Các thanh niên Nhật Bản đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng dịch COVID-19 tại buổi lễ trưởng thành truyền thống ở Namie, tỉnh Fukushima ngày 9-1-2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15-1 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 93.455.686 ca, trong đó có 2.000.368 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 66.515.984 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 24.531.934 ca và 112.098 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 14-1, thế giới có tới 108 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 397.351 ca tử vong trong tổng số 23.834.532 ca nhiễm. Đáng chú ý, trong 24 giờ qua, Mỹ tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm mới, ca tử vong và cả số người nhập viện do COVID-19 tăng vọt.
Tại Mỹ, các "ông lớn" công nghệ bao gồm Microsoft Corp, Oracle Corp cùng các công ty chăm sóc y tế Cigna Corp và Mayo Clinic đã tham gia dự án “Sáng kiến Giấy chứng nhận tiêm vaccine” nhằm phát triển một loại hồ sơ điện tử cho những người đã được tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong thông báo công bố ngày 14-1, các công ty trên cho biết mục đích của dự án là nhằm giúp người dân có được các bản sao điện tử hồ sơ tiêm chủng đã được mã hóa và họ có thể lưu hồ sơ này trong ví điện tử mà họ lựa chọn. Những người không có điện thoại thông minh sẽ nhận được giấy chứng nhận có mã QR tích hợp thông tin chứng nhận tiêm vaccine.
Những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ nhận được một thẻ hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng. Tuy nhiên, các công ty công nghệ cho rằng hệ thống hiện hành không thuận tiện để truy cập, kiểm soát và chia sẻ hồ sơ tiêm chủng.
Bắc Mỹ là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất (27.032.898 ca) trong khi châu Âu là khu vực ghi nhận tổng ca tử vong cao nhất (609.200). Châu Á đã có 21.766.491 ca nhiễm và 352.768 ca tử vong. Nam Mỹ đã có hơn 14,2 triệu ca nhiễm và 318.708 ca tử vong.
Ngày 14-1, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thông báo đã có 8 quốc gia ở châu Mỹ phát hiện trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh và 2 nước xác nhận các ca nhiễm biến thể được phát hiện tại Nam Phi.
Các nước ghi nhận ca nhiễm biến thể tại Anh gồm Brazil, Canada, Chile, Ecuador, Jamaica, Mexico, Peru và Mỹ, trong khi Brazil và Canada là hai nước phát hiện sự xuất hiện của biến thể tại Nam Phi.
Các biến thể này có thể lây lan một cách dễ dàng hơn và có thể đe dọa tới khả năng phản ứng của hệ thống y tế. PAHO cũng cảnh bảo sự gia tăng của số ca nhiễm mới ở khu vực châu Mỹ trong những tuần gần đây, đặc biệt là trong tuần trước với số ca nhiễm mới kỷ lục lên tới 2,5 triệu trường hợp.
Hầu như tất cả các nước ở châu Mỹ đều ghi nhận tình trạng lây nhiễm gia tăng, trong đó nghiêm trọng nhất là Mỹ. Ngoài ra, vùng Nam Mỹ đã bước vào mùa hè cũng ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng, kể cả các nước như Argentina hay Chile vốn trước đó đã có thời gian ghi nhận xu hướng giảm rõ rệt.
Tại châu Á, Trung Quốc đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên sau 8 tháng, khiến hàng triệu người phải trở lại tình trạng phong tỏa nhằm ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc ngày 14-1 đã nhất trí tìm cách nới lỏng một phần các biện pháp hạn chế đối với phòng tập thể dục, thể thao tư nhân và các cơ sở kinh doanh trong nhà nhằm khống chế sự lây lan của làn sóng lây nhiễm mới.
Cùng ngày, Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài khóa Nhật Bản Nishimura Yasutoshi - phụ trách việc ứng phó COVID-19 và ông Shigeru Omi, người đứng đầu tiểu ban phòng, chống đại dịch của Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị chính phủ áp đặt tình trạng khẩn cấp nghiêm ngặt hơn và dài hơn nếu tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm sút. Đề nghị trên được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi nước này nâng số tỉnh phải áp đặt tình trạng khẩn cấp lên 11 tỉnh, trong đó có Osaka, Aichi và Fukuoka.
Tại châu Âu, Nga là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 3.495.816 ca, trong khi Anh có số ca tử vong cao nhất là 84.767 ca. Các nước Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha đều đã ghi nhận hơn 2,1 triệu ca nhiễm.
