Thế giới 2021: Trẻ em tiếp tục là nạn nhân của xung đột vũ trang và bạo lực

01/01/2022 - 19:17

Ngày 31-12, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết xung đột vũ trang, bạo lực giữa các cộng đồng và tình trạng mất an ninh tiếp tục gây ra những tác động nghiêm trọng đối với hàng nghìn trẻ em trong suốt năm 2021.

Do hậu quả của các cuộc xung đột mới và kéo dài, UNICEF đã ghi nhận nhiều vụ bạo lực nghiêm trọng nhằm vào thanh thiếu niên ở Afghanistan, Yemen, Syria và khu vực miền Bắc Ethiopia. 

Trẻ em tại trại tị nạn ở Mazar-i-Sharif, tỉnh Balkh, Afghanistan, ngày 20-11-2021. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Giám đốc điều hành UNICEF, bà Henrietta Fore, nhấn mạnh các bên xung đột tiếp tục thể hiện sự coi thường đối với quyền trẻ em từ năm này qua năm khác. Trong năm 2020, Liên hợp quốc (LHQ) đã ghi nhận 26.425 vụ bạo lực nhằm vào trẻ em nhưng chưa có dữ liệu tổng hợp trong năm 2021. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2021, số vụ bắt cóc và bạo lực tình dục trẻ em đã tăng ở mức đáng báo động, tăng lần lượt hơn 50% và 10%. Somalia báo cáo số vụ bắt cóc trẻ em cao nhất, sau đó là CHDC Congo và các ở khu vực Hồ Chad gồm Chad, Nigeria, Cameroon và Niger. Trong khi đó, số vụ bạo lực tình dục đã được xác nhận cao nhất là ở CHDC Congo, Somalia và CH Trung Phi. 

Theo LHQ, trong 16 năm qua, kể từ khi cơ quan này bắt đầu tiến hành thống kê, đến nay đã có 266.000 vụ bạo lực nghiêm trọng đối với trẻ em được ghi nhận ở các khu vực châu Phi, châu Á, Trung Đông và Mỹ Latinh. Tuy nhiên, UNICEF ước tính con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Afghanistan ghi nhận số trẻ em bị thiệt mạng do xung đột cao nhất kể từ năm 2005, chiếm 27% con số toàn cầu. Khu vực Trung Đông và Bắc Phi có số vụ tấn công nhằm vào trường học và bệnh viện đã được xác nhận cao nhất, với 22 vụ trong 6 tháng đầu năm 2021. 

Theo UNICEF, những trẻ em vốn phải chịu tác động của các cuộc xung đột cũng đang phải hứng chịu những nỗi sợ kinh hoàng mỗi ngày, đặc biệt là mà mối đe dọa dai dẳng và ngày càng tăng của các loại vũ khí tấn công. Hơn 3.900 trẻ em đã thiệt mạng và tàn tật do các thiết bị nổ trong năm 2020. 

UNICEF cũng nhấn mạnh trẻ em thường xuyên bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Trong số các vụ bắt cóc đã được xác nhận năm 2020, có tới 37% số vụ là nhằm tuyển mộ và sử dụng trẻ em cho các cuộc xung đột. UNICEF đã kêu gọi các bên xung đột lên kế hoạch hành động chính thức, nhưng chỉ có 37% kế hoạch như vậy được ký kết kể từ năm 2005, con số mà UNICEF cho là quá ít. Bà Fore nhận định trẻ em ở những khu vực xung đột chỉ có thể an toàn khi các bên có hành động cụ thể để bảo vệ các em và chấm dứt những hành động bạo lực nghiêm trọng.

Theo TRẦN QUYÊN (Báo Tin Tức)