Một lần nữa, Tổng thống Trump lại có một quyết định "gây xáo trộn", không những đi ngược lại bầu không khí đối thoại và hòa giải đang được duy trì trên bán đảo Triều Tiên, mà còn làm sứt mẻ lòng tin chiến lược giữa các bên liên quan, tạo trở lực cho tiến trình giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vốn đang đi đúng hướng.
Quyết định của Tổng thống Trump đã khiến những nỗ lực bền bỉ của các bên trong nhiều tháng qua nhằm hướng tới cuộc gặp lịch sử này trở nên vô nghĩa. Mặc dù vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vốn nổi tiếng là người có những quyết định khác thường, khó đoán, thậm chí "tiền hậu bất nhất", song việc ông hủy cuộc gặp lịch sử nêu trên ngay sau khi Triều Tiên thông báo đã dỡ bỏ hoàn toàn bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi nước này tiến hành toàn bộ 6 vụ thử hạt nhân, động thái được đánh giá là thể hiện rõ rệt thiện chí của Bình Nhưỡng trước thềm cuộc gặp, đang bị coi là hành động thiếu trách nhiệm đối với tiến trình cải thiện quan hệ hai nước nói riêng cũng như đối với mục tiêu thiết lập hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên nói riêng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: EPA/TTXVN
Đặc biệt, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau đó đe dọa dùng biện pháp quân sự với Triều Tiên khi tuyên bố quân đội Mỹ sẵn sàng đáp trả "nếu cần thiết" đối với bất cứ "hành động liều lĩnh" nào của Bình Nhưỡng, đang tạo nguy cơ làm bùng phát những căng thẳng mới giữa hai bên.
Cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều đã được lên kế hoạch diễn ra ngày 12-6 tới được coi là có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và hướng tới nền hòa bình lâu dài tại đây. Ngay từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un bày tỏ sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ và ông Trump tỏ thái độ hưởng ứng, dư luận quốc tế đã hoan nghênh và đặt nhiều kỳ vọng, thậm chí coi đây là sự kiện có thể tạo bước ngoặt cơ bản cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Sự kiện này đặc biệt có ý nghĩa bởi đây là cơ hội đầu tiên để lãnh đạo hai quốc gia thù địch có thể đối thoại trực tiếp, nhất là sau năm 2017 căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang cực độ với những tuyên bố "trút lửa thịnh nộ" và những tuyên bố mang tính đối đầu của hai bên nhằm vào nhau, đẩy bán đảo Triều Tiên cận kề "miệng hố chiến tranh".
Sự kiện mang tính lịch sử này cũng thể hiện thiện chí của nhiều bên nhằm thúc đẩy những diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên, nhằm hướng tới bảo đảm an ninh và mang lại ổn định, hòa bình lâu dài tại khu vực vốn nhiều năm là "điểm nóng" bất ổn của thế giới.
Bởi vậy, không chỉ Mỹ và Triều Tiên, tất cả các bên tham gia vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản đều bày tỏ ủng hộ và tham gia ở các mức độ khác nhau để thúc đẩy và tạo động lực cho sự kiện lịch sử này. Đặc biệt, Hàn Quốc còn coi mình là "cầu nối" cho một thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên với hàng loạt hoạt động ngoại giao con thoi, trong đó có chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Mỹ và gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22-5 để thu hẹp bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên.
Về phần Triều Tiên, nước này đã có rất nhiều động thái "chìa cành ô liu" với Mỹ, điển hình như việc trả tự do cho 3 công dân Mỹ hay dỡ dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Bình Nhưỡng cũng liên tục bày tỏ thái độ sẵn sàng đối thoại để tháo gỡ những vướng mắc cản trở hai bên tiến hành cuộc gặp.
