Hoa phong lan phi điệp rừng mang vẻ đẹp thuần khiết
Thú chơi tao nhã
Ở An Giang, loài hoa phong lan giả hạc (phi điệp) rừng được giới chơi lan sưu tầm cách đây vài năm. Ban đầu chỉ vài người ưa chuộng, do hoa nở duy nhất 1 lần trong năm. Thế nhưng, hiện nay phong trào trồng và chơi loài hoa này phát triển khá mạnh, với khoảng 300 chủ vườn lớn, nhỏ ở TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và các huyện: Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Chợ Mới. Anh Nguyễn Cao Chánh (40 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên), một trong những người đi đầu trong trồng hoa lan giả hạc rừng ở An Giang nói rằng, thấy người ta bán loài phong lan giả hạc ven đường, anh mua về trồng thử. Sau này, thấy thân lá hoa lan giả hạc rừng “độc lạ”, anh Chánh đam mê và mạnh dạn đầu tư trồng nhiều. Ngoài việc đầu tư trồng phong lan tại TP. Long Xuyên, anh Chánh còn sở hữu một vườn phong lan giả hạc rừng “độc nhất” ở quê nhà (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc).
Chúng tôi có dịp tháp tùng cùng anh Chánh từ Long Xuyên ngược về Châu Đốc để tìm hiểu cách trồng và chăm sóc những giò phong lan giả hạc rừng nơi đây. Khu vườn rộng hơn 5.000m2 nằm giáp mí với những hộ trồng mai vàng bán Tết. Bằng sự đam mê lan, anh Chánh đã tự thiết kế khu vườn thật lý tưởng ở chốn ven đô này. Trong khu vườn, anh Chánh đào 2 cái ao trải dài, trên bờ trồng dừa xiêm, dưới ao thả cá và nuôi vịt trời. Ngoài ra, anh còn cất một căn nhà lá bằng gỗ đước rất đẹp để nghỉ dưỡng mỗi khi về quê. Ở giữa khu vườn gia chủ dựng một vườn lan, xung quanh hàn sắt thép chắc chắn. Loài phong lan rừng giả hạc rất ưa độ cao, không khí thoáng mát, nên anh Chánh thiết kế khu vườn lan phải đúng kỹ thuật. Trong vườn, cây lan nào cũng to, khỏe, thân lá mượt mà. Thông thường, nếu người chơi giỏi kỹ thuật chăm sóc thì cây lan cao hơn 2m là hết cỡ. Tuy nhiên, đối với những cây lan phi điệp rừng ở vườn nhà anh Chánh, chiều cao vượt trội từ 3-4m và phát triển không ngừng.
Vườn lan rừng của anh Nguyễn Cao Chánh (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc)
Anh Chánh cho biết, cây lan giả hạc đạt đến chiều cao và to như vậy là do tưới nước từ ao trong khu vườn của mình. Bởi, loài hoa lan giả hạc sinh trưởng rất mãnh liệt dựa vào điều kiện tự nhiên, như: mưa, nắng, gió... Nắm được đặc tính này, anh Chánh thiết kế vườn lan trên cao, thông gió và đủ nắng. Trong quá trình quang hợp, hơi nước dưới ao bốc lên, cây lan sẽ hấp thu được dưỡng chất phát triển rất mạnh. Nếu hôm nào nắng gắt, anh Chánh bơm nước từ ao lên để tưới mát cho từng cây lan. Để tránh những cơn mưa dầm, anh Chánh dùng lưới che phía trên vườn lan, đề phòng bệnh thán thư và thối nhũn.
Theo anh Chánh, trước đây, cây mai vàng có giá trị cao và đứng thứ nhất trong “tứ hoa” (mai, lan, cúc, trúc). Tuy nhiên, ngày nay do phong trào chơi lan phi điệp rừng phát triển mạnh và có giá trị tiền tỷ nên loài phong lan phi điệp rừng trở thành loài hoa đứng đầu trong các loài hoa.
