Nhiều quy định mới về công chứng

07/07/2025 - 14:09

Sẽ chứng thực chữ ký người dịch; thêm các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở; chụp ảnh công chứng viên chứng kiến việc ký văn bản... là những quy định mới của Luật Công chứng 2024.

Luật Công chứng 2024 và Nghị định 104/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 với nhiều quy định mới mà người dân cần biết:

Quy định rõ các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở

Đối với thủ tục chung về công chứng giao dịch, Luật Công chứng 2024 bổ sung một số loại giao dịch về bất động sản mà khi thực hiện công chứng thì không phải theo thẩm quyền địa hạt phù hợp với tính chất của giao dịch (Điều 44); bổ sung quy định cho phép người yêu cầu công chứng được thỏa thuận với tổ chức hành nghề công chứng về thời hạn công chứng trong một số trường hợp cụ thể để vừa bảo đảm quyền của người yêu cầu công chứng vừa không tạo sự cứng nhắc trong thủ tục công chứng (khoản 2 Điều 45).

Đáng chú ý, luật quy định rõ hơn về các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở để vừa bảo đảm nguyên tắc công chứng tại trụ sở vừa tạo sự linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn (khoản 2 Điều 46)...

Theo đó, Điều 46 Luật Công chứng 2024 và Điều 43 Nghị định 104 quy định, việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nếu người yêu cầu công chứng thuộc các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, lập di chúc tại chỗ ở theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Thứ hai, không thể đi lại được vì lý do sức khỏe; đang điều trị nội trú hoặc bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế.

Thứ ba, đang bị tạm giữ, tạm giam; đang thi hành án phạt tù; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Thứ tư, có lý do chính đáng khác theo quy định của Chính phủ.

cong-chung-viet-9898.jpg

Người dân làm thủ tục công chứng tại Văn phòng Công chứng Việt, thành phố Hà Nội. (Ảnh: THU HẰNG).

Chụp ảnh công chứng viên chứng kiến việc ký văn bản

Điều 50 Luật Công chứng 2024 quy định người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào từng trang của giao dịch trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên, trừ trường hợp đặc biệt do luật định.

Lần đầu tiên, Luật Công chứng quy định việc ký văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên phải được chụp ảnh và lưu trữ trong hồ sơ công chứng.

Tương tự, trường hợp việc điểm chỉ được thực hiện thay cho việc ký thì ảnh chụp công chứng viên chứng kiến việc điểm chỉ.

Nghị định 104 hướng dẫn ảnh chụp phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: Nhận diện được người ký văn bản công chứng và công chứng viên thực hiện việc công chứng; rõ ràng, sắc nét, không dễ bay màu hoặc phai mực; không được cắt ghép, chỉnh sửa, thêm, bớt chi tiết hoặc bối cảnh; được in màu hoặc đen trắng trên giấy A4; trường hợp sử dụng giấy in ảnh chuyên dụng thì kích thước ảnh tối thiểu là 13cm x 18cm.

Theo Nghị định, nếu người yêu cầu công chứng không đồng ý chụp ảnh thì công chứng viên có quyền từ chối thực hiện công chứng.

Không công chứng bản dịch, chỉ chứng thực chữ ký người dịch

Luật Công chứng 2024 đã bỏ nội dung công chứng bản dịch ra khỏi phạm vi công chứng. Thay vào đó, bên cạnh việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký cá nhân, Điều 18 luật này quy định một trong những quyền của công chứng viên đó là chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực.

Bản dịch đã được công chứng trước ngày 1/7/2025 tiếp tục có giá trị sử dụng; trường hợp có nhu cầu sử dụng bản dịch thì thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký người dịch.

Người dân có nhu cầu chứng thực chữ ký người dịch có thể thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức hành nghề công chứng…

Để bảo đảm tốt hơn quyền và trách nhiệm hành nghề của công chứng viên, luật quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã chuyển đổi, chuyển nhượng, hợp nhất, sáp nhập và trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã giải thể, chấm dứt hoạt động nhằm cá thể hóa và nâng cao ý thức trách nhiệm cho cả tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên và cá nhân có liên quan.

Theo THU HẰNG (Nhân dân)