Thêm quyền lợi cho người lao động

02/06/2022 - 06:29

 - Mô hình “3 an” là một trong những cách làm nhằm tiếp tục thể hiện sự đổi mới hoạt động của tổ chức công đoàn, hướng đến sự gắn kết, đồng hành hiệu quả giữa 3 bên: “Công đoàn - người lao động (NLĐ)- doanh nghiệp (DN)” để đem đến sự an tâm, an toàn, an ninh.

Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang trao đổi với doanh nghiệp về mô hình “3 an”

Hiện nay, toàn tỉnh An Giang có 217 công đoàn cơ sở (CĐCS) DN với gần 48.000 đoàn viên/54.000 công nhân lao động. Phần lớn các CĐCS hoạt động ngày càng thực chất, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Tuy nhiên, tại một số CĐCS DN vẫn còn tình trạng hoạt động mờ nhạt, hành chính, thụ động. Một số CĐCS chưa phát huy hết vai trò của ban chấp hành trong thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động đôi lúc chưa kịp thời, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp lao động và đình công, ngừng việc tập thể…

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân. Trong đó có một phần do kỹ năng hoạt động cán bộ công đoàn tại DN còn hạn chế, nhất là kỹ năng khảo sát, nắm bắt, thương lượng, đối thoại tại nơi làm việc… Thực trạng đó dẫn đến lúng túng khi triển khai, tổ chức các hoạt động công đoàn. Cán bộ công đoàn chưa mạnh dạn trao đổi với người sử dụng lao động, chưa thu hút được sự tham gia tích cực của NLĐ vào các hoạt động công đoàn cũng như sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chủ DN đối với tổ chức công đoàn.

Vì vậy, để tiếp tục hướng dẫn, nâng chất hoạt động công đoàn tại DN, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện mô hình “3 an” (an toàn - an tâm - an ninh). Mô hình sẽ được tổ chức công đoàn tại DN phối hợp chủ DN tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm gắn liền quyền lợi, lợi ích của đoàn viên, NLĐ cùng giải pháp cụ thể để tạo dựng môi trường làm việc hiệu quả. Mô hình “3 an” sẽ được triển khai thực hiện đồng loạt tại 217 DN trong tỉnh có tổ chức công đoàn. Năm 2022, mô hình thực hiện thí điểm tại 3 CĐCS DN có đông lao động, gồm: Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm, Công ty TNHH may mặc Lu An (thuộc Công đoàn khu công nghiệp tỉnh) và Công ty TNHH MTV Vỹ Thịnh (thuộc LĐLĐ huyện Phú Tân).

Đơn vị tiên phong triển khai thực hiện là Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm. Bà Phạm Thị Bích Thủy (Phó Giám đốc công ty) cho biết, về “an toàn”, “an ninh”, nhiều năm nay DN đã làm tốt công việc này và được Công an tỉnh khen thưởng đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự. Vì vậy, thực hiện mô hình “3 an”, Ban Giám đốc công ty nhận thấy sẽ góp phần vào hoạt động sản xuất- kinh doanh thêm hiệu quả. Còn với tổ “an tâm”, lâu nay công ty đã có sự chăm lo nhưng chưa có tổ chức chính thức để làm cầu nối giúp NLĐ gửi tâm tư, nguyện vọng đến Ban Giám đốc và công đoàn.

“Chúng tôi cho rằng, mô hình này rất thiết thực và hỗ trợ mục đích vừa chăm lo đời sống cho NLĐ, vừa đảm bảo an ninh trật tự ở DN. Đồng thời, trong quá trình sản xuất, DN được đảm bảo an toàn nhất, không để xảy ra tai nạn lao động. Agimexfam rất quyết tâm thực hiện mô hình này. Qua việc thành lập 3 tổ cụ thể, mong muốn thời gian tới được LĐLĐ tỉnh hướng dẫn để thực hiện có hiệu quả, các anh chị tham gia nhiệm vụ mới sẽ hăng say trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” - bà Thủy chia sẻ.

Theo Trưởng ban Chính sách Pháp luật - Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh An Giang) Trần Lưu Phong, trước mắt, mô hình triển khai tại cơ sở với tinh thần DN trực tiếp làm và LĐLĐ tỉnh theo sát hỗ trợ. Gắn liền với từng nội dung, LĐLĐ tỉnh đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với công đoàn cấp trên cơ sở, CĐCS, đề xuất các giải pháp đối với người sử dụng lao động cũng như phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ trong quá trình triển khai thực hiện mô hình. Sau 1 năm thí điểm, tỉnh sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng thêm ở các DN trên địa bàn.

 Theo chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh An Giang, mô hình khi triển khai ở cơ sở phải phù hợp về nội dung, nhu cầu, đặc thù ngành nghề, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh của các DN. Đặc biệt đảm bảo được tính thực chất, hiệu quả, tránh qua loa, hình thức.

Khi đưa mô hình vào cơ sở, công đoàn tại DN sẽ phối hợp cùng chủ DN thực hiện các nội dung tập trung vào đời sống, việc làm, tư tưởng của đoàn viên, NLĐ. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp thiết thực, phù hợp, góp phần tạo nên môi trường làm việc ổn định, đảm bảo đời sống, an tâm về tư tưởng với những nhiệm vụ cụ thể.

Tranh thủ sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp công đoàn, LĐLĐ tỉnh An Giang chỉ đạo CĐCS đề xuất, phối hợp chủ DN tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện mô hình “3 an” tại đơn vị. CĐCS phải nâng cao vai trò, tạo niềm tin, sự tín nhiệm của NLĐ, người sử dụng lao động đối với công đoàn.

Nội dung của mô hình “3 an”: “An tâm” là công đoàn góp phần tạo sự ổn định về việc làm, thu nhập và tư tưởng của NLĐ trong quan hệ lao động tại DN; “An toàn” là đảm bảo về sức khỏe, an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm cho NLĐ; “An ninh” là xây dựng môi trường làm việc ổn định, an toàn, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội cho NLĐ, tạo điều kiện cho DN hoạt động thuận lợi.

MỸ HẠNH