Bóng chuyền hơi cũng gần giống như bóng chuyền truyền thống, là môn thể thao phong trào mang tính tập thể, dễ chơi, dễ tập luyện, phù hợp mọi độ tuổi. Đây cũng là môn thể thao phù hợp điều kiện cơ sở vật chất, sân bãi khu dân cư, bởi diện tích sân vừa phải, có thể chơi tại sân nhà văn hóa, sân trường học, sân cơ quan, công viên…
So với các môn thể thao khác, chi phí đầu tư cho bóng chuyền hơi không nhiều, chỉ cần bộ lưới và trái bóng cao su. Bóng chuyền hơi không phức tạp, không đòi hỏi thể lực, tốc độ hay sức mạnh cơ bắp, lại ít gây chấn thương... nên ai đủ sức khỏe đều có thể tham gia tập luyện. Bóng chuyền hơi không có động tác kỹ thuật khó, nhưng lại tạo cho người chơi sự uyển chuyển, linh hoạt, tăng vận động dẻo dai cho cơ, khớp gối.
Chung kết bóng chuyền hơi Hội thao công nhân viên chức, lao động tỉnh (Ảnh: THANH HÙNG)
Luật chơi của môn bóng chuyền hơi tương đối đơn giản. Mỗi đội gồm 5 thành viên, thi đấu trên sân dài 12m, rộng 6m. Lưới dài 7m (cao khoảng 2m đối với nữ và 2,5m đối với nam). Trái bóng chuyền hơi được làm bằng cao su, màu vàng hoặc màu da cam.
Theo luật thi đấu, mỗi đội được phép chạm bóng tối đa 3 lần trước khi đưa sang sân đối phương. Một người chơi không được phép chạm bóng 2 lần liền. Bất cứ người nào ở hàng sau cũng có thể đánh bóng tấn công, bất kể trái bóng ở độ cao nào. Nhưng khi bật nhảy đập bóng, chân không được dẫm hoặc vượt vạch 2m, nếu không sẽ bị tính lỗi. Mỗi trận đánh 3 hiệp thắng 2, mỗi hiệp đánh 21 điểm.
Chị Trần Thị Lan Anh (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Tôi rất thích thể thao. Trước đây, tôi đánh cầu lông, nhưng từ khi được bạn bè rủ chơi thử, tôi đã chuyển sang đánh bóng chuyền hơi. Cứ tan làm ở công ty là tôi ra sân cùng mọi người luyện tập”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Lài (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Thời gian đầu mới chơi bóng, tôi chỉ mong đánh được bóng qua lưới sang sân đối phương là được. Mặc dù đường bóng vụng về, chưa đẹp, chưa chính xác, nhưng mỗi lần đánh bóng hỏng hoặc có người ghi được bàn thắng là cả sân lại rộ lên tiếng cười sảng khoái. Càng chơi, càng hứng thú tập luyện, càng học được nhiều kỹ thuật mới để làm chủ trái bóng và đường chuyền”.
Buổi chiều, tại công viên, sân trường… không khí tập luyện, giao lưu bóng chuyền hơi luôn sôi nổi với những cú chuyền, đường đẩy hay pha cứu bóng đẹp. Và cũng có cả âm thanh nuối tiếc khi phán đoán hụt đường chuyền, xen lẫn tiếng reo hò của cổ động viên.
Chị Lê Thị Trúc Đào (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Cứ vào buổi chiều rảnh, tôi cùng các bạn ra sân tập luyện. Sức khỏe tôi ngày một tốt hơn, tinh thần phấn chấn, vui tươi, bệnh tật cũng giảm đi nhiều. Đây không chỉ là môn thể thao giúp rèn luyện sức khỏe, mà còn đưa mọi người đến gần nhau hơn. Nên dù bận rộn đến mấy, tôi cũng sắp xếp thời gian tham gia”.
Bóng chuyền hơi còn giúp cải thiện độ nhạy bén, sự uyển chuyển, linh hoạt. Trần Thị Hồng Nhung (huyện Phú Tân) chia sẻ: “Trái bóng được làm bằng cao su, nên người chơi dễ dàng xử lý một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển, linh hoạt. Đặc biệt, phát bóng, tâng bóng, đập bóng không tốn nhiều sức, không bị đau tay. Tập bóng chuyền hơi một thời gian, sức khỏe và thể lực của tôi tăng lên nhiều”. Ngoài ra, chơi bóng chuyền hơi còn giúp người tập giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi.
Chị Nguyễn Thị Thúy Nhi (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi chơi môn bóng chuyền hơi. Cảm giác chơi bóng chuyền hơi nhẹ nhàng mà vui nhộn, rất thích hợp cho chị em phụ nữ và người lớn tuổi. Môn thể thao này giúp thư giãn tinh thần và rèn luyện sức khỏe”.
Hiện nay, bóng chuyền hơi là môn thể thao đang lan tỏa trong phong trào thể dục - thể thao quần chúng, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Bóng chuyền hơi còn trở thành nội dung thi đấu từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Trong khuôn khổ giải đấu thể thao, hội thao, ngày hội, đại hội thể dục - thể thao các cấp, bên cạnh môn thi đấu khác, bóng chuyền hơi được nhiều ngành, địa phương đưa vào, làm phong phú thêm hoạt động thể dục - thể thao tại cơ sở, góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
TRỌNG TÍN