Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Bloomberg.
Khi Thủ tướng Kaja Kallas của Estonia có chuyến thăm tới Washington vào tháng 11 năm ngoái, bà không chỉ gặp các quan chức Nhà Trắng, mà còn có các cuộc thảo luận với các đồng minh chủ chốt của cựu Tổng thống Donald Trump.
Trước đó 1 tháng, Ngoại trưởng Estonia đã tới Mỹ, thăm nhà máy của tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin Corp. ở bang Arkansas. Tại đây, ông cảm ơn công nhân viên làm việc tại nhà máy này vì những đóng góp của họ cho an ninh của Estonia - thông qua việc Lockheed Martin cung cấp nhiều máy phóng tên lửa HIMARS sản xuất tại nhà máy này cho Estonia. “Một việc quan trọng là chúng tôi cần mang thông điệp này không chỉ tới Washington mà còn tới các bộ phận khác của xã hội Mỹ, tới những tiểu bang có lẽ có quan điểm thận trọng hơn một chút”, Ngoại trưởng Margus Tsahkna nói với báo giới.
Những cử chỉ thân mật này là một ví dụ về việc các quốc gia trên thế giới đang chuẩn bị một cách tinh tế nhưng vội vã cho khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng - hãng tin Bloomberg nhận định. Khả năng đó đã tăng lên sau khi ông Trump giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa tại bang Iowa vào đầu tuần này, tiến thêm một bước tới giành vị trí đại diện cho đảng trong cuộc đua với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden vào tháng 11 năm nay.
Hồi năm 2016, chiến thắng của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng đã khiến cả đồng minh và đối thủ của Mỹ sửng sốt. Lần này, các nhà lãnh đạo thế giới không muốn bị bất ngờ lần nữa.
Các nhà ngoại giao nước ngoài ở Washington đang tích cực tìm gặp các cựu quan chức và bất kỳ ai thân cận với ông Trump để tìm hiểu về chủ trương chính sách đối ngoại của ông. Một số thậm chí tìm cách gửi thông điệp trực tiếp đến ông Trump để phòng trước trường hợp ông đưa ra lời phàn nàn vốn dĩ đã trở thành thói quen rằng châu Âu không chịu chi đủ cho quốc phòng.
Vài quan chức thậm chí còn bày tỏ công khai mối lo ngại. “Đó rõ ràng là một nguy cơ”, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde phát biểu trên truyền hình Pháp vào tuần trước, đề cập đến những bài học mà châu Âu rút ra từ nhiệm kỳ trước của ông Trump.
Hầu như không ai nói thẳng ra như bà Lagarde, nhưng các cuộc trao đổi của phóng viên Bloomberg với quan chức chính phủ từ châu Âu tới châu Á, châu Phi và Mỹ Latin đều cho thấy những mối lo và cả những hy vọng về ảnh hưởng trong trường hợp ông Trump trở lại vai trò Tổng thống Mỹ, trong các lĩnh vực an ninh, thương mại, chống biến đổi khí hậu, và cán cân quyền lực toàn cầu.
Nhiều đồng minh của Mỹ lo ngại về khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” của ông Trump và việc ông từng đe dọa rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chưa kể chính sách thương mại mang nặng màu sắc chủ nghĩa bảo hộ của ông. Với cuộc chiến tranh Nga-Ukraine bước sang năm thứ ba, năm 2024 này có thể là một năm mang tính bước ngoặt đối với an ninh của châu Âu - một quan chức đến từ khu vực Baltic nhận định. Đối với khu vực Trung Đông, sự thân thiết của ông Trump với Israel khiến một số nhà ngoại giao châu Âu lo ngại rằng cuộc chiến tranh ở dải Gaza có thể xấu hơn, dẫn tới một làn sóng người chạy tị nạn sang châu Âu.
Một số quốc gia ở bán cầu Nam nhận thấy cơ hội trong trường hợp ông Trump tái đắc cử, trong đó phải kể đến Ấn Độ vì Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có mối quan hệ cá nhân nồng ấm với ông Trump.
Trái lại, Brazil - quốc gia đã tiếp quản cương vị Chủ tịch nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) từ Ấn Độ - lo ngại rằng kế hoạch của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva về chống biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo và cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại G20 có thể gặp trở ngại nếu ông Trump một lần nữa lãnh đạo nước Mỹ.
Chương trình nghị sự của Italy trong nhiệm kỳ Chủ tịch nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cũng có thể bị ảnh hưởng nếu ông Trump tái đắc cử. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni kể từ khi lên cầm quyền đã gây dựng mối quan hệ thân cận với Tổng thống Biden.
Đối với Trung Quốc, quan điểm về hướng đi của quan hệ Mỹ-Trung hầu như không thay đổi, cho dù ông Trump có thêm một nhiệm kỳ Tổng thống nữa hay không. Ông Wang Yiwei, Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhấn mạnh rằng thuế quan mà ông Trump áp lên Trung Quốc đến nay vẫn còn, và dù đã có những tín hiệu tích cực từ sau cuộc gặp của lãnh đạo hai nước vào năm ngoái, mối quan hệ song phương vẫn chưa có sự chuyển biến.
