Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Tel Aviv, Israel ngày 4-9-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 7-9 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 27.273.212 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 887.040 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 19.352.266 người. Trong số 7.012.313 người đang được điều trị, có 1% số ca đang trong tình trạng nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (91.723 ca), Mỹ (28.306 ca) và Brazil (14.521 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.008 ca), tiếp theo là Brazil (420 ca) và Mỹ (388 ca).
Mỹ tiến gần mốc 6,5 triệu ca bệnh
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của đại dịch, với 6.457.446 ca mắc, trong đó có 193.206 ca tử vong.
Những ngày cuối tuần qua, nước Mỹ đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Lao động, tuy nhiên trong bối cảnh có thêm hàng chục ngàn ca nhiễm bệnh mới mỗi ngày, lễ hội năm nay đã khác rất nhiều. Để tránh bùng phát dịch, các chuyên gia bao gồm Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, đã kêu gọi mọi người tiếp tục giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và tránh tụ tập nhóm khi họ tận hưởng kỳ nghỉ cuối tuần. “Chúng tôi không muốn chứng kiến lặp lại những đợt gia tăng như chúng ta đã thấy sau những dịp nghỉ cuối tuần khác", ông Fauci nói, đề cập đến những đợt bùng phát sau dịp lễ Ngày Tưởng niệm và ngày Quốc khánh 4-7.
Mexico có tỉ lệ tử vong do COVID-19 trong nhân viên y tế cao nhất thế giới
Tổ chức Ân xá thế giới cho biết, Mexico có nhiều nhân viên y tế thiệt mạng do COVID-19 hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Điều này nhấn mạnh cơn bão COVID-19 đang tấn công vào những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch trên khắp toàn cầu. Ít nhất 7.000 nhân viên y tế tại Mexico đã tử vong sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Các quốc gia tiếp theo có số ca tử vong cao trong nhân viên y tế bao gồm Mỹ, Brazil, Ấn Độ, lần lượt là 1.077, 634 và 573.
Đến nay Mexico ghi nhận 629.409 ca mắc COVID-19, trong đó có 67.326 trường hợp tử vong.
Ấn Độ vượt Brazil, xếp thứ hai thế giới về ca COVID-19
Ấn Độ đã vượt Brazil trở thành nước thứ hai trên thế giới, sau Mỹ về số ca mắc COVID-19. Thống kê của trang worldometers tới 6h sáng 7-9 cho thấy, với 91.723 ca mắc mới và 1.008 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, tổng số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ đã tăng lên 4.202.562 ca với số ca tử vong 71.687. Ngày 6-9 cũng đồng thời đánh dấu ngày có số ca mắc nhiều nhất từ trước đến nay ở nước này.
Theo số liệu của Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR), trong vài tuần gần đây, Ấn Độ tập trung mở rộng xét nghiệm, dẫn tới số ca mắc mới hằng ngày tăng mạnh. Tính đến hết ngày 5-9, nước này đã thực hiện 48.831.145 xét nghiệm, trong đó riêng ngày 5-9 có 1.092.654 xét nghiệm. Với số ca mắc mới liên tục gia tăng ở mức hơn 80.000 ca trong 4 ngày liên tiếp, ngày 6-9 Ấn Độ đã trở thành một trong 3 quốc gia trên thế giới đã ghi nhận hơn 4 triệu ca bệnh.
Đông Nam Á: Indonesia nóng với 3.444 ca nhiễm mới
Bộ Y tế Indonesia ngày 6-9 thông báo nước này ghi nhận thêm 3.444 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong vòng một ngày, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 194.109, với tổng số ca tử vong là 8.025 ca, tăng 85 ca.
Trong một ngày qua có thêm 2.174 bệnh nhân COVID-19 bình phục và xuất viện tại Indonesia, nâng tổng số bệnh nhân bình phục ở nước này lên 138.575 người. Hiện virus SARS CoV-2 đã lây lan ra tất cả 34 tỉnh ở nước này.
Theo tờ Straits Times, dịch COVID-19 đã cướp đi nhiều sinh mạng của các nhân viên y tế Indonesia trong bối cảnh số ca lây nhiễm lại tăng mạnh. Hiệp hội Y tá Quốc gia Indonesia cho hay có ít nhất 71 thành viên hiệp hội này đã tử vong vì COVID-19. Bên cạnh đó, số bác sĩ tử vong vì dịch COVID-19 cũng lên tới ít nhất 105 người. Tỉ lệ tử vong do COVID-19 trong các bác sĩ tại Indonesia là cao nhất ở Đông Nam Á - theo Hiệp hội Y khoa Indonesia (IDI). Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng xếp nước này đứng thứ ba trên thế giới, sau Nga và Ai Cập về tỉ lệ tử vong do COVID-19 trong các nhân viên y tế.
Tại Philippines, ngày 6-9 nước này ghi nhận 2.839 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 237.365 trường hợp, trong đó có 3.875 ca tử vong (tăng thêm 85 ca trong ngày). Philippines hiện có 184.687 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục.
Trong khi đó, Brunei ngày 6-9 ghi nhận không có thêm ca mắc mới nào, theo đó tổng số ca mắc ở nước này hiện là 145. Theo một báo cáo nghiên cứu toàn cầu, Brunei nằm trong số 50 điểm đến an toàn nhất trên thế giới trong đại dịch COVID-19.
Thái Lan có thể hoãn mở lại đảo Phuket với khách quốc tế
Kế hoạch của chính phủ Thái Lan về mở cửa lại đảo nghỉ dưỡng Phuket như một mô hình chào đón trở lại du khách nước ngoài đã gặp phải trở ngại mới sau khi Thái Lan ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên sau hơn 3 tháng.
