Từ ngày 24-9, tất cả nhà hàng, khách sạn, quán rượu tại Anh chỉ được phục vụ khách dùng bữa tại bàn. (Ảnh: Reuters)
Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn bảy triệu ca mắc và 205.471 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với hơn 5,64 triệu ca mắc và 90.021 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với hơn 4,59 triệu ca mắc và 138.159 ca tử vong. Số ca mắc mới mỗi ngày tại Ấn Độ vẫn tiếp tục ghi nhận ở mức hơn 80 nghìn ca/ngày, hơn gấp đôi số ca mắc mới ở Mỹ và Brazil hiện ở mức khoảng hơn 30.000 ca/ngày.
Tại châu Âu, Bộ trưởng Y tế CH Séc Roman Prymula cho biết, nước này chưa có kế hoạch áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế. Tại cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Prymula nêu rõ tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tuần tới đây, nhưng hiện tại Séc không có kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp. Ông Prymula nhấn mạnh, ưu tiên chính hiện nay là thực hiện nhiệm vụ kép vừa ứng phó với đại dịch vừa duy trì hoạt động của nền kinh tế.
Tại London, phát biểu ý kiến trước Hạ viện ngày 22-9, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, tình hình dịch Covid-19 tại nước này đã bước vào "thời điểm bước ngoặt nguy hiểm", do vậy nước Anh cần có thêm những quy định mới để siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội nhằm đẩy lui làn sóng lây nhiễm thứ hai đang bắt đầu hình thành trong nước. Những quy định mới này sẽ được áp dụng ít nhất trong vòng sáu tháng tại vùng England.
Cụ thể, theo Thủ tướng Johnson, đối với những công việc có thể làm tại nhà, chính quyền khuyến khích mọi người dân làm việc theo hình thức này. Đối với những ngành nghề không thể làm việc tại nhà như ngành xây dựng, bán lẻ, người dân vẫn có thể đến chỗ làm việc. Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang trên cả phương tiện giao thông cá nhân, chỉ trừ nơi ngồi ăn, uống trong nhà hàng, khách sạn. Từ ngày 24-9, tất cả nhà hàng, khách sạn, quán rượu chỉ được phục vụ khách dùng bữa tại bàn. Tất cả các nơi tổ chức sự kiện tiếp tân, hội họp chỉ được mở cửa đến 22 giờ. Từ ngày 28-9, các cuộc họp, lễ cưới chỉ được phép tối đa 15 người.
Thủ tướng Johnson khẳng định, nền kinh tế Anh vẫn tiếp tục hoạt động song song với việc tăng cường các biện pháp hạn chế dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, ông cũng cho biết sẽ không để xảy ra việc phong tỏa toàn quốc như hồi tháng 3 vừa qua, không bắt buộc tất cả mọi người phải ở trong nhà. Các hoạt động kinh doanh, các trường học phổ thông, đại học vẫn sẽ tiếp tục mở cửa.
Bộ Y tế Séc đang lên kế hoạch áp dụng thêm các biện pháp để khống chế dịch bệnh trong một vài ngày tới, hạn chế số lượng người tham gia các sự kiện tập trung đông người (không quá 100 người đối với sự kiện ngoài trời và không quá 50 người đối với sự kiện trong nhà) và yêu cầu các nhà hàng, quán bar đóng cửa trước 22 giờ. Đến nay, Séc có hơn 51.600 ca mắc Covid-19, trong đó 530 trường hợp tử vong và hơn 25 nghìn người đã được hồi phục.
Tại châu Mỹ, người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Canada (PHAC), bà Theresa Tam cảnh báo dịch bệnh Covid-19 sẽ bùng phát mạnh trở lại tại nước này nếu người dân không hạn chế tiếp xúc trong những ngày tới. Theo dự báo của PHAC, vào thời điểm đầu tháng 10 tới, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước này sẽ lên tới 155.795, với 9.300 trường hợp tử vong, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến như hiện nay. PHAC nhận định, Canada đang ở thời điểm bước ngoặt nguy hiểm, mỗi người dân cần ngay lập tức hành động, hạn chế tiếp xúc để tình hình không tồi tệ thêm.
Bộ trưởng Y tế Canada Patty Hajdu cũng kêu gọi người dân cân nhắc về các cuộc gặp mặt vào thời điểm hiện nay. Khi được hỏi về khả năng Canada tiến hành phong tỏa trên quy mô toàn quốc để kiểm soát dịch bệnh, Bộ trưởng Hajdu cho rằng, biện pháp này có thể không cần thiết, khi dịch bệnh diễn biến với các mức độ khác nhau ở các tỉnh. Canada sẽ áp dụng “cách tiếp cận có mục tiêu cụ thể”, dựa trên nơi nguồn gốc của ca nhiễm, áp dụng với từng khu vực hay từng lĩnh vực của nền kinh tế hoặc một doanh nghiệp cụ thể bị ảnh hưởng. Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, nước này đã xác nhận 145.415 ca mắc Covid-19 trên quy mô toàn quốc, trong đó có 9.228 trường hợp tử vong.
Tại Trung Đông, Iran ghi nhận 3.712 ca mắc mới trong ngày 22-9, mức tăng trong ngày cao nhất từ trước tới nay. Đến nay, điểm nóng dịch bệnh tại Trung Đông đã ghi nhận tổng cộng 429.193 ca mắc, trong đó có 24.656 ca tử vong, tăng 178 ca so với một ngày trước đó. Hơn 363.700 người bệnh tại Iran đã phục hồi, trong khi đó, còn 3.922 người bệnh trong tình trạng bệnh nặng.
Tổng số người bệnh tại Lebanon đã vượt ngưỡng 30 nghìn trong ngày hôm qua, sau khi quốc gia này ghi nhận thêm 851 ca mắc mới. Tình hình dịch bệnh diễn biến đáng lo ngại với số ca mắc mới tăng mạnh trong những ngày qua khiến Bộ Y tế nước này đề xuất áp dụng phong tỏa trên toàn quốc trong hai tuần để ngăn chặn dịch bệnh.
Israel có 2.445 ca mắc mới trong ngày 22-9, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên là 193.374 ca, trong đó có 1.285 ca tử vong. 1.352 người bệnh Covid-19 đang được điều trị, trong đó 668 ca trong tình trạng bệnh nặng, hơn 140.700 người đã hồi phục. Trước đó cùng ngày, chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch mở rộng mạng lưới an toàn kinh tế quốc gia để ứng phó với tác động của dịch bệnh, qua đó cho phép triển khai ngay lập tức những biện pháp hỗ trợ kinh tế và người lao động chịu thiệt hại do biện pháp phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tại Tunisia, do số ca mắc mới tăng mạnh, chính phủ nước này đã quyết định trưng dụng một bệnh viện đại học mới ở tỉnh Sfax thành trung tâm điều trị Covid-19 quốc gia. Tunisia đã ghi nhận hơn 11.200 ca mắc bệnh, trong đó có 164 ca tử vong.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 23-9:
Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 7.097.937 ca mắc, 205.471 ca tử vong
2. Ấn Độ: 5.640.496 ca mắc, 90.021 ca tử vong
3. Brazil: 4.595.335 ca mắc, 138.159 ca tử vong
4. Nga: 1.115.810 ca mắc, 19.649 ca tử vong
5. Colombia: 777.537 ca mắc, 24.570 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Philippines: 291.789 ca mắc, 5.049 ca tử vong
2. Indonesia: 252.923 ca mắc, 9.837 ca tử vong
3. Singapore: 57.627 ca mắc, 27 ca tử vong
4. Malaysia: 10.358 ca mắc, 130 ca tử vong
5. Thái Lan: 3.511 ca mắc, 59 ca tử vong
6. Myanmar: 6.743 ca mắc, 115 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.068 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 275 ca mắc
9. Brunei: 145 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 23 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 9.683.077 ca mắc, 180.559 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 8.465.425 ca mắc, 301.186 ca tử vong
3. Nam Mỹ: 7.627.723 ca mắc, 240.842 ca tử vong
4. Châu Âu: 4.536.100 ca mắc, 217.440 ca tử vong
5. Châu Phi: 1.427.620 ca mắc, 34.378 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 30.736 ca mắc, 890 ca tử vong
Theo H.H (Báo Nhân Dân)