Ngày 16/1, Cục Thể dục thể thao đã có buổi làm việc với ban huấn luyện đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, phụ trách bộ môn thể dục, phòng thể thao thành tích cao I và đại diện Liên đoàn Thể dục Việt Nam.
Buổi làm việc nhằm xác minh thông tin vận động viên Phạm Như Phương tố mình không được gọi lên đội tuyển quốc gia 2024 vì lỗi của huấn luyện viên. Đồng thời cô cũng tố bị chính huấn luyện viên của mình thu tiền thưởng huy chương mà cô giành được.
Thông tin từ buổi làm việc, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao cho biết, qua quá trình làm việc và xác minh, các huấn luyện viên thuộc đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia và đại diện Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội khẳng định không thu phần trăm từ tiền thưởng của các vận động viên dưới bất kỳ hình thức nào và cũng không có chủ trương làm điều đó.
Huấn luyện viên Nguyễn Thùy Dương cũng khẳng định Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội và ban huấn luyện đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia không yêu cầu và thực tế cũng không có chia tiền. Như vậy ban huấn luyện đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia không liên quan đến câu chuyện chia phần trăm tiền thưởng của vận động viên (nếu có).
VĐV Phạm Như Phương từng giành 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng ở SEA Games 31 tại Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Tùng)
Đối với huấn luyện viên Nguyễn Thùy Dương, dù là huấn luyện viên thuộc đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia nhưng là huấn luyện viên trực tiếp của Phạm Như Phương tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội.
Theo quy định, huấn luyện viên Nguyễn Thùy Dương vẫn thuộc sự quản lý của đơn vị chủ quản là Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội. Do đó, việc thu tiền thưởng (nếu có) sẽ là thu của vận động viên thuộc đơn vị chủ quản là Hà Nội, không phải của các vận động viên khác trong đội tuyển quốc gia.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo ngành thể thao, nếu huấn luyện viên Thùy Dương nhận tiền của Như Phương thì phải giải trình rõ số tiền đã nhận từ vận động viên này, như thời gian nhận, hình thức nhận và số tiền và mục đích sử dụng cụ thể.
Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt cho hay: "Do trong thời điểm hiện tại đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia cần tập trung tối đa cho các cuộc thi đấu tại vòng loại, tranh vé dự Olympic Paris 2024 nên đội tuyển sẽ cho thôi tập trung 2 huấn luyện viên của Hà Nội về địa phương để giải quyết các việc có liên quan. Cục Thể dục thể thao sẽ phối hợp làm việc với đơn vị chủ quản của vận động viên Phạm Như Phương và 2 huấn luyện viên của Hà Nội, tiếp tục xác minh làm rõ các vấn đề liên quan".
Ngoài HLV Nguyễn Thùy Dương, HLV còn lại bị tạm thời cho thôi làm nhiệm vụ tại đội tuyển thể dục dụng cụ nữ quốc gia là HLV Nguyễn Hà Thanh (Hà Nội).
Cục Trưởng Đặng Hà Việt khẳng định đây là một vấn đề đặc biệt quan trọng, ban huấn luyện, các trung tâm phải đặc biệt chú trọng, quan tâm tới việc quản lý, rà soát vận động viên đang tập huấn tại đơn vị.
Ban huấn luyện mỗi Đội tuyển Quốc gia cần phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc chấn chỉnh vận động viên nếu có những tư tưởng, sinh hoạt sai lệch.
Cùng với đó, ban huấn luyện cũng phải không ngừng rèn luyện giữ vững bản lĩnh, nghiêm túc trong công tác huấn luyện, không để những vấn đề không hay (gây mất đoàn kết trong nội bộ giữa vận động viên, huấn luyện viên) làm ảnh hưởng tới thành tích thi đấu và sự phát triển của thể thao nước nhà.
Trước đó, ngày 15/1, vận động viên Phạm Như Phương bất ngờ tuyên bố giải nghệ và tố giác việc phải nộp cho huấn luyện viên 10% tiền thưởng huy chương và từ 30-50% tiền thưởng nóng trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, vận động viên 20 tuổi này cũng chia sẻ, cô bất ngờ bị gạch tên trong đợt tập trung đầu năm 2024 vì vắng mặt không phép. Lý do thời điểm đội tuyển duyệt danh sách trùng quãng thời gian cô xin nghỉ phép ra nước ngoài du lịch, thăm bạn bè. Vận động viên này khẳng định đã gửi đơn xin nghỉ phép cho huấn luyện viên ở Trung tâm Hà Nội, nhưng vị này “quên” gửi lên bộ môn của Cục Thể dục Thể thao.
Theo Đảng Cộng Sản