Tờ Bangkok Post ngày 6-9 cho biết, ông Yuthasak Supasorn, Thống đốc Cục Du Thái Lan (TAT) đã thông báo kế hoạch mở cửa lại Phuket trong tháng tới nhiều khả năng sẽ bị đẩy lùi. Cuối tuần qua, các quan chức TAT đã tới Phuket để đánh giá các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, và lưu ý rằng mô hình đưa khách du lịch quốc tế trở lại đây có thể phải điều chỉnh nếu đất nước đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Theo "mô hình Phuket", khoảng 200 du khách từ Australia và New Zealand sẽ được phép tới nghỉ dưỡng. Họ phải có xét nghiệm âm tính tại nơi xuất phát, sau đó cách ly 14 ngày ở nơi đến là Phuket. Du khách có thể đi lại trên khắp tỉnh nếu có xét nghiệm âm tính với COVID-19, nhưng nếu muốn sang tỉnh khác, họ sẽ phải cách ly theo tại tỉnh đó thêm 7 ngày.
Châu Âu: Pháp tăng mạnh trở lại ca mắc mới
Ngày 6-9, Pháp ghi nhận 8.550 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 317.706 ca, trong đó có 30.724 ca tử vong. Số ca mắc mới tại Pháp tăng trở lại sau khoảng thời gian kiềm chế được dịch, song chủ yếu tập trung ở người trẻ có triệu chứng nhẹ. Hơn 12 triệu trẻ em Pháp đã trở lại trường học vào ngày 1-9.
Trong khi đó, Nga ghi nhận thêm 61 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 17.759 ca. Số ca mắc tăng thêm 5.195 lên 1.025.505 ca.
Nga: Vaccine COVID-19 tạo kháng thể thành công 100% trên người
Nga tuyên bố vaccine Sputnik-V do nước này sản xuất đã tạo thành công kháng thể trên toàn bộ người thử nghiệm, đập tan hoài nghi và chỉ trích từ những quốc gia khác. Theo kết quả được tạp chí The Lancet công bố hôm 4-9, vaccine Sputnik V đã thành công trong việc tạo ra phản ứng kháng thể ở tất cả những người tham gia thử nghiệm giai đoạn đầu. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của Sputnik V cho thấy 100% số người tham gia đều tạo nên kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 và không có tác dụng phụ nghiêm trọng, báo cáo trên The Lancet cho hay.
Anh ghi nhận ca nhiễm mới cao nhất kể từ tháng 5
Số liệu của chính phủ Anh cho thấy nước này ghi nhận 2.988 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 6-9, con số cao nhất kể từ tháng 5. Tổng số ca bệnh tại Anh hiện tại là 347.152, trong đó có 41.551 ca tử vong.
Liên quan các biện pháp phòng dịch, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết đã có khoảng 96% người trưởng thành ở nước này được khảo sát cho biết họ đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Có tới 98% người được hỏi ở Scotland cho biết họ đeo khẩu trang hoặc sử dụng các vật dụng để che mũi miệng ít nhất 1 lần khi ra ngoài tuần trước, trong khi con số này ở xứ England là 97% và xứ Wales là 73%. Cả ba vùng này đều ghi nhận gia tăng việc sử dụng khẩu trang trong hơn 2 tháng qua.
Trong khi xu hướng đeo khẩu trang để ngăn nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 đang gia tăng tại Anh, một số nước như Italy và Croatia lại chứng kiến sự phản đối của người dân đối với biện pháp này.
Ngày 5-9, khoảng 1.000 người đã xuống đường biểu tình tại trung tâm thủ đô Rome của Italy phản đối quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với trẻ em trong độ tuổi đi học cũng như việc tiêm chủng bắt buộc đối với các em. Các nhà tổ chức cuộc biểu tình, bao gồm đảng cực hữu Forza Nuova, phong trào chống vaccine và một số nhóm dân sự, chỉ trích tất cả các biện pháp đề phòng nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Cùng ngày, hàng nghìn người Croatia cũng tiến hành biểu tình tại thủ đô Zagreb nhằm phản đối các biện pháp chống dịch của chính phủ, cho rằng các biện pháp này ảnh hưởng tới quyền tự do của họ, đồng thời kêu gọi không đeo khẩu trang.
Tại Australia, giới chức nước này thông báo quyết định kéo dài thêm 2 tuần lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đối với Melbourne, thành phố lớn thứ hai của nước này, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tuy giảm song chưa đủ để ngăn chặn một đợt bùng phát mới.
Lệnh phong tỏa kéo dài 6 tuần tại Melbourne dự kiến kết thúc vào tuần tới, song Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews thông báo biện pháp này vẫn được duy trì tới ngày 28-9. Ông Andrews cảnh báo việc vội vàng nới lỏng các biện pháp chống dịch có thể khiến virus SARS-CoV-2 bùng phát mạnh và vượt ngoài tầm kiểm soát. Theo quan chức này, các tính toán cho thấy số ca mắc mới sẽ tiếp tục duy trì trung bình 60 ca/ngày vào tuần tới, và bang này sẽ có nguy cơ đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ ba vào giữa tháng 11 tới nếu mở cửa trở lại quá nhanh./.
Châu Phi: Gần 1,3 triệu ca COVID-19
Tại châu Phi, số ca mắc COVID-19 đã vượt qua con số 1,29 triệu. Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Phi, tổng cộng đã có 1.291.724 ca mắc tại "lục địa đen", trong đó 31.056 ca tử vong trong. Tổng số ca bình phục tại châu lục này là 1.031.453.
Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 5-9 thông báo nước này đã bắt đầu chuyển viện trợ y tế tới 30 nước châu Phi nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19 đang lây lan nhanh tại lục địa này.France now has 28 Covid-19 "red zones"
Theo THU HẰNG (Báo Tin tức)