Người dân làm việc dưới trời nắng nóng tại Las Vegas, Nevada, Mỹ, ngày 12/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Với sự thúc đẩy của hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng trên khắp hành tinh, khiến năm 2023 có thể là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong 100.000 năm qua. C3S cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục kéo dài sang năm 2024, đồng thời xác nhận rằng trong giai đoạn từ tháng 2/2023 đến tháng 1/2024, nhiệt độ Trái đất đã cao hơn 1,52 độ C so với mức chuẩn của thế kỷ 19.
Cũng theo Copernicus, thế giới vừa trải qua tháng 1 nóng nhất từng được ghi nhận và đây cũng là tháng thứ 8 liên tiếp nhiệt độ ở mức cao kỷ lục. Theo đó, nhiệt độ trong tháng 1 vừa qua cao hơn 1,66 độ C so với ước tính trung bình của tháng này trong giai đoạn 1850 - 1900, thời kỳ tiền công nghiệp.
Trao đổi với báo giới, ông Johan Rockstrom tại Viện Nghiên cứu Tác động khí hậu Potsdam cảnh báo mức tăng nhiệt 1,5 độ C là "rất lớn" và nó gây thiệt hại nặng nề cho người dân trên thế giới. Các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, bão ngày càng xảy ra thường xuyên với mức độ nghiêm trọng hơn, trong khi tình trạng khan hiếm nước diễn ra trên toàn cầu.
Những tháng gần đây đã chứng kiến sự tấn công dữ dội của các hiện tượng cực đoan trên khắp hành tinh, trong đó hạn hán tàn khốc đang hoành hành ở lưu vực sông Amazon, mùa Đông ấm áp tại khu vực phía Nam châu Âu, cháy rừng gây nhiều thương vong ở Nam Mỹ và lượng mưa kỷ lục ở bang California (Mỹ). Ông Rockstrom cho biết đây rõ ràng là một lời cảnh báo rằng thế giới đang tiến nhanh hơn dự kiến tới mốc 1,5 độ C - mức giới hạn được đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông cũng lưu ý nhiệt độ có thể sẽ giảm phần nào sau khi hiện tượng El Nino kết thúc.