Tây Ban Nha đã ghi nhận thêm gần 39.000 ca nhiễm mới, mức tăng mạnh nhất theo ngày kể từ đầu dịch. Bộ trưởng Chính sách lãnh thổ và dịch vụ dân sự Tây Ban Nha Carolina Darias nhận định các dữ liệu trên cho thấy quốc gia này đang đối mặt với nguy cơ rất nghiêm trọng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết áp lực lên các bệnh viện ngày càng tăng. Theo Bộ trưởng Illa, Tây Ban Nha đã tiêm phòng hơn 581.000 liều của vaccine Pfizer cho người dân và chiến dịch này đang được tăng tốc.
Cùng ngày, Anh ghi nhận thêm 1.564 ca tử vong, và đây là lần đầu tiên số ca tử vong trong ngày tại Anh vượt mức 1.500 ca. Con số này đã nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Anh lên 84.767 ca.
Thị trưởng thủ đô London, ông Sadiq Khan, bày tỏ "vô cùng lo ngại" khi người dân thủ đô của Anh chỉ được nhận "1-10 số vaccine" phân phối trên toàn quốc. Ông cho biết: "Tình hình ở London rất nghiêm trọng với tỷ lệ nhiễm bệnh đặc biệt cao. Vì vậy, điều quan trọng là những người London dễ bị tổn thương phải được tiếp cận với vaccine càng sớm càng tốt" để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Số liệu của Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) công bố ngày 14-1 cho thấy trong khoảng thời gian từ ngày 8-12-2020 đến 10-1-2021, các khu vực Miền Trung, Đông Bắc, Yorkshire và Đông Nam đã thực hiện được việc tiêm vaccine nhiều nhất. Ngược lại, các khu vực có số liều vaccine được tiêm thấp là miền Đông England, khu vực Tây Nam và đặc biệt là thủ đô London.
Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Antonio Costa cũng thông báo áp đặt trở lại lệnh phong tỏa, sẽ có hiệu lực từ ngày 15-1, bao gồm các biện pháp siết chặt như đã từng thực thi hồi tháng 3 và tháng 4 năm ngoái. Cụ thể, các cửa hàng không thiết yếu, quán cà phê, nhà hàng phải đóng cửa, trừ trường học. Bên cạnh đó, người dân phải ở nhà và có thể ra đường để đi bỏ phiếu vòng đầu tiên trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 24-1 tới. Ông Costa nhấn mạnh từ ngày 17-1 người dân có thể đi bỏ phiếu sớm.
Tương tự, Chính phủ Thụy Sĩ cũng thông báo các biện pháp nghiêm ngặt mới nhằm tránh nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 3 do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra.
Na Uy cũng thông báo sẽ ban hành một số biện pháp hạn chế gắt gao hơn, theo đó mọi người trước khi nhập cảnh phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Bên cạnh đó, những người này cũng phải thực hiện thêm một xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ sau khi vào Na Uy. Những trường hợp vi phạm phải chịu mức phạt 20.000 kroner (tương đương 2.300 USD).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay đã có khoảng 28 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm chủng cho người dân trên thế giới, trong đó phần lớn ở những nước giàu có nhất.
Cụ thể, khoảng 46 nước trên thế giới đã triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19, trong đó 38 nước là những quốc gia có thu nhập cao. Có 5 loại vaccine hoặc các nền tảng nghiên cứu đã được ứng dụng.
Khoảng 46 quốc gia đang triển khai chiến dịch tiêm chủng, nhưng trong số đó chỉ có một quốc gia là nước có thu nhập thấp. Có nhiều người muốn có và cần có vaccine nhưng không thể nhận được nếu chúng ta không bắt đầu chia sẻ theo cách tốt hơn".
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14-1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 17.750 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 38.610 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Myanmar và Malaysia.
Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận tới 11.557 ca COVID-19 và 295 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 869.600 ca và 25.246 ca.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 40 người thiệt mạng. Song nhìn chung, sau giai đoạn đỉnh dịch, tình hình COVID-19 tại Philippines đang hạ nhiệt dần.
Ngược lại, Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 3.337 ca bệnh mới, 15 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.
Myanmar trong 24 giờ qua số ca mắc COVID-19 vẫn ở mức cao, đồng thời ghi nhận thêm 10 ca tử vong. Như vậy, hết ngày 14-1, Myanmar có tổng cộng 132.865 người nhiễm virus SARS-Cov-2, trong đó có 2.912 người không qua khỏi.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng. Nước này trong ngày đã ghi nhận 2 ca tử vong mới vì đại dịch.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 38.611 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 362 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.717.424 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.468.261 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Lào, Timor Leste và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 14-1.
Theo THANH TUẤN (Báo Tin tức )