Khách tham quan các gian hàng giới thiệu văn hóa làng nghề tại Lễ hội.
Ngay từ trước thời điểm khai mạc Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại năm 2020, tối 11-12, không gian vườn hoa Lý Thái Tổ, Nhà bát giác đã tấp nập người đến tham quan.
Những ngày cuối tuần, thời tiết ấm áp càng tạo điều kiện cho người dân đến thưởng ngoạn vẻ đẹp của các di sản. Tâm điểm của các hoạt động Lễ hội là các gian trưng bày, giới thiệu, trình diễn sản phẩm làng nghề tại khu vực Nhà bát giác phía sau tượng đài Lý Thái Tổ.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã giới thiệu những làng nghề nổi bật của Hà Nội như: Nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình); dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); đậu bạc Định Công (quận Hoàng Mai); dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); nón lá Vĩnh Thịnh, đúc đồng Trường Tâm (huyện Thanh Trì); quạt giấy, mộc Chàng Sơn, mây tre đan, chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất)...
Mỗi gian hàng lại có những nét thú vị riêng, hấp dẫn người xem. Các nghệ nhân làng chuồn chuồn tre Thạch Xá trực tiếp làm những con chuồn chuồn tre ngộ nghĩnh cho khách hàng xem. Người thợ khéo léo tạo hình để con chuồn chuồn chỉ có một điểm tựa duy nhất vẫn có thể “đậu” lên bất cứ vị trí nào. Ngoài mẫu chuồn chuồn cổ điển, các nghệ nhân còn sáng tác ra những mẫu hình con chim, bươm bướm… với nhiều màu sắc trang trí khác nhau khiến các bạn nhỏ vô cùng thích thú.
Trong khi đó, gian hàng đúc đồng Ngũ Xã giới thiệu những sản phẩm đúc đồng, nhất là các đồ thờ cúng, tế khí vô cùng tinh xảo. Đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng từ lâu. Nhiều người bất ngờ khi Ngũ Xã vẫn còn giữ được nghề cổ. Rất nhiều người đã dừng chân tìm hiểu các sản phẩm của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng được trưng bày ở đây. Chị Nguyễn Thị Hòa (phố Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa) cho biết: “Hôm nay, tôi đưa cả gia đình đến tham quan Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại. Các cháu nhỏ nhà tôi rất thích gian hàng tò he và chuồn chuồn tre. Các sản phẩm ngộ nghĩnh và nhiều màu sắc”.
Hà Nội có tới 1.350 làng nghề, trong đó, có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, không phải làng nghề nào cũng gặp thuận lợi trong phát triển nghề. Không ít làng nghề gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến khó khăn trong bảo tồn các di sản làng nghề, nhất là các bí quyết, kỹ năng, tri thức và cả không gian làng nghề. Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại đem di sản làng nghề đến với công chúng một cách trực quan, phong phú, sinh động và gần gũi. Qua đó, “truyền lửa” tình yêu di sản đến cộng đồng, nhất là giới trẻ.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, năm nay, các quận, huyện, thị xã và nghệ nhân các làng nghề, các nhóm sáng tạo văn hóa đã nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với thành phố tổ chức không gian văn hóa để người dân thưởng thức, đồng thời góp phần hiệu quả vào việc quảng bá văn hóa, du lịch Thủ đô.
Theo GIANG NAM (Nhân Dân)