Thích ứng với “bình thường mới”

17/02/2022 - 03:05

 - Khi làn sóng của dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều thói quen, phong tục, tập quán của người dân ngày Tết phải gác lại. Những điều chỉnh này là cần thiết để thích ứng linh hoạt, an toàn trong điều kiện “bình thường mới”.

Thay đổi để thích ứng với “bình thường mới”

Bất cập chuyện đến trường

“Bình thường mới” là xã hội chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn khi sống chung với dịch bệnh. Nhiều hoạt động đã được mở lại bình thường nhưng phải chú ý phòng, chống dịch, thay đổi để thích nghi với trạng thái mới, cuộc sống mới, bỏ những thói quen cũ không phù hợp. Thích ứng với dịch COVID-19, tức là chấp nhận có số ca mắc COVID-19 nhất định trong cộng đồng, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh, học tập, sinh hoạt không bị gián đoạn.

Trong dịp Tết, người lớn lũ lượt đi chơi, tập trung ở những nơi đông người, chen lấn, chờ đợi để “check-in”, ăn uống vô tư. Nhưng khi có chủ trương cho học sinh đi học trực tiếp trở lại, nhiều phụ huynh khẳng định chắc nịch: “Khi nào hết dịch, tôi mới cho con đến trường”. Nhưng bao giờ hết dịch COVID-19 là câu hỏi không lời đáp.

Chị N.D. đứng ở “2 vai”, vừa là giáo viên dạy cấp 3, vừa là phụ huynh có con học cấp 2, bày tỏ: “Dịp Tết, có rất nhiều phụ huynh dẫn con đi chơi nhưng bỏ quên chuyện “5K” đối với con cháu của mình. Tư duy cực đoan kỹ lưỡng ở chỗ này nhưng lơ là ở chỗ khác thì kết quả cũng không được như mong đợi. Thời gian qua, có thể thấy cả giáo viên, phụ huynh và học sinh phải nỗ lực hết sức để duy trì việc học bằng hình thức trực tuyến, trong đó phải thừa nhận còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Chuyện học sinh bị nhiễm COVID-19 sau khi đi học trực tiếp trở lại, chủ yếu ghi nhận ở một số tỉnh phía Bắc, các vùng dịch mức độ 3, 4. Chúng ta cần nắm rõ thông tin, cân nhắc đối với giải pháp của địa phương, ngành giáo dục và xem xét trên điều kiện thực tế tại chỗ hơn là “bàn ra” về vấn đề này. Phải thừa nhận rằng, dạy trực tiếp mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, cả về kiến thức, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội”.

“Khác với học sinh các lớp trên, đối tượng học sinh tiểu học đòi hỏi sự tương tác nhiều hơn giữa thầy, trò, bạn bè. Học sinh học trực tuyến (online) quá lâu dẫn đến “lỗ hổng” kiến thức và một số kỹ năng, thụ động giao tiếp, lười đến trường… Với học sinh tiểu học, khi đến trường chủ yếu tiếp xúc giáo viên, bạn bè cùng lớp, tính ra còn an toàn hơn so với cùng cha mẹ đi chơi, ăn uống bên ngoài” - thầy N.T. (giáo viên tiểu học) nhận định.

Trong khi đó, chị T.K.H (viên chức nhà nước) mong muốn trẻ mầm non cũng được học trực tiếp. “Tôi có 2 con nhỏ 5 tuổi và 3 tuổi, phải gửi về quê cho mẹ trông coi vì trường mẫu giáo chưa mở cửa. Con cái xa cha mẹ, mối quan hệ tương tác, giáo dục cũng bị ảnh hưởng. Dù chưa tiêm vaccine nhưng nếu cho trẻ đến trường, tôi luôn sẵn sàng bởi mỗi lớp học mầm non gần như chỉ khép kín trong vài chục trẻ” - chị H. bày tỏ.

Nâng cao ý thức

Sau thời gian bùng phát đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, đến nay dịch bệnh gần như được kiểm soát. Dù biến thể Omicron vẫn còn lây lan nhanh nhưng với việc bao phủ vaccine, có thuốc điều trị, triển khai mạnh mẽ việc cách ly, điều trị tại nhà, COVID-19 không còn đáng sợ.

Sau 2 năm ứng phó dịch bệnh, hệ thống y tế cả nước đã có nhiều kinh nghiệm điều trị ca nặng. Trong khi đó, việc cách ly, điều trị F0 tại nhà đã được xã hội chấp nhận, phát huy hiệu quả, giúp bệnh nhân sớm phục hồi. Tâm lý “phân biệt đối xử” người mắc COVID-19 đã không còn… Trên cơ sở kiểm soát dịch bệnh, các địa phương dần mở cửa tất cả các hoạt động đi lại, giao thương, phục hồi sản xuất - kinh doanh, đảm bảo đời sống dân sinh. Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Dịp Tết vừa qua, các địa phương không cách ly người về quê ăn Tết, thay vào đó là hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, gồm: Thực hiện thông điệp “5K”, tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 (sốt, ho, khó thở...) thì hạn chế tiếp xúc, hạn chế đi lại, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, từ ngày 29-1-2022 đến 28-2-2022, cả nước tổ chức chiến dịch “Tiêm chủng vaccine thần tốc mùa xuân năm 2022” cho toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định hoặc đến thời gian tiêm vaccine phòng COVID-19. Dấu ấn đặc biệt là dịp Tết năm nay, lượng du khách tham quan, du lịch gia tăng rất cao so cùng kỳ năm trước và là tín hiệu lạc quan của ngành du lịch đang hồi phục.

Người dân dễ dàng di chuyển nhiều nơi, mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ ăn uống, giải trí… cơ bản phục hồi, tạo tâm lý phấn khởi trong nhân dân. “Rất mừng là An Giang cùng với cả nước đã kiểm soát được tình hình, đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”. Gia đình tôi đi du lịch nhưng luôn tuân thủ thông điệp “5K”, cố gắng thực hiện tốt các yêu cầu để đảm bảo an toàn cho gia đình và cộng đồng” - anh Trương Thanh Tùng (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

MỸ HẠNH - HỮU HUYNH