Thế giới ghi nhận 187,4 triệu ca mắc, hơn 4 triệu ca tử vong do COVID-19

12/07/2021 - 07:58

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 11-7 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 187.411.259 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.045.525 ca tử vong. Đến nay, 171.361.521 bệnh nhân đã phục hồi.

Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, Thái Lan ngày 11-7 ghi nhận thêm 9.539 ca mắc COVID-19 và 86 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh đến nay lên 336.371 ca, trong đó có 2.711 ca tử vong. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thái Lan sẽ lập bệnh viện dã chiến tại những khu vực không sử dụng tại 2 sân bay quốc tế Suvarnabhumi và Don Mueang ở vùng đô thị Bangkok với sức chứa 7.000 giường bệnh nhằm đối phó với việc một số lượng lớn bệnh nhân đang chờ điều trị.

Ngoài ra, Thái Lan đã thiết lập khoảng 145 trạm kiểm soát, trong đó 88 trạm ở thủ đô Bangkok để kiểm soát sự di chuyển của người dân. Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan (RTAF) cảnh báo sẽ có hành động pháp lý dứt khoát đối với những người vi phạm các quy định mới.

Trước đó, Công báo Hoàng gia Thái Lan hôm 10-7 đã đăng tải các biện pháp phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt mới được Trung tâm Xử lý Tình COVID-19 (CCSA) thông qua, trong đó có lệnh giới nghiêm từ 9h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau từ ngày 12-7 trong ít nhất 14 ngày tại 10 tỉnh trong vùng kiểm soát tối đa và nghiêm ngặt gồm Bangkok cùng Nakhon Pathom, Nonthaburi, Pathum Thani, Samut Prakan, Samut Sakhon, và các tỉnh ở miền Nam là Narathiwat, Pattani, Yala và Songkhla. Ngoài lệnh giới nghiêm và các biện pháp khác, việc tụ tập từ hơn 5 người cũng sẽ bị cấm theo những quy định mới.

Lào cũng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong bối cảnh lượng lao động Lào ở Thái Lan trở về nước tăng cao, tạo áp lực trong việc tiếp nhận và phân bổ cách ly. Điều này đã khiến cho một số tỉnh biên giới, trong đó có tỉnh Champasak bị quá tải lượng bệnh nhân mắc COVID-19.

Chính phủ Lào tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động xuất nhập cảnh nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép; tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại các khu cách ly, đặc biệt là tại các địa điểm tiếp nhận lao động Lào về nước. Ngoài ra, Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, đồng thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép để có biện pháp xử lý kịp thời. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.719 ca mắc COVID-19 (sau khi có 89 ca mới) và 3 ca tử vong.

Cùng ngày, Campuchia xác nhận tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 60.000 ca và tiến sát 61.000 ca, với 981 ca mới trong 24 giờ qua, trong đó có tới 259 ca nhập cảnh. Bên cạnh đó, Campuchia có thêm 21 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này lên 902 ca.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia, bà Lý Ái Lan (Li Ailan) đã bày tỏ lo ngại về số ca mắc mới và số ca tử vong tăng mạnh tại Campuchia, đồng thời kêu gọi cả cộng đồng chung sức ngăn chặn đại dịch. Theo bà Lý Ái Lan, Campuchia cần có biện pháp can thiệp hiệu quả hơn ngoài sử dụng thuốc và vaccine ngừa COVID-19. Hiện mỗi ngày số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia vẫn vào khoảng 1.000 ca và số ca tử vong ở mức hai chữ số.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Surabaya, Đông Java, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Indonesia, thủ đô Jakarta của nước này đã lập kỷ lục mới về số ca mắc COVID-19 với 13.133 ca và  54 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh thủ đô lên 662.442 ca và 9.403 ca tử vong tính từ tháng 3-2020 đến nay. Trong khi đó, số ca mắc trong ngày 11-7 của Indonesia là 36.197 ca và 1.007 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 2.527.203 ca và 66.464 ca tử vong.

Còn Malaysia, nước láng giềng của Indonesia, cũng ghi nhận thêm  9.105 ca mắc mới, mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này và là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca mắc COVID-19 mới trong ngày trên mức 9.000 ca. Theo Phó Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết nguyên nhân số ca nhiễm COVID-19 mới gần đây gia tăng mạnh là do nước này tiến hành xét nghiệm COVID-19 quy mô lớn, trong đó có phần lớn khu vực đang thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) thuộc bang Selangor và lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur.

