Một tuyến phố bị phong tỏa để phòng dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN
Tại khu vực châu Á, Lào tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới. Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 635 ca mắc mới, trong đó có tới 628 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay tổng số ca COVID-19 tại Lào đã tăng lên 33.606 trường hợp.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục chuẩn bị trung tâm cách ly và cơ sở điều trị đầy đủ, chuẩn bị ngân sách dự phòng để mua vật tư y tế, vaccine, thuốc điều trị, dung dịch xét nghiệm và các thiết bị cần thiết. Đồng thời, Chính phủ Lào giao các bộ, cơ quan, doanh nghiệp tại thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh có dịch lây nhiễm trong cộng đồng cho phép cán bộ và công chức luân phiên trực ban hoặc làm việc tại nhà qua hệ thống điện tử. Đặc biệt, người có nguy cơ và phụ nữ có thai không thể tiêm vaccine được làm việc tại nhà.
Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận 12 ca tử vong và 166 ca mắc mới, trong đó có 31 ca nhập cảnh. Như vậy, tính đến hiện tại, Campuchia phát hiện tổng cộng 117.201 ca mắc, trong đó 111.690 người đã khỏi bệnh và 2.693 người tử vong.
Nhờ các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt và hiệu quả của Chính phủ Campuchia cùng với những kết quả đạt được từ chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đã giúp làm giảm đáng kể số ca mắc mới, từ mức cao kỷ lục 1.130 ca/ngày hôm 30-6 xuống khoảng 200 ca/ngày từ đầu tháng 10-2021 và ở mức thấp nhất trong 6 tháng qua ngày 20-10 nói trên.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị các chiến lược nhằm ngăn chặn đợt bùng phát dịch thứ 3 được dự báo sẽ xảy ra trong dịp nghỉ lễ cuối năm sắp tới. Trong số các chiến lược này có việc nới lỏng các hoạt động cộng đồng song song với việc thực thi các quy định y tế nghiêm ngặt. Indonesia cũng đang tìm cách nâng tỷ lệ tiêm chủng ở những người cao tuổi, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Jakarta, Bogor, Depok, Tangerang, Bekasi, Puncak, Cianjur, và các trung tâm tăng trưởng kinh tế khác. Ngoài ra, chính phủ cũng đang khuyến khích đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho trẻ em nhằm tăng cường khả năng miễn dịch của nhóm đối tượng này trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới.
Một động thái khác là tránh nguy cơ từ khách du lịch quốc tế. Theo đó, tất cả du khách nước ngoài đến Indonesia đều phải đáp ứng các điều kiện như đã được tiêm phòng đầy đủ và trải qua thời gian cách ly bắt buộc. Mặt khác, chính phủ sẽ tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc giám sát các hoạt động cộng đồng và nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định y tế như giữ khoảng cách, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang.
Tại Singapore, ngày 20-10 là ngày nước này chào đón những du khách đầu tiên theo chương trình miễn cách ly mở rộng, đánh dấu bước lớn tiến tới phục hồi các đường bay quốc tế, bất chấp sự gia tăng mạnh các ca mắc COVID-19. Trong khi đó, do số ca nhiễm mới tăng trở lại gần đây, Singapore đồng thời siết chặt các biện pháp phòng dịch như giới hạn các cuộc tụ tập xã hội xuống 2 người và chỉ cho phép những người tiêm vaccine vào các trung tâm mua sắm. Đeo khẩu trang cũng là quy định bắt buộc, những người vi phạm bị phạt hoặc thậm chí bị kết án tù.
Trong ngày 19-10, Singapore ghi nhận 3.994 ca mắc mới, con số cao nhất từ trước tới nay, sau nhiều ngày có trên 3.000 ca mắc mỗi ngày với phần lớn là không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Tại Malaysia, từ ngày 1-11, công chức làm việc cho Chính phủ liên bang không hoàn thành tiêm chủng sẽ bị kỷ luật hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Đó là một nội dung của chính sách mới về tiêm chủng liên quan đến công chức được triển khai nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn cũng như đạt được năng suất dịch vụ công ở mức tối ưu.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer cho người dân tại Colombo, Sri Lanka. Ảnh: THX/TTXVN
Theo chỉ thị của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa, nước này đã gia hạn lệnh cấm đi lại liên tỉnh đến ngày 31-10 tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Theo nhà chức trách Sri Lanka, quyết định này được đưa ra dựa trên tình hình thực tế khi một số người đang hành động thiếu trách nhiệm.
Đầu tháng này, Sri Lanka đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 42 ngày sau khi nước này đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 3 do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao gây ra. Giới chuyên gia y tế cho rằng tốc độ lây lan đã giảm mạnh nhưng lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh vẫn được duy trì. Đến nay, Sri Lanka ghi nhận tổng cộng 532.766 ca bệnh, trong đó 13.525 ca tử vong.
