm chăm sóc mít Thái, Đức chủ động học tập kinh nghiệm từ Internet, thăm hỏi kỹ thuật từ các kỹ sư nông nghiệp, cũng như tham quan các mô hình nông dân trồng mít Thái trong và ngoài địa phương.

“Nào là bón phân như thế nào, loại phân gì để mít không bị xơ đen (sẽ bị thương lái dạt bỏ), kỹ thuật kích cho ra trái… Do mới bắt đầu trồng nên cái gì mình cũng phải học, may mắn là được mọi người chia sẻ, giúp đỡ tận tình nên vườn mít phát triển khá tốt” - Đức thiệt tình nói.

Hiện nay, vườn mít Thái của Đức trồng được 13 tháng, một số cây phát triển vượt trội sẽ được giữ lại trái cho vụ đầu tiên. Do cây mít còn nhỏ, cho trái chiến đợt đầu nên mỗi cây chỉ giữ lại 1 trái để cây đủ sức nuôi trái, không bị mất sức cho những vụ tiếp theo. “Hiện nay, em đang ấp ủ mô hình nuôi ốc bươu đen trong mương vườn, khi đó sẽ tận dụng nguồn thức ăn có trong tự nhiên kèm với những trái mít bị hư, dạt bị loại ra để cung cấp cho ốc. Giá ốc bươu hiện nay rất cao và ổn định, thêm được phần thức ăn tận dụng được sẽ giúp mình có thêm lợi nhuận” - Đức chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN