Thế giới đã ghi nhận tổng cộng trên 233,6 triệu ca mắc COVID-19

30/09/2021 - 07:54

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 29-9, thế giới ghi nhận tổng cộng 233.699.967 ca COVID-19, trong đó có 4.781.875 ca tử vong. Trên 210,533 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục, trong khi vẫn còn trên 18,38 triệu bệnh nhân đang điều trị.

 Một tuyến phố bị phong tỏa phòng dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Đông Nam Á, Lào đang tăng cường các biện pháp phòng chống do lo ngại nguy cơ bùng phát đợt dịch mới trong cộng đồng. Cơ quan y tế Lào đã lập thêm bệnh viện dã chiến tại thủ đô Viêng Chăn để ứng phó với trường hợp lây nhiễm phức tạp hơn, đồng thời mua thêm 50 xe cứu thương để phân bổ cho 11 tỉnh trên cả nước nhằm cải thiện công tác vận chuyển bệnh nhân.

Công an thủ đô Viêng Chăn cũng vừa thông báo bổ sung các đối tượng được phép ra vào thành phố trong giai đoạn phong tỏa . Theo đó, có 4 đối tượng được phép đi qua các chốt kiểm soát để ra vào thủ đô gồm: Xe chở hàng hóa và xe dự án nhà nước; cá nhân được phân công bởi cơ quan nhà nước đi thực thi công vụ; người bệnh hoặc xe y tế và người tham gia sản xuất nông nghiệp gần các tỉnh không có vùng đỏ.

Bộ Y tế Lào ngày 29/9 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 547 ca mới và 1 ca tử vong. Thủ đô Viêng Chăn vẫn đứng đầu cả nước về số ca lây nhiễm trong cộng đồng với 173 ca trong khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố lớn khác như Champasak, Luang Prabang, Savannakhet... Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 23.488 ca, trong đó có 17 ca tử vong.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia, bà Li Ailan, cảnh báo biến thể Delta đang lây lan mạnh và sẽ là một mối đe dọa y tế với quốc gia Đông Nam Á này. Sau khi phát hiện ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên vào ngày 31/3, tính đến ngày 27/9, Campuchia phát hiện tổng cộng 7.852 ca nhiễm biến thể này, tăng 1.349 ca so với ngày 23/9, trong đó riêng ở thủ đô Phnom Penh có trên 1.000 ca.

Số ca nhiễm biến thể Delta tăng mạnh chỉ trong vòng 4 ngày đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đặc biệt sau khi chính phủ nước này đã phải ra quyết định ngừng Lễ Pchum Ben truyền thống. Campuchia xác nhận 881 ca mới và thêm 15 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, Campuchia có tổng cộng 111.673 ca mắc COVID-19, trong đó 102.222 người đã khỏi bệnh và 2.302 người tử vong.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh Tuần lễ thể thao quốc gia Indonesia (PON) sắp diễn ra tại tỉnh Papua vào tháng 10 tới, Chính phủ Indonesia đã yêu cầu đẩy nhanh chương trình tiêm chủng tại tỉnh cực Đông này nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các địa điểm đăng cai sự kiện này.

Bộ Y tế cùng lực lượng vũ trang (TNI-Polri) cũng đã triển khai lực lượng đến Papua hỗ trợ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, phấn đấu đến cuối tháng 9 đạt 70% tiêm phòng ở tất cả các khu vực đăng cai PON. Chính phủ cũng yêu cầu tất cả khán giả đến tham dự PON đều phải tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Ban tổ chức PON cho phép tối đa 25% sức chứa các địa điểm diễn ra các trận đấu. Hiện Chính phủ Indonesia tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 3. 

Tại Malaysia, công tác phòng chống dịch ở nước này đã đón nhận nhiều thông tin tích cực, với hệ số lây nhiễm, tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ điều trị tích cực đều giảm. Đến hết ngày 28/9, ước tính 61,1% dân số nước này đã hoàn thành tiêm chủng. Nếu chỉ tính những người từ 18 tuổi trở lên, Malaysia có 85,1% đã hoàn thành tiêm chủng. Trong khi đó, hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) ở Malaysia chỉ còn 0,88 (1 người lây cho 0,88 người), mức thấp nhất trong 1 tháng. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhập viện cũng giảm xuống còn 69,4%. Đặc biệt, tỷ lệ phải điều trị tích cực (ICU) chỉ còn 69,2%. Theo đó, áp lực đối với hệ thống y tế ở nước này đã được giảm mạnh.

Singapore ghi nhận kỷ lục ca mắc mới với 2.236 ca, con số cao nhất theo ngày từ trước tới nay, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 91.775 ca. Singapore cũng ghi nhận thêm 5 ca tử vong trong ngày 28/9, nâng tổng số ca tử vong đến nay lên 85 ca. Theo số liệu thống kê, số ca mắc mới trong trẻ em dưới 12 tuổi (chưa tiêm vaccine) tại Singapore cũng có chiều hướng gia tăng.

Singapore đang chuẩn bị các nguồn lực để có thể đối phó với khả năng số ca mắc mới tăng tới 5.000 ca/ngày, thậm chí cao hơn. Chiến lược tổng thể đối phó với dịch của Singapore không thay đổi và nước này tiếp tục kiên định với kế hoạch mở cửa nền kinh tế, nới lỏng các hoạt động xã hội một cách từ từ, cẩn trọng để tránh tạo sức ép quá lớn đối với hệ thống y tế.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hàn Quốc ghi nhận 2.885 ca mắc mới, mức cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này hồi tháng 1/2020 và là ngày thứ tư liên tiếp, số ca mắc mới ở Hàn Quốc vượt trên 2.000 ca/ngày. Số ca mắc cao nhất ở nước này ghi nhận vào ngày 25/9 với 3.272 ca do người dân di chuyển nhiều trong dịp nghỉ lễ tết Trung thu (còn được coi là lễ tạ ơn của người Hàn Quốc) kéo dài 3 ngày (20 - 22/9) khiến virus gây bệnh lây lan nhanh chóng trên cả nước.

Như vậy, đến nay Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 308.725 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.474 ca tử vong (sau khi có thêm 10 ca tử vong trong 24 giờ qua). Theo KDCA, tổng cộng 38,76 triệu người, tương đương 75,5% dân số nước này, đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên và 24,64 triệu người (chiếm 48% dân số) đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Bang Victoria của Australia thông báo đã ghi nhận thêm 950 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, số ca mắc mới trong ngày cao nhất tại bang này. Giới chức y tế bang cảnh báo hệ thống chăm sóc sức khỏe chịu áp lực rất lớn và tháng 10 tới sẽ là “thách thức lớn” và tiêm chủng vẫn là biện pháp cốt yếu để giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện của bang.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại bang New South Wales (NSW), tâm dịch trước đây ở Australia, đang có xu hướng tích cực với số ca mắc mới giảm xuống dưới 1.000 ca trong tuần này. Trong bối cảnh bang NSW chuẩn bị nới lỏng các biện pháp hạn chế vào ngày 11/10 tới đối với những người hoàn thành tiêm chủng, Thủ hiến bang Gladys Berejiklian cho biết những người chưa được tiêm chủng sẽ phải "chấp hành" quy định và các cơ sở kinh doanh  chỉ phục vụ những khách hàng đã tiêm chủng đầy đủ.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Ấn Độ đã gia hạn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc cho đến ngày 31/10, do virus vẫn đang lây lan ở một số bang và dịch bệnh tiếp tục là một thách thức đối với sức khỏe cộng đồng trong nước. Chính phủ cũng kêu gọi chính quyền các bang cần tiếp tục chương trình tiêm chủng với trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho các nhóm tuổi đủ điều kiện và ưu tiên tiêm mũi thứ hai cho những người đủ điều kiện. Ngày 28/9, Ấn Độ ghi nhận 18.795 ca mắc mới COVID-19, mức thấp nhất trong gần 7 tháng qua. Đến nay, quốc gia Nam Á này đã tiêm tổng cộng 870 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

Tại châu Âu, Viện Robert Koch (RKI) của Đức thông báo tỷ lệ các ca mắc COVID-19 trong 7 ngày qua tăng trở lại sau khi giảm trong hơn 2 tuần, theo đó tăng lên mức 61 ca/100.000 người. Số ca mắc mới ghi nhận theo ngày tại Đức cũng tăng, với 11.780 ca ghi nhận trong một ngày qua, cao hơn 1.326 ca so với một tuần trước. Chuyên gia virus học Christian Drosten cho rằng hiện có những dấu hiệu cho thấy Đức có thể phải hứng chịu một làn sóng dịch bệnh Thu-Đông vào tháng 10 tới. Tính đến ngày 29/9, hơn 53,4 triệu người dân Đức đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ, tương đương 64,3% dân số. 

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga cũng ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay và cũng là ngày thứ 2 liên tiếp số ca tử vong tăng lên một mức cao mới. Cụ thể, Nga ghi nhận 857 ca tử vong và 22.430 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong và mắc bệnh tại nước này lên lần lượt là 206.388 ca và hơn 7 triệu ca. Như vậy, Nga hiện là nước đứng thứ 5 thế giới về tác động của COVID-19. Tính đến ngày 29/9, chưa đến 30% dân số Nga được tiêm phòng đầy đủ.

Tại Mỹ, kết quả cuộc thăm dò của Gallup được công bố ngày 29/9 cho thấy người Mỹ tăng cường chủng ngừa COVID-19. Cụ thể, 75% số người được hỏi cho biết họ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, tăng 6 điểm phần trăm so với tháng 8/2021. Nhìn chung, 80% số người được hỏi cho biết họ đã được tiêm chủng hoặc có kế hoạch tiêm chủng - con số cao nhất trong năm nay. Đáng chú ý, lần đầu tiên tỷ lệ thành viên đảng Cộng hòa cho biết đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 là 39%, nhiều nhất kể từ tháng 4/2021. Trong khi đó, 68% đảng viên độc lập và 92% đảng viên Dân chủ cho biết họ ít nhất đã được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19.

Đầu tháng 9/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu tất cả người lao động liên bang phải được tiêm phòng và yêu cầu chủ doanh nghiệp có ít nhất 100 nhân viên phải tiêm phòng hoặc xét nghiệm hàng tuần. Mặc dù Gallup cho biết còn quá sớm để chính sách của Tổng thống Biden tác động đến tỷ lệ tiêm chủng của người lao động, cuộc thăm dò đã cho thấy 75% người Mỹ làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian đã được tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine.

Theo LÊ ÁNH (TTXVN)