Thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới

25/07/2024 - 06:44

 - Sự phát triển của công nghệ thông tin kéo theo gia tăng nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới và tinh vi của các đối tượng xấu nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, để không bị sập bẫy lừa đảo.

Lừa đảo trực tuyến là vấn đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Theo số liệu thống kê ngành chức năng, hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng nhắm vào nhiều nhóm đối tượng, như: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng…

Điển hình như, lừa đảo combo du lịch giá rẻ; giả nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; giả danh công ty tài chính, ngân hàng; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; lừa gạt tình cảm, gửi bưu kiện, trúng thưởng; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp để đánh cắp thông tin cá nhân; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện hăm dọa và sử dụng các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân; lừa nạn nhân mua hàng số lượng lớn trên mạng xã hội, sau đó làm giả biên lai chuyển tiền thành công bằng phần mềm; lừa đảo tuyển cộng tác viên “việc nhẹ lương cao”; chiếm quyền đăng nhập vào tài khoản Facebook, Zalo nhắn tin cho bạn bè, người thân hỏi vay tiền…

Bên cạnh đó, các đối tượng xấu còn lợi dụng mạng xã hội tiếp cận, dụ dỗ các bậc phụ huynh có con nhỏ đăng ký ứng tuyển người mẫu nhí, sau đó yêu cầu nạn nhân đóng nhiều loại phí; tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung nhằm tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến; giả mạo các trang sàn thương mại điện tử, như :Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng dùng thủ đoạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng và giả danh người thu hồi nợ để yêu cầu trả lại số tiền; gửi tin nhắn yêu cầu xác thực nhằm chiếm đoạt mã OTP để truy cập tài khoản; tạo trang web giả mạo ngân hàng hoặc dịch vụ trực tuyến với mục đích thu thập thông tin cá nhân của các người dùng Internet…

Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã cảnh báo chiêu trò lừa đảo treo thẻ lạ chứa mã QR trên xe, cửa nhà ở một số địa phương. Cụ thể, thẻ lạ màu vàng có ghi số 50.000 ở mặt trước, thông tin mặt sau hướng dẫn có ghi: "Mệnh giá thẻ này có thể thông qua bằng cách quét mã QR để nhận. Quét mã QR để liên hệ với bộ phận CSKH (chăm sóc khách hàng), sau đó cung cấp tài khoản mật khẩu của thẻ để nhận số tiền tương ứng.

Khi liên hệ với bộ phận CSKH, bạn vui lòng chụp lại ảnh số tiền trên thẻ và tài khoản mật khẩu. Để nhận được số tiền của thẻ, chỉ cần nạp 50K (50.000 đồng) sẽ được tặng 50K". Thủ đoạn dùng thẻ lạ chứa mã QR treo trên xe, cửa nhà để lừa người khác là rất mới. Nếu vô tình quét mã QR có thể khiến điện thoại bị xâm nhập, chiếm quyền điều khiển.

Khi đó, đối tượng lừa đảo sẽ dễ dàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, ngang nhiên sử dụng hình ảnh có trong điện thoại, lấy các thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội… Hình thức lừa đảo mã QR đã nhiều lần xuất hiện các chiêu trò tinh vi khác nhau. Cụ thể, trước đó các đối tượng sẽ tìm cách dán đè mã QR lên các mã QR được chủ các cửa hàng kinh doanh dán sẵn (hay còn gọi là đánh tráo mã QR). Khi khách đến mua hàng, thanh toán, những tưởng chuyển tiền cho chủ quán, nhưng thực chất chuyển đến tài khoản của đối tượng lừa đảo.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân hết sức cẩn trọng khi quét mã QR, cần xác minh kỹ thông tin giao dịch mới thực hiện các bước chuyển tiền trực tuyến. Khi quét mã QR có đưa tới đường link lạ, cần phải kiểm tra kỹ mới quyết định thực hiện các thao tác tiếp theo. Cần xác định, kiểm tra kỹ thông tin tài khoản người trao đổi mã QR, kiểm tra kỹ nội dung trang web mà mã QR đưa tới. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội… và phải xác thực 2 yếu tố, sử dụng các phương thức bảo vệ khác cho các loại tài khoản đang sử dụng.

Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng thì mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng xã hội. Cần cảnh giác với các cuộc gọi lạ, nhất là các đối tượng tự xưng là cán bộ các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin căn cước công dân, tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không có trách nhiệm, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ số điện thoại lạ gọi đến. đồng thời, tích cực tuyên truyền cho người thân, