Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung chưa thể khôi phục niềm tin toàn cầu

13/12/2019 - 20:04

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross gần đây cho rằng thỏa thuận thương mại sơ bộ với Trung Quốc sẽ có thể giải quyết bất ổn toàn cầu. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều hơn thế để đảo ngược hậu quả của tình trạng phi toàn cầu hóa mà nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump gây ra.

Quốc kỳ của Trung Quốc và Mỹ bên ngoài một khách sạn ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP-TTXVN

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), khi được hỏi niềm tin kinh doanh quốc tế và đầu tư phải mất bao lâu mới hồi phục sau cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump phát động, kể cả sau khi đã đạt thỏa thuận giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Wilbur Ross trả lời: “Tôi lạc quan có lý do… Mọi người lo lắng cuộc tranh cãi thương mại này sẽ kéo dài hàng năm và gây bất ổn. Nếu chúng ta giải quyết giai đoạn một, mọi người sẽ bình tĩnh vì họ thấy mọi việc sắp kết thúc”.

Tuy nhiên, theo nhà báo Anthony Rowley của SCMP, mặc dù chứng khoán Mỹ và thế giới đã lập kỷ lục mới trong ngày 12-12 (theo giờ địa phương) sau thông tin Mỹ và Trung Quốc đã được thỏa thuận thương mại "giai đoạn một", nhưng đó chỉ là phản ứng tức thời. Hậu quả của chiến tranh thương mại mà Tổng thống Trump phát động mới chỉ bắt đầu xuất hiện. Thương mại quốc tế đang đổ vỡ và toàn cầu hóa đang bị đảo ngược.

Theo Viện Tài chính Quốc tế (Mỹ), lượng hàng hóa nhập khẩu đã giảm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định kinh tế toàn cầu đang suy giảm đồng bộ. Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho rằng chiến tranh thương mại hai bên cùng thua đang làm tổn hại sự ổn định kinh tế toàn cầu và tăng trưởng tương lai. 

Bất chấp các nhận định trên, Chính quyền Mỹ tiếp tục tỏ ra lạc quan và tự tin rằng niềm tin sẽ trở lại sau khi đạt thỏa thuận ban đầu.

Chú thích ảnh

Các container hàng Trung Quốc chờ bốc dỡ tại cảng Long Beach, Los Angeles (Mỹ) tháng 9-2018. Ảnh: AFP-TTXVN

Một nhà kinh tế cấp cao tại một viện đa phương ở Washington nhận định: “Nhiều người nghĩ rằng ‘giai đoạn một’ không thể xóa bỏ đáng kể bất ổn do căng thẳng thương mại gây ra. Kênh chính mà căng thẳng thương mại ảnh hưởng tới nền kinh tế thực là thông qua sự bất ổn và niềm tin hơn là thông qua ảnh hưởng thương mại trực tiếp”.

Nhận xét về hậu quả mà thương chiến gây ra với niềm tin kinh doanh và đầu tư, Bộ trưởng Thương mại Ross nói: “Tôi cho rằng không đúng khi chỉ đổ lỗi cho đàm phán Mỹ-Trung gây ra suy giảm kinh tế. Châu Âu có rất nhiều điểm yếu kém kinh tế cơ bản và rất nhiều bất ổn nảy sinh từ Brexit. Ta cũng có bất ổn ở một số nước Mỹ Latinh”.

Tuy nhiên, tình trạng tan rã nhanh chóng của tiến trình toàn cầu hóa kinh tế bắt đầu xảy ra từ khi Mỹ đột ngột rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiếp đó là việc Ấn Độ rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Theo nghiên cứu của UNCTAD công bố ngày 5-11, mức thuế cao mà Mỹ áp đặt với Trung Quốc đều làm tổn thương kinh tế hai nước cho dù họ chuyển hướng xuất khẩu sang các nước khác. Người tiêu dùng Mỹ và các nhà xuất khẩu Trung Quốc là hai bên thua thiệt nhất trong chiến tranh thương mại.

Nghiên cứu mới công bố của Michael Witt, giáo sư chiến lược và kinh doanh quốc tế tại trường kinh doanh quốc tế Insead nhận định rằng quá trình phi toàn cầu hóa đang gây ra nhiều tác hại và xu hướng này sẽ tiếp tục.

Chú thích ảnh

Nhân viên tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX-TTXVN

Theo đó, toàn cầu hóa đã chậm lại trong hơn chục năm qua. Từ năm 2008, thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm dần dần, quy định và luật lệ kinh doanh toàn cầu ngày càng bị thắt chặt. Thế giới có thể vẫn tiếp tục con đường này.

Có nhiều quan điểm về cách xu hướng này diễn ra. Theo những người ủng hộ chủ nghĩa tự do, thế giới phi toàn cầu hóa có thể là sự chắp vá nhiều liên kết kinh tế dưới dạng thỏa thuận thương mại song phương và khu vực. Điều này có thể khiến các khối kinh tế xuất hiện trở lại với đồng tiền và quy định thương mại riêng.

Với những người theo chủ nghĩa thực tế, kết quả có thể tương tự Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ sẽ mất vị thế bá chủ toàn cầu nhưng vẫn đủ mạnh để đối phó với Trung Quốc. Hoặc là Trung Quốc có thể trở thành cường quốc toàn cầu mới. Đồng Nhân dân tệ thay thế USD là đồng tiền dự trữ và các thể chế do Trung Quốc thành lập sẽ thay thế các thể chế hiện nay.

Tầm hoạt động của các công ty đa quốc gia sẽ suy giảm đáng kể. Rủi ro và chi phí kinh doanh quốc tế sẽ tăng mạnh. Các công ty châu Âu có thể chịu thua trước đòi hỏi thương mại của Mỹ chứ không muốn đối mặt với sự bá chủ toàn cầu của Trung Quốc.

Cho dù kịch bản nào xảy ra thì quá trình phi toàn cầu hóa sẽ có ảnh hưởng lớn và đắt giá với hoạt động đa quốc gia. Do đó, sẽ không có cuộc chiến thương mại đôi bên cùng có lợi như Tổng thống Trump nghĩ.

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin Tức)