'Thí sinh cần tỉnh táo đăng ký nguyện vọng, ngành hot chưa chắc có việc làm tốt'

14/04/2021 - 10:02

Các chuyên gia khuyên thí sinh cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng ký nguyện vọng, không nên chạy theo ngành học hot mà quên đi sở thích cá nhân.

Hơn 10 ngày nữa, các thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021. Nhiều thí sinh băn khoăn về việc nên chọn lựa ngành học theo sở thích hay theo xu hướng để được công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Chạy theo ngành học hot?

Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Phó trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những ngành nghề được coi là "hot" hấp dẫn thí sinh nhiều khi chỉ là cảm tính, không chuẩn xác. 

Ông Thảo khuyên thí sinh hãy nghĩ đến sở trường của mình, đến ngành, nghề mà mình thích để có lựa chọn đăng ký nguyện vọng. Thí sinh không nên bị ảnh hưởng bởi tâm lý số đông một cách cảm tính. Vì khi chọn đúng nghề là sở trường, các em sẽ dễ thành công hơn một ngành xa lạ chỉ để không bị mang tiếng là tụt hậu.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - trưởng phòng chính trị và công tác sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, thí sinh chọn ngành học cảm tính theo số đông sẽ rất rủi ro. 

Bởi ngành được coi là "hot" hôm nay nhưng có thể sẽ hết "hot" trong khoảng từ 4 đến 5 năm tới khi thí sinh ra trường, khi ấy xu hướng việc làm sẽ biến đổi rất nhiều. Nhất là trong bối cảnh có những tác động đến cơ cấu ngành nghề và thị trường nhân lực hiện nay thì càng không nên chạy theo độ "hot" của các ngành mới.

Nhiều thí sinh quá quan tâm đến một số ngành được xem là "hot" nhưng lại không biết lĩnh vực ngành nghề nào sẽ "bùng nổ" trong tương lai gần. Ví dụ ngành quản trị du lịch - khách sạn sẽ được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới và có tiềm năng lớn trong việc thu hút nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. 

Hoặc nhiều ngành cơ hội nhân lực sẽ lớn tương ứng với sự quan tâm nhiều hơn trong tương lai như ngành công tác xã hội, tâm lý, quản lý du lịch - khách sạn. Đây cũng là những ngành thường có điểm chuẩn tương đối cao trong những năm gần đây.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

TS Lê Đình Nam, Phó trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện có rất nhiều ngành nghề và các trường đào tạo khác nhau, nhưng không phải thí sinh nào cũng có hiểu biết đầy đủ về ngành nghề đó trước khi đăng ký xét tuyển.

Nhìn chung, phần lớn các thí sinh chưa có đủ thông tin về các ngành nghề trước khi đăng ký xét tuyển. Nhiều em khi tìm đến các thầy cô để tư vấn chưa hề có bất cứ một thông tin hay định hướng ngành nghề nào. 

Vị chuyên gia khuyên thí sinh, nên chọn ngành rồi mới chọn trường. Trong các khối ngành, nên chia nhỏ thành các khối ngành chính, trong các khối ngành chính chọn ra ngành mà mình yêu thích, có năng thiếu…

Sau khi chọn ngành, thí sinh cần tìm hiểu về các cơ sở đào tạo ngành này để chọn ra các trường phù hợp về năng lực bản thân, điều kiện tài chính, chất lượng đào tạo…

Đồng thời, theo quy định của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn các ngành không đổi theo thứ tự nguyện vọng, cơ hội của các thí sinh 1 ngành ở nguyện vọng 1 và một thí sinh đăng ký ở nguyện vọng thứ 10 là như nhau. Do đó, khi đăng ký nguyện vọng thí sinh cần cân nhắc sắp xếp những nguyện vọng thích hơn ở phía trên, những nguyện vọng ít thích hơn ở phía dưới.

“Khi các em thi xong, đạt kết quả tốt, cần tiếp tục theo dõi dự báo điểm chuẩn của các trường. Nếu ngành đó trường dự báo 26 điểm, các em được 25 điểm có thể vẫn có cơ hội, nhưng nếu chỉ được 21, 22 điểm, thì các em nên thay đổi nguyện vọng để tăng khả năng đỗ”, tiến sĩ Nam lưu ý.

Cân nhắc kỹ khi chọn ngành

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) lưu ý, thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào trường nào thì phải vào trang web của đúng trường đó để đọc kỹ thông tin về phương thức xét tuyển, những điều kiện khi đăng ký xét tuyển.

Các em có thể đăng ký nhiều nguyện vọng. Điểm mới trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển là ngoài đăng ký trên phiếu, sẽ có thể đăng ký online ở nơi có đủ điều kiện công nghệ thông tin.

Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng 3 lần và được điều chỉnh nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến để chủ động hoàn toàn việc xếp thứ tự ưu tiên và mã ngành, trường, tránh sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh.

Về độ khó của đề thi năm nay, ông Hùng cũng cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu nhằm mục đích xét tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông. Nhưng đề thi vẫn có độ phân hóa để hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng xét tuyển bằng hình thức sử dụng kết quả thi. 

Ngoài ra các trường sẽ đồng thời có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau để đảm bảo tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Trong đó các trường có thể sử dụng kết quả thi theo tổ hợp nhiều môn thi hoặc 1 môn thi kết hợp với việc xét tuyển dựa vào học bạ hay chứng chỉ tiếng Anh.

Ông Hùng cũng cho biết, một điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp năm nay là phần thi ngoại ngữ sẽ có 7 thứ tiếng, trong đó lần đầu tiên tiếng Hàn sẽ được đưa vào thi.

Theo HÀ CƯỜNG (VTC News)