Lắng nghe doanh nghiệp
Trước đây, An Giang có mô hình “Cà-phê doanh nhân”, sinh hoạt định kỳ hàng tuần, là nơi cộng đồng DN và Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo sở, ngành gặp gỡ, trao đổi, kịp thời giải đáp ý kiến, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng dịch COVID-19 cùng một số yếu tố khách quan, “Cà-phê doanh nhân” bị gián đoạn suốt thời gian dài.
Thay vào đó, hàng năm, UBND tỉnh tổ chức đối thoại để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của DN. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng tổ chức hội nghị thường niên để DN gặp gỡ, giao lưu, trao đổi. Tuy nhiên, bấy nhiêu là chưa đủ, bởi chưa thể kết nối DN thường xuyên.
Buổi “Cà-phê doanh nghiệp”
Sáng 5/5 vừa qua, tại sân vườn Nhà hàng Thắng Lợi 1 (đường Lê Hồng Phong, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức buổi “Cà-phê doanh nghiệp”, phiên bản mới của mô hình “Cà-phê doanh nhân” trước đây. Đồng hành cùng DN, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan đến dự.
“Tôi thấy mô hình “Cà-phê doanh nghiệp” rất cần thiết, nhưng thay vì tổ chức ngắn ngủi vào buổi sáng hàng tuần thì nên duy trì tổ chức hàng tháng, vào sáng thứ 7 của tuần đầu tiên mỗi tháng, địa điểm là tầng 9 của Nhà khách Văn phòng UBND tỉnh. Không gian thoáng đãng, thời gian tổ chức rộng rãi vào ngày nghỉ cuối tuần, Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo sở, ngành (có gắn bó thường xuyên đến hoạt động của DN) thuận tiện tham dự. Tùy theo chuyên đề, DN có thể thoải mái trình bày ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng. Thường trực UBND tỉnh sẽ lắng nghe, yêu cầu lãnh đạo sở, ngành liên quan giải đáp thắc mắc cho DN. Sau đó, mọi người cùng dùng bữa ăn thân mật, tiếp tục gắn kết, trao đổi với nhau” - ông Nguyễn Thanh Bình gợi mở.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết thêm, lãnh đạo tỉnh sẽ kết nối các tập đoàn, DN lớn cùng tham gia “Cà-phê doanh nghiệp” để ủng hộ kinh phí hoạt động cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đồng thời mở rộng cơ hội kết nối, hợp tác kinh doanh cho cộng đồng DN An Giang.
Ý kiến của ông Nguyễn Thanh Bình được các DN hoan nghênh, dường như tháo gỡ đúng nút thắt của DN lâu nay. Đăng ký tổ chức buổi “Cà-phê doanh nghiệp” đầu tiên theo mô hình mới (dự kiến tháng 6/2023), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang Quách Trọng Dung tài trợ bữa cơm trưa thân mật để gắn kết và đồng hành cùng cộng đồng DN.
Cơ hội phát triển
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, những tháng đầu năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đóng góp tích cực của DN và sự đồng lòng của người dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của An Giang cao hơn bình quân cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2023, GRDP của An Giang tăng 5,33%, còn cả nước tăng bình quân 3,3%; một số tỉnh tăng trưởng âm dù năm 2022 tăng trưởng 2 con số.
Lâu nay, An Giang có 3 điểm nghẽn lớn cản trở phát triển: Hạ tầng giao thông yếu kém; cơ chế, chính sách chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2025, điểm nghẽn đầu tiên, quan trọng nhất là hạ tầng giao thông cơ bản được tháo gỡ.
“Theo kế hoạch, ngày 30/4/2024 khánh thành cầu Châu Đốc, nhưng nhà thầu đang đẩy nhanh thi công vượt tiến độ, cam kết thông xe ngay cuối năm 2023. Cùng với cầu Châu Đốc, tuyến N1 nối Tân Châu (An Giang) - Hồng Ngự (Đồng Tháp) cũng hoàn thành, tạo thành hệ thống giao thông đồng bộ. Đối với tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, nhà thầu cam kết đến ngày 20/8/2023 (kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng) sẽ thông xe kỹ thuật, cuối năm đưa vào sử dụng.
Tỉnh sẽ trích nguồn vốn khoảng 1.000 tỷ đồng xây dựng tuyến tránh nối lên ngã 3 Lộ Tẻ, hạn chế luồng giao thông đi qua trung tâm thị trấn An Châu, tạo động lực cho trung tâm huyện Châu Thành phát triển. Trong khi đó, Tỉnh lộ 945 nối xuống tỉnh Kiên Giang cũng hoàn thành, tạo thuận lợi giao thông lớn” - ông Nguyễn Thanh Bình thông tin.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, một công trình giao thông rất quan trọng khác là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, sẽ khởi công đầu tuyến tại TP. Châu Đốc trước ngày 30/6/2023; dự kiến đưa vào sử dụng năm 2026 (giai đoạn 1). Tỉnh đang quy hoạch, kêu gọi xây dựng các khu công nghiệp ven tuyến cao tốc để kết nối đưa hàng hóa xuống cảng Trần Đề; hiện có một số nhà đầu tư lớn quan tâm. Ngoài ra, 1 tập đoàn đang có kế hoạch đầu tư dự án thương mại, dịch vụ, logistics ở TX. Tịnh Biên, khai thác thế mạnh kinh tế biên giới. Đây đều là những cơ hội lớn cho DN trong tỉnh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp cho biết, tạo điều kiện kết nối kinh doanh, xây dựng “mái nhà chung” cho DN An Giang để tận dụng cơ hội phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh không ngừng đổi mới hoạt động, thu hút đông đảo hội viên tham gia (hiện đạt hơn 300 hội viên) và tích cực đóng góp hội phí.
Mong muốn của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh là được tỉnh hỗ trợ dời trụ sở về hoạt động tại Trung tâm Dạy nghề phụ nữ (cặp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đối diện công viên Nguyễn Du), tạo thuận lợi cho hội viên liên hệ, kết nối và tham gia cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Đề xuất này được Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhất trí, giao các sở, ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ xây dựng “mái nhà chung” cho cộng đồng DN.
“An Giang đã ký kết chương trình hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực với tỉnh Đồng Tháp; đang nghiên cứu ký kết với TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang. Tỉnh cũng ký kết phối hợp với TP. Hồ Chí Minh, nhất là lĩnh vực công thương để tạo điều kiện cho DN An Giang đưa hàng hóa vào tiêu thụ ở thị trường đông dân nhất cả nước. Đây là những cơ hội hợp tác phát triển cho cộng đồng DN trong tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
|
NGÔ CHUẨN