Trong khi đó, Australia nới lỏng quy định đi lại giữa 2 thành phố lớn nhất là Sydney và Melbourne khi bang Victoria mở cửa biên giới với những người đã tiêm vaccine đầy đủ từ bang New South Wales (NSW).
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Âu, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở khu vực Đông Âu. Các nước Nga, CH Séc và Ba Lan đều ghi nhận những số liệu đáng báo động về số ca mắc mới và số ca tử vong. Nga thông báo có thêm 1.028 ca tử vong trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số người không qua khỏi lên 226.353 ca, cao nhất ở châu Âu. Số ca mắc mới cũng tăng thêm 34.074 ca, đưa tổng số ca mắc lên hơn 7,94 triệu ca. Trước tình hình này, Tổng thống Vladimir Putin đã thông qua đề xuất "những ngày không làm việc" nhưng vẫn được hưởng lương kể từ ngày 30-10 đến ngày 7-11 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tại CH Séc, lần đầu tiên số ca mắc mới ở mức trên 3.000 ca kể từ cuối tháng 4. Với 3.246 ca mắc mới ghi nhận ngày 20/10, hiện tổng số ca bệnh ở nước này đã tăng lên 1,71 triệu ca. Đáng chú ý, số ca mắc mới trong ngày 19/10 cao gấp hai lần số ca ghi nhận trước đó một tuần. Số ca nhập viện cũng tăng lên 620 ca tính đến ngày 19-10, so với 249 ca vào thời điểm đầu tháng. Giới chức y tế cho biết phần lớn số ca mắc mới ở CH Séc là những người chưa tiêm phòng.
Trong khi đó, Ba Lan cũng lần đầu tiên kể từ tháng 5 ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 5.000 ca. Cụ thể, với thêm 5.559 ca phát hiện ngày 20-10, tổng số ca bệnh ở Ba Lan đã tăng lên 2.950.616 ca, trong đó có 76.254 ca tử vong, tăng 75 ca trong 24 giờ qua. Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, Ba Lan đang cân nhắc áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Ở Anh, các lãnh đạo ngành y tế đã kêu gọi chính phủ tái áp đặt một số biện pháp hạn chế để giảm tải sức ép cho các cơ sở y tế trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng. Tuy nhiên, các bộ trưởng đã phản đối ý kiến này vì cho rằng tình hình dịch COVID-19 hiện nay cải thiện hơn so với năm ngoái và nước Anh cần tìm cách sống chung với dịch bệnh. Chính phủ Anh đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế từ tháng 7 và khẳng định vẫn theo dõi chặt chẽ thống kê số ca mắc COVID-19 trong nước.
Anh có tỷ lệ mắc COVID-19 khá cao so với các nước Liên minh châu Âu (EU) dù bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng từ sớm. Ngày 19-10, nước này ghi nhận 223 ca tử vong vì COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm nay. Số ca mắc mới cũng duy trì ở mức trung bình 40.000 ca/ngày kể từ mùa Hè, trong khi số ca nhập viện cũng đang tăng.
Sau một thời gian dài dịch bệnh ổn định tại Bỉ, số ca mắc mới đã có dấu hiệu gia tăng trở lại. Số liệu của Viện Y tế Công cộng Sciensano cho thấy, từ ngày 10 - 16-10, trung bình mỗi ngày tại Bỉ có 3.151 ca mắc mới, tăng 50% so với tuần trước đó. Ngoài ra, trung bình mỗi ngày có 11 ca tử vong, tăng 13%. Hiện tổng số ca tử vong kể từ đầu đại dịch ở Bỉ đã tăng lên 25.797 ca trong số 1.292.887 ca mắc.
Chính phủ Ireland thông báo các quy định mới đối với du khách quốc tế, có hiệu lực từ ngày 22-10 tới. Theo các quy định mới, du khách nước ngoài đến Ireland sẽ phải trình kết quả xét nghiệm PCR được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi đến, nếu chưa tiêm vaccine đầy đủ hoặc đã bình phục trong vòng 6 tháng hoặc dưới 12 tuổi. Các hãng hàng không sẽ buộc phải kiểm tra xét nghiệm PCR và không cho hành khách lên máy bay nếu không xuất trình giấy tờ chứng minh. Những người không có kết quả xét nghiệm PCR sẽ phải làm xét nghiệm trong vòng 36 giờ sau khi đến và phải trình kết quả với cảnh sát địa phương.
Ireland cũng sẽ hủy bỏ hệ thống cách ly bắt buộc tại khách sạn cũng như cách ly bắt buộc tại nhà đối với du khách quốc tế. Cũng từ ngày 22-10, hầu hết các hạn chế phòng, chống COVID-19 tại Ireland sẽ được dỡ bỏ.
Theo TRẦN QUYỀN (TTXVN)