Thế giới ghi nhận 240 triệu ca mắc COVID-19, gần 5 triệu người tử vong

16/10/2021 - 08:05

Tính đến 21h ngày 15-10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 240.525.991 ca nhiễm dịch bệnh COVID-19, trong đó 4.900.096 người tử vong; cố bệnh nhân được điều trị khỏi là 217.810.911 người.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại Surakarta, Trung Java, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 15-10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 240.525.991 ca nhiễm dịch bệnh COVID-19, trong đó 4.900.096 người tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 217.810.911 người.

Indonesia duy trì các hạn chế xã hội trong các dịp nghỉ lễ cuối năm

Theo người phát ngôn Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia Wiku Adisasmito, nước này sẽ tiếp tục duy trì lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới.

Phát biểu của ông Adisasmito tại họp báo tực tuyến ngày 14/10 cho biết PPKM sẽ được duy trì trong các dịp lễ cuối năm để tiếp tục giảm thiểu các ca mắc COVID-19.

Ông cũng kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp chống dịch của chính phủ, đồng thời hy vọng chính quyền các địa phương sẽ giám sát và kiểm soát các hoạt động đi lại nhằm ngăn chặn dịch bệnh gia tăng.

Theo quan chức này, kinh nghiệm từ các đợt bùng phát dịch trước đây cho thấy các ca mắc COVID-19 thường tăng sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội song thiếu sự điều chỉnh theo từng khu vực.

Trong khi đó, PPKM quy mô nhỏ được triển khai đồng thời tại tất cả các khu vực, đến tận cấp cụm hộ gia đình và tổ dân phố, đã cho thấy hiệu quả trong làm giảm các ca mắc COVID-19. Theo đó, PPKM quy mô nhỏ đã giúp giảm 134% số ca lây nhiễm trong vòng 14 tuần qua dù các hạn chế xã hội được nởi lỏng.

Australia đạt tiến độ tiêm chủng ấn tượng tại vùng thủ đô Canberra

Tại Australia, vùng đô thị Canberra ghi nhận hơn 99% cư dân trên 12 tuổi tại đã được tiêm mũi một vaccine phòng COVID-19 trong khi 76% người thuộc nhóm tuổi này đã được tiêm đủ hai mũi.

Truyền thông Australia dự báo với tốc độ này thì vào cuối tháng 11, Canberra sẽ vượt Lisbon của Bồ Đào Nha và thủ đô của Singapore để trở thành thành phố có đông dân được tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 nhất trên thế giới.

Thông tin trên được ra ra trong bối cảnh vùng thủ đô của Australia vừa chấm dứt biện pháp phong tỏa sau chín tuần áp dụng, cho phép nới lỏng một số biện pháp hạn chế, trong đó các quán rượu, nhà hàng, phòng tập thể hình, các trung tâm giải trí và các cửa hàng cắt tóc được hoạt động trở lại với các hạn chế về số người được phục vụ ở cùng một thời điểm.

Trong khi đó, bang New South Wales lân cận tuyên bố từ ngày 1/11 sẽ cho phép du khách quốc tế nhập cảnh mà không phải cách ly.

Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh tại cuộc họp báo ngày 15/10 rằng việc nối lại hoạt động đi lại quốc tế từ tháng tới sẽ chỉ được áp dụng với các cư dân Australia, thường trú nhân và các thành viên thân thiết trong gia đình nhưng sẽ được mở rộng áp dụng với du khách quốc tế trong tương lai.

Pháp dừng chương trình xét nghiệm miễn phí

Cũng trong ngày 15/10, Pháp đã dừng chương trình xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho tất cả người dân. Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ nước này nhằm khuyến khích người dân đi tiêm phòng.

Hiện nay, tại Pháp, để có thể vào các nhà hàng, quán cafe, địa điểm thi dấu thể thao và các địa điểm giải trí như rạp chiếu phim, người dân phải có chứng nhận âm tính với COVID-19, chứng nhận mới hồi phục sau khi mắc bệnh hoặc chứng nhận đã được tiêm phòng đầy đủ.

Khi việc tiêm phòng đã trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn cho tất cả mọi người, Chính phủ Pháp cho rằng không nên coi xét nghiệm là một biện pháp thay thế cho tiêm phòng.

Như vậy, gần 7 triệu người dân Pháp hiện chưa tiêm phòng hoặc mới tiêm được một mũi sẽ phải trả từ 22-44 euro (25-50 USD) cho một lần xét nghiệm.

Việc xét nghiệm miễn phí sẽ chỉ được áp dụng với những người không thể tiêm phòng vì các lý do y tế được xác nhận, những người mới tiếp xúc với người bệnh, những người mới có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc những người được yêu cầu đi xét nghiệm vì lý do y tế.

Bên cạnh mục đích khuyến khích người dân đi tiêm, biện pháp trên sẽ giúp chính phủ tiết kiệm được chi phí cho việc xét nghiệm COVID-19, dự kiến sẽ lên mức 6,2 tỷ euro (7,2 triệu USD) trong năm 2021, tăng mạnh so với mức 2,2 tỷ USD vào năm 2020.

Hiện Pháp ghi nhận hơn 5.000 ca mắc mới/ngày, với nhiều dấu hiệu cho thấy làn sóng dịch bệnh thứ tư tại nước này đang dần qua đi.

Cũng từ ngày 15-10, các nhân viên làm việc tại bệnh viện, phòng khám và viện dưỡng lão cũng như các lính cứu hỏa và lái xe cứu thương tại nước này sẽ phải cung cấp xác nhận tiêm phòng đầy đủ nếu muốn tiếp tục hợp đồng làm việc và nhận lương.

EU gửi thuốc và thiết bị hỗ trợ Romania chống dịch

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã gửi thuốc và thiết bị điều trị COVID-19 tới Romania để hỗ trợ nước này chống dịch trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng ở những người chưa tiêm phòng.

Trong thông cáo báo chí ngày 15/10, Ủy ban châu Âu cho biết đã điều phối chuyến hàng viện trợ gồm 250 máy tạo ôxy tới Romania để hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó Ba Lan viện trợ 50 máy và số còn lại đến từ kho dự trữ của EU.

Cùng với máy thở, EU cũng gửi 5.200 liều kháng thể đơn dòng từ Italy cùng tám máy tạo ôxy và 15 máy thở từ Đan Mạch đến Romania.

EU gửi thuốc và thiết bị hỗ trợ Romania chống dịch trong bối cảnh nước này đang chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 tăng đột biến. Trong 10 ngày đầu tháng này, cứ 6 phút lại có một người ở nước này tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, một bộ phận lớn người dân Romania vẫn do dự không muốn tiêm vaccine phòng bệnh.

Theo dữ liệu của EU, chỉ khoảng 30% dân số trưởng thành của Romania đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Số liệu công bố đầu tuần này cho thấy hơn 70% số ca mắc mới và 93% số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này là những người chưa tiêm chủng.

Giới chuyên gia nhận định làn sóng lây nhiễm thứ tư ở Romania có thể kéo dài ít nhất cho đến giữa tháng 11 tới và tác động lớn hơn những đợt trước./.

Theo TTXVN/Vietnam+