Thủ đoạn lừa đảo mới liên quan đến định danh điện tử

01/04/2024 - 06:51

 - Thời gian qua, lực lượng công an phối hợp ngành chức năng đấu tranh, triệt xóa nhiều băng, nhóm, xử lý nhiều đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, loại tội phạm này còn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Gần đây nhất, kẻ xấu bày ra chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng, liên quan đến định danh điện tử.

Ngày 21/3/2024, anh N.T.B (ngụ phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) nhận được cuộc điện thoại từ người lạ. Người gọi tự xưng là cán bộ Công an phường Mỹ Quý, yêu cầu anh định danh điện tử mức 2. Sau khi kết bạn Zalo, người này gửi đường link https://viet.govxc.cc, yêu cầu anh B. sử dụng điện thoại di động (hệ điều hành Android), cài đặt ứng dụng “Cổng dịch vụ công Bộ Công an”, nhằm thuận tiện định danh điện tử mức 2 mà không cần đi lại.

Đồng thời, đối tượng yêu cầu anh chuyển… 6.000 đồng vào tài khoản chỉ định, thực hiện thao tác đăng nhập tài khoản ngân hàng, cung cấp mã OTP, nhận diện vân tay, khuôn mặt… Cuối cùng, anh B. bị chiếm quyền sử dụng điện thoại, mất hết tiền trong tài khoản ngân hàng.

Thượng tá Trương Quang Thái (Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh An Giang) cho biết, đơn vị vừa thông báo, phương thức, thủ đoạn của đối tượng đến các cơ quan báo chí, công an đơn vị, địa phương nắm. Qua đó, đề nghị tuyên truyền, thông báo rộng rãi trong quần chúng Nhân dân.

"Nếu muốn định danh điện tử mức 2, làm thủ tục liên quan đến thuế, người dân trực tiếp đến cơ quan công an hoặc cơ quan thuế gần nhất để được hỗ trợ, hướng dẫn, không thực hiện qua mạng Internet hoặc qua điện thoại. Đặc biệt, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với bất cứ hình thức nào. Khi gặp sự cố, cần trình báo ngay cho công an” - thượng tá Trương Quang Thái nhấn mạnh.

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao

Lãnh đạo Công an TP. Long Xuyên thông tin rõ hơn về thủ đoạn mới này. Cụ thể, đối tượng giả danh công an phường, xã; Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an thành phố, gọi điện báo định danh mức 2 của người dân bị lỗi, không đồng bộ lên cổng dịch vụ công hoặc một số nguyên nhân khác.

Chúng yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, “hứa” chuyển số điện thoại của người dân đến Công an thành phố, đề nghị chú ý nghe điện thoại. Sau đó, có đối tượng khác giả danh Công an thành phố, tiếp tục điện thoại cho người dân, yêu cầu đến trụ sở đơn vị để được hướng dẫn. Đây là chiêu trò nhằm tạo lòng tin cho nạn nhân, vì không ai nghĩ kẻ lừa đảo dám mời nạn nhân đến trụ sở công an.

Khi “con mồi” đã tin tưởng, đối tượng hướng dẫn qua điện thoại, yêu cầu thực hiện một số thao tác (tải app giả danh, truy cập link cung cấp sẵn). Nếu người dân làm theo, đồng nghĩa với việc bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại, bị đánh cắp toàn bộ thông tin cá nhân có liên quan đến tài khoản ngân hàng. Đối tượng nhanh chóng thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân đến tài khoản khác, khi đã đọc được dữ liệu cá nhân và tin nhắn chứa mã OTP.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân chỉ kích hoạt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên CH Play (đối với hệ điều hành Android), App Store (đối với hệ điều hành iOS). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng từ nguồn không chính thống, từ các đường link lạ. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao cảnh giác trước cuộc gọi yêu cầu truy cập đường link, tải ứng dụng về điện thoại cá nhân; sử dụng điện thoại một cách cẩn trọng, an toàn, để bảo vệ tài sản của mình trước thủ đoạn tinh vi của kẻ xấu.

Công an TP. Long Xuyên khẳng định, lực lượng công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân; không hướng dẫn qua điện thoại hoặc tin nhắn. Tổng đài duy nhất hướng dẫn về VNeID của Bộ Công an là 1900.0368. Số điện thoại hướng dẫn VNeID của Công an thành phố là 0693.640299 (Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội). Ngoài ra, khi cần, người dân có thể liên hệ Công an phường, xã gần nhất để được hướng dẫn cụ thể.

Trên địa bàn tỉnh, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, xảy ra 62 vụ tội phạm liên quan đến công nghệ cao, thiệt hại trên 6,3 tỷ đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Chiêu cũ là giả danh nhân viên bưu điện, nhân viên ngân hàng hoặc giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát nhân dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; kết bạn qua mạng xã hội để lừa đảo; thông báo “trúng thưởng may mắn”; lừa mua hàng qua mạng để chiếm đoạt tài sản.

Đầu năm 2024, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh xác minh vụ việc nhóm đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản Facebook “D.Đ.A” chủ động kết bạn với T.T.T.T, nhắn tin làm quen. Sau đó, đối tượng giới thiệu, hướng dẫn T. đăng ký mở cửa hàng bán đồ online trên ứng dụng Fastshops, hình thức đưa đơn hàng. T. thanh toán đơn hàng và sẽ nhận lại được tiền vốn lẫn hoa hồng. Nạn nhân thanh toán 12 đơn hàng, trị giá gần 900 triệu đồng, mà không hề nhận lại được đồng nào.

Có thể thấy, khi bị cơ quan chức năng “vạch trần” thủ đoạn lừa đảo, ý thức cảnh giác của người dân được nâng cao, không mắc bẫy nữa, tội phạm lại nghĩ ra nhiều chiêu trò mới thay thế. Đặc biệt, chúng đánh vào tâm lý tích cực phối hợp hoàn thiện định danh điện tử, giấy tờ cá nhân; vào hiểu biết chưa rõ quy định pháp luật mới của người dân. Do đó, biện pháp hữu hiệu nhất để tránh bị lừa đảo là nâng cao tinh thần cảnh giác đến mức tối đa.

AN KHANG