Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ ngày 19-1-2022. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Riêng Mỹ vượt xa các nước khác về số ca nhiễm và tử vong, hiện có hơn 71,1 triệu ca nhiễm và hơn 888.000 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với hơn 39,2 triệu ca, trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong, hiện là 622.979 ca.
Đáng chú ý trong ngày 23/1, Nga đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong ngày thứ ba liên tiếp, lên tới 63.205 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, tăng mạnh so với mức 57.212 ca ngày 22/1 và 49.513 ca ngày 21/1. Riêng thủ đô Moskva, tâm dịch của Nga, đã ghi nhận 17.528 ca nhiễm, là mức cao nhất trong ngày thứ tư liên tiếp. Nước này hiện đã ghi nhận tổng cộng 326.112 ca tử vong vì COVID-19 kể từ khi bùng phát dịch.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Melbourne, Australia ngày 29/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh các trường học sẽ mở cửa trở lại vào tuần tới, hai bang đông dân nhất của Australia là New South Wales (NSW) và Victoria đã lên kế hoạch xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho học sinh 2 lần/tuần nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tại trường học. Để thực hiện chính sách trên, hàng triệu sinh phẩm xét nghiệm sẽ được phân phát tới 3.000 trường học và học sinh sẽ phải làm xét nghiệm trước khi tham gia buổi học đầu tiên. Bên cạnh đó, giáo viên và học sinh các trường phổ thông bắt buộc phải đeo khẩu trang, trong khi học sinh tiểu học được khuyến khích đeo khẩu trang. Các trường cũng sẽ hạn chế tối đa tiếp xúc giữa các nhóm lớp, cũng như hạn chế khách tới trường. Bên cạnh đó, các trường cũng đưa ra dự phòng nhân sự, trong đó có việc sử dụng giáo viên đã nghỉ hưu hoặc đang đi học, tham gia giảng dạy khi thiếu giáo viên.
Cũng trong nỗ lực phòng dịch cho trẻ em, Bộ Ngoại giao Cuba cho biết tất cả trẻ em trên 2 tuổi ở đảo quốc vùng Caribe này đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời đánh giá chiến dịch tiêm chủng quốc gia đã đạt được “kết quả xuất sắc”. Trẻ em Cuba đã trở lại trường học từ tháng 11/2021, sau một thời gian tạm thời học trực tuyến do đại dịch COVID-19. Với gần 93% dân số, bao gồm cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên, đã được bảo vệ với ít nhất 1 mũi vaccine, Cuba đang vượt hầu hết các quốc gia lớn và giàu có nhất để đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), về tỷ lệ dân số được tiêm vaccine.
Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 29/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Duy trì chính sách sống chung an toàn với COVID-19, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 23/1 khẳng định chính phủ sẽ không áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) một lần nữa trong dịp Tết của người Hồi giáo sắp tới. Hiện tại các lĩnh vực kinh tế và xã hội, cũng như việc đi lại giữa các bang đã trở lại bình thường. Trong trường hợp gia tăng đột biến số ca nhiễm, chính phủ sẽ áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển tăng cường (EMCO), tập trung vào các khu vực được xác định có nhiều ca nhiễm. Ông kêu gọi mọi người không nên tự mãn và chủ quan, thay vào đó cần tiếp tục kiềm chế sự lây lan COVID-19, ngay cả khi đã xác định phải sống chung với COVID-19 trong tương lai. Ông cũng bày tỏ hy vọng số ca nhiễm mới sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 1.000 ca để Malaysia có thể tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã quyết định xét nghiệm cho toàn bộ 2 triệu cư dân tại một quận xuất hiện ổ dịch mới. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa Thế vận hội Olympic mùa Đông 2022 sẽ chính thức khai mạc. Đại diện chính quyền Bắc Kinh cho biết thành phố xác định phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn dịch lây lan càng nhanh càng tốt "thông qua các biện pháp cứng rắn, nghiêm ngặt và quyết liệt".
Một trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Wellington, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN
Về phần mình, New Zealand cũng quyết định siết chặt hạn chế phòng dịch do biến thể Omicron lây lan trong cộng đồng. Theo quy định mới, từ 23h59' ngày 23/1 theo giờ địa phương (tức 19h59' cùng ngày theo giờ Việt Nam) nước này chuyển trạng thái phòng, chống dịch COVID-19 sang tín hiệu "đèn đỏ" do có sự lây lan biến thể Omicron trong cộng đồng. Với quyết định trên, các cuộc tụ tập sẽ giới hạn tối đa 100 người tại những nơi cho phép sử dụng giấy thông hành COVID-19. Các dịch vụ khách sạn, nhà hàng được phép mở cửa song chỉ giới hạn tối đa 100 người. Tại những địa điểm không sử dụng giấy thông hành vaccine, tối đa chỉ được 25 người tụ tập.
Tại Nhật Bản, bên cạnh các nỗ lực phòng dịch, chính quyền thủ đô Tokyo đã mở cơ sở điều trị bệnh nhân không triệu chứng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong gia đình. Theo kế hoạch, từ ngày 25/1, một cơ sở điều trị với quy mô ban đầu 350 giường được thiết lập tại Quảng trường thể thao Tokyo, thuộc phường Chiyoda, nơi từng được sử dụng cho việc quảng bá Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Đối tượng hướng tới là các bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng nhưng có nguy cơ làm lây lan virus SARS-CoV-2 cho người thân khi sống chung một nhà. Mỗi người điều trị tại đây sẽ có một phòng điều trị, ngoài ra còn được bố trí không gian sinh hoạt riêng có diện tích tương đương một bốt điện thoại công cộng, được bố trí các thiết bị thuận lợi cho người dùng sử dụng máy tính cá nhân hoặc máy tính bảng phục vụ cho làm việc từ xa. Theo kế hoạch, cơ sở điều trị này sẽ mở rộng thêm quy mô, nâng tổng số giường bệnh tại đây lên 1.000 nếu nhu cầu sử dụng loại hình này gia tăng trong thời gian tới.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 21/1/2022. Ảnh:THX/TTXVN
Các nỗ lực phòng dịch và điều trị bệnh nhân luôn đóng vai trò quan trọng, nhất là khi Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gần đây đã bác bỏ thông tin cho rằng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 báo hiệu COVID-19 đang giảm xuống thành một căn bệnh nhẹ. Ông cảnh báo rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc và "đừng quên rằng Omicron vẫn gây ra những ca nhập viện và tử vong, ngay cả những ca bệnh ít nghiêm trọng hơn cũng khiến các cơ sở y tế quá tải”. Quan điểm này được Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamalei Alexander Gintsburg khẳng định khi trả lời hãng thông tấn Interfax ngày 23/1, khi cho rằng biến thể Omicron sẽ không thể giúp nhân loại chấm dứt đại dịch như nhiều ý kiến nêu ra trước đó bởi "một lý do đơn giản là khi virus càng sinh sôi và càng lây lan thường xuyên thì càng có nhiều khả năng xuất hiện các biến thể mới”.
Theo BÍCH LIÊN (TTXVN)