Làm kinh tế từ nhánh lan rừng
Để sở hữu vườn lan quý như vậy, anh Chánh đầu tư vốn hàng tỷ đồng. Anh tâm sự, càng trồng càng đam mê, anh lên mạng tìm hiểu những chủ vườn lan uy tín trên mọi miền đất nước. Thấy người ta mạnh dạn xây vườn đầu tư trồng lan rừng giả hạc với số lượng lớn, anh bắt đầu học hỏi, rồi tích lũy kinh nghiệm trồng, chăm sóc lan rừng. Sau khi tính toán, anh quyết định đổ vốn mua đất trồng lan rừng với số lượng lớn. Hàng trăm loài phong lan giả hạc ở các vùng, miền trong nước được anh Chánh sưu tầm, mua về trồng trong sân trước. Khoảng 2 năm nay, thị trường lan đột biến (lan Var) trở nên “hot”. Những lần giao dịch, mỗi cây lan Var trị giá vài trăm triệu đồng cho tới hàng tỷ đồng, thu hút đông đảo giới chơi lan trong, ngoài tỉnh đổ vốn đầu tư. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường trong, ngoài tỉnh, anh Chánh mạnh dạn đầu tư thêm phong lan đột biến để thỏa niềm đam mê và làm kinh tế.
Quán cà phê lan rừng của anh Chánh đang sở hữu nhiều loài hoa lan đột biến có giá trị cao
Không dừng lại ở đó, anh Chánh còn mở quán cà phê lan rừng nhằm kết nối niềm đam mê những anh em trồng lan trong tỉnh. “Mơ ước của tôi bấy lâu nay là mở quán cà phê lan rừng “độc nhất” ở Long Xuyên đã trở thành hiện thực. Trước đây, anh em chơi phong lan giả hạc rừng trong tỉnh còn ít và chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Do đó, phong trào chơi lan rừng ở An Giang chưa thực sự mạnh so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Thông qua quán cà phê lan rừng này, anh em chơi lan xích lại gần nhau hơn…”- anh Chánh tâm sự. Những ngày thứ bảy và chủ nhật, quán cà phê lan rừng của anh Chánh rất đông khách. Hầu hết, họ là những người chơi lan rừng khắp nơi trong tỉnh đến đây chia sẻ, học tập kinh nghiệm chăm sóc lan. Anh Chánh kể: “Lúc mới lập quán, có rất đông anh em đến thưởng thức cà phê và ngắm lan. Thấy quán lan rừng của tui có trồng lan giả hạc 5 cánh trắng Phú Thọ và 5 cánh trắng Hiển Oanh, nhiều khách hỏi mua về sưu tầm ”.
Hiện tại, anh Chánh đang sở hữu hàng chục giống hoa lan giả hạc rừng đột biến, như: 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Hiển Oanh, 5 cánh trắng Chơn Thành, 5 cánh trắng Nha Trang… cùng nhiều giống phong lan khác như: siêu bệt, lá sọc, lá phát tài. Trong tương lai, anh Chánh cùng anh Huỳnh Thanh Hùng (sinh năm 1984, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) tiếp tục sưu tầm thêm những loài lan giả hạc đột biến có giá trị cao để bảo tồn giống lan quý. Đồng thời, duy trì hoạt động quán cà phê lan rừng. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng quán cà phê lan rừng của anh Chánh được hàng trăm anh em chơi lan rừng đến thưởng thức ly trà, cà phê, rồi bàn chuyện trồng và bán lan rừng. Hiện nay, quán cà phê lan rừng của anh Chánh còn là điểm hẹn để giao dịch, trao đổi, mua bán phong lan rừng giả hạc của các nhà vườn trong và ngoài tỉnh. Đây thực sự là điểm đến lý tưởng, lành mạnh đối với giới chơi loài hoa “vua” này.
THÀNH CHINH