Trong khi đó, Nhật Bản thông báo sẽ bắt đầu tiếp nhận đơn xin cấp hộ chiếu vaccine từ ngày 26-7 tới để những người đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 được di chuyển quốc tế. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ cân nhắc liệu có sử dụng chứng nhận này cho các hoạt động kinh tế trong nước hay không, để đáp lại lời kêu gọi của giới doanh nghiệp. 

Chứng nhận tiêm chủng vaccine sẽ là hồ sơ chính thức do chính quyền các thành phố cấp để xác nhận một người đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19, với các thông tin như tên, số hộ chiếu và ngày tiêm chủng. Theo các nguồn tin chính phủ, Nhật Bản đang nỗ lực đạt thỏa thuận để hộ chiếu vaccine ngừa COVID-19 của nước này được hơn 10 nước chấp nhận, trong đó có Italy, Pháp và Hy Lạp. Theo đó, những người được cấp hộ chiếu sẽ được miễn hoặc giảm thời gian cách ly khi đi từ Nhật Bản đến các quốc gia đó.

Còn Australia ngày 11-7 công bố ca tử vong đầu tiên do COVID-19 trong năm nay và 77 ca mắc mới tại bang New South Wales - là số ca mắc mới trong ngày cao nhất kể từ đầu năm đến nay. 

Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian dự báo số ca mắc tại bang đông dân nhất của Australia, New South Wales, sẽ vượt 100 ca ngày 12-7. Ông cũng dự kiến số ca mắc trong và xung quanh thành phố Sydney sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Thành phố lớn nhất của Australia này hiện đang thực hiện lệnh phong tỏa trong 3 tuần. Với 33 trong số các ca mắc mới là lây nhiễm trong cộng đồng, nhà chức trách khả năng sẽ gia hạn lệnh phong tỏa hơn 5 triệu cư dân Sydney và các khu vực lân cận.

Trong khi đó, tại khu vực Trung Đông, Israel thông báo số ca mắc mới tại nước này đã giảm nhẹ vào cuối tuần, với 261 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19  lên 4.130 ca, trong đó có 44 ca nặng. Ước tính tỷ lệ miễn dịch trong dân vào khoảng 65%, bao gồm 55% đã được tiêm phòng và 10% bị nhiễm bệnh đã khỏi. Hầu hết những người chưa được tiêm phòng là trẻ em, cộng thêm một số đối tượng trẻ tuổi khác chưa đi tiêm.

Tại châu Âu, LB Nga ngày 11-7 đã ghi nhận thêm 25.033 ca mắc COVID-19 và 749 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 5.783.333 ca và 143.002 ca tử vong. Trong đó, thủ đô Moskva ghi nhận thêm 5.410 ca nhiễm mới với 110 người tử vong, đưa tổng số người nhiễm virus corona tại thành phố này lên 1,4 triệu người.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại vùng Caribe, Cuba công bố một loạt biện pháp mới đối với những người dân đi du lịch trong nước. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15-7 nhằm khống chế dịch COVID-19. Theo đó, những người Cuba đến sân bay của các khu du lịch Varadero và Cayo Coco sẽ phải cách ly bắt buộc trong 14 ngày tại các khách sạn cách ly. Bên cạnh đó, những người Cuba đến các sân bay này cũng bị hạn chế về hành lý với mỗi hành khách được mang theo một kiện hành lý.

Bộ trên cũng thiết lập hệ thống kiểm tra sức khỏe bắt buộc đối với tất cả nhân viên du lịch, sân bay và giao thông khi đến và rời khỏi nơi làm việc, đồng thời tiến hành thường xuyên các xét nghiệm sàng lọc kháng nguyên đối với những người tiếp xúc nhiều với bệnh nhân COVID-19. Cuba ghi nhận thêm 6.750 ca mắc và 31 ca tử vong, theo đó nâng tổng số ca mắc và tử vong lần lượt tại đây lên 231.568 ca và 1.490 ca.

Theo MINH CHÂU (TTXVN)