MỐI LO THƯƠNG MẠI
Đối với hai nước láng giềng của Mỹ ở khu vực Bắc Mỹ là Canada và Mexico, thỏa thuận thương mại giữa ba nước USMCA - hay còn gọi là Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản 2.0 - là một vấn đề đặc biệt quan trọng.
Cộng đồng doanh nghiệp Canada xem USMCA là một vấn đề sống còn, và thỏa thuận này sẽ được các bên ký kết rà soát lại vào năm 2026. Thủ tướng Canada Just Trudeau đến nay vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp với ông Trump trước công chúng, và các quan chức Canada cũng đang tích cực tăng cường quan hệ với ê-kíp của ông Trump. Theo Bloomberg, điều này giúp Canada tự tin rằng họ sẽ tạo được mối quan hệ êm ấm với ông Trump nếu ông tái đắc cử, nhưng thừa nhận đây sẽ không phải là một việc dễ dàng.
Với Mexico, hai vấn đề quan trọng trong quan hệ với Mỹ nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng sẽ là thương mại và nhập cư. Bầu cử Tổng thống Mexico sẽ diễn ra vào tháng 6 năm nay, và nhà lãnh đạo mới của nước này sẽ nhậm chức vào tháng 10.
Liên minh châu Âu (EU) - sau khi đã có những động thái “ăn miếng trả miếng” với chính quyền ông Trump trước đây về thuế quan thép và nhôm - đang cố gắng đạt các thỏa thuận với Mỹ nhằm tránh những khó khăn có thể xuất hiện khi ông Trump tái đắc cử, nhưng hiện không rõ các nỗ lực đó có thành công hay không. Một nhà ngoại giao cấp cao của EU - người cho rằng khả năng ông Trump trúng cử lần nữa là 50-50 - nói rằng khối này đã có nhận thức lớn hơn trước về việc phải tăng cường độc lập về năng lượng và nguyên vật liệu thô.
VẤN ĐỀ AN NINH, QUỐC PHÒNG
Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, những vấn đề khiến châu Âu quan tâm hơn cả trong một nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump là quan hệ Nga-Mỹ, chiến tranh ở Ukraine và tương lai của NATO. Một số phái đoàn của châu Âu đã tới Washington để tìm gặp các đại diện của ông Trump và Quỹ Di sản (Heritage Foundation) - tổ chức làm việc về nền tảng chính sách của ông. Mục đích là xác định xem ai có thể trở thành các quan chức trong chính quyền ông Trump nếu ông thắng cử, nhằm tìm hiểu trước chính sách có thể được đưa ra và truyền tải thông điệp rằng châu Âu đang trả đủ phần của mình về quốc phòng.
Nhiều chính phủ đang lo ngại rằng nếu trúng cửa lần này, ông Trump sẽ áp dụng trở lại phương pháp “có đi có lại” đối với các quốc gia nhận được sự đảm bảo an ninh của Mỹ.
Để tránh rủi ro, vào tháng 12 vừa qua, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch đã đồng loạt ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ. Phần Lan sẽ mua 64 chiến đấu cơ F-35A của Mỹ và tuyên bố sẽ đầu tư để tăng gấp đôi sản lượng đạn pháo. Đức cuối cùng cũng đã chi nhiều hơn cho quốc phòng, bao gồm tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine và triển khai binh sỹ tới các nước vùng Baltic. Thủ tướng Đức Olaf Scholz - một mục tiêu công kích khá thường xuyên của ông Trump trước kia - nói rằng Đức sẵn sàng vào cuộc nếu các nước khác giảm viện trợ cho Ukraine.
CƠ HỘI
Đối với Pháp - quốc gia luôn muốn châu Âu độc lập hơn về mặt công nghiệp và quốc phòng - nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, đó có thể sẽ là cơ hội tốt nhất để các nước châu Âu vượt qua sự thận trọng và sát cánh cùng nhau.
Nước Anh nhận thấy khả năng tái khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ - điều mà Đảng Bảo thủ của nước này xem là “phần thưởng” của việc Anh ra khỏi EU. Kể từ khi ông Biden lên cầm quyền, cuộc đàm phán tự do thương mại Mỹ-EU hầu như chưa có bước tiến nào, và triển vọng có thể sáng hơn nếu ông Trump - một người ủng hộ Brexit - lãnh đạo nước Mỹ thêm 4 năm nữa.
Ông Trump có mối quan hệ nồng ấm với các Vùng Vịnh như Saudi Arabia hay Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nên các nước này hầu như không lo lắng về khả năng ông tái đắc cử. Tuy nhiên, có một thực tế là các nước này đã quen với sự biến động chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm qua, nên ngày càng tự tìm cách giải quyết vấn đề thay vì dựa vào Mỹ.
Đối với Nga, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 sẽ là một vấn đề quan trọng, bởi chiến tranh Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Một nguồn tin thân cận với điện Kremlin tiết lộ với Bloomberg rằng ông Trump tái đắc cử là một trong những kỳ vọng chính của Nga về năm nay. Hồi năm 2016, Nga đã vui mừng sau khi ông Trump trúng cử, nhưng sự hưng phấn đó đã nhanh chóng nhường chỗ có thất vọng vì mối quan hệ Nga-Mỹ không thực sự tốt lên sau đó. Bởi vậy, lần này Nga có phần thận trọng hơn.
Theo AN HUY (VnEconomy)