Hành động của Tổng thống Trump cũng "phủ nhận" những nỗ lực của chính Mỹ thời gian qua để xúc tiến cuộc gặp này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng hai lần đến Bình Nhưỡng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, cùng với cam kết hỗ trợ kinh tế của Mỹ nếu Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Mỹ cũng có những điều chỉnh nhất định trong các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên, vốn luôn bị Bình Nhưỡng phản đối, theo hướng giảm quy mô hay số vũ khí tham gia... Bởi vậy, việc ông Trump quyết định từ bỏ "cơ hội vàng" lần này đang khiến dư luận nghi ngờ về sự nghiêm túc của Mỹ đối với cuộc gặp thượng đỉnh, cũng như đối với mục tiêu mang lại hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Sau hàng loạt quyết định gây tranh cãi và bị phản đối mạnh mẽ gần đây như việc chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel về Jerusalem hay rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, có thể nói, Tổng thống Trump dường như lại hành động mà không cân nhắc đến hậu quả. Phần nào đó, chính sách của Tổng thống Trump đối với Triều Tiên phản ánh sự bất đồng gay gắt trong chính nội bộ Mỹ xung quanh vấn đề này khi lực lượng diều hâu ở Mỹ luôn cho rằng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vào lúc này không có lợi cho Washington.
Việc Tổng thống Mỹ hủy cuộc gặp trên cho thấy những mâu thuẫn dai dẳng và sự cách biệt quá lớn về quan điểm giữa Mỹ với Triều Tiên khiến Washington và Bình Nhưỡng khó tìm được tiếng nói chung. Hai bên đặt ra những mục tiêu khác nhau cho cuộc gặp này và có vẻ tính toán của mỗi bên chưa có "điểm trùng", đặc biệt khi cả hai tỏ rõ sẽ không nhượng bộ trong những vấn đề lợi ích cốt lõi.
Xét ở khía cạnh này, đây có thể coi là động thái gây sức ép, tạo áp lực hay "nắn gân" đối thủ trước một cuộc đàm phán chắc chắn là rất khó khăn. Nói cách khác, động thái của Mỹ là "con bài mặc cả" buộc đối phương nhượng bộ. Mới đây, Triều Tiên cũng cảnh báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều để phản đối cuộc tập trận chung Thần Sấm (Max Thunder) của Mỹ và Hàn Quốc cũng như đòi hỏi của Mỹ về việc Triều Tiên phải nhượng bộ và từ bỏ vũ khí hạt nhân vô điều kiện, trong khi Bình Nhưỡng luôn coi vũ khí hạt nhân là phương tiện để bảo đảm an ninh trước mối đe dọa của Mỹ. Hai bên từ đó cũng luôn "lời qua tiếng lại" chỉ trích mạnh mẽ lẫn nhau. Cách hành xử "ăn miếng, trả miếng" một cách cứng rắn giữa Mỹ và Triều Tiên lúc này đã đẩy cả hai rời xa khỏi "cơ hội vàng" của cuộc gặp lịch sử ở Singapore.
Nhìn lại lịch sử, quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên hàng chục năm qua luôn trong trạng thái "nghi kỵ chiến lược" và có thể nói hai bên chưa thể tạo dựng lòng tin. Đây có lẽ cũng là mấu chốt khiến cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên lâm vào bế tắc hàng chục năm qua. Tuy vậy, cả Mỹ và Triều Tiên đều chưa đóng sập cánh cửa đối thoại. Tổng thống Mỹ dù tuyên bố hủy cuộc gặp ngày 12/6 tới, song vẫn để ngỏ khả năng cho một cuộc gặp trong tương lai.
Ngoại trưởng Pompeo cũng khẳng định Mỹ vẫn cam kết đối thoại với Triều Tiên. Về phần mình, Bình Nhưỡng tỏ rõ thái độ mềm mỏng khi khẳng định vẫn sẵn sàng đàm phán với Mỹ bất cứ khi nào. Những thông điệp của cả Mỹ và Triều Tiên phần nào nhen nhóm tiếp hy vọng, dù khá mong manh, về cơ hội cho một "thời khắc đặc biệt" thứ hai sau sự kiện ngày 12-6 đã bị hủy bỏ.
Theo THANH MAI (Báo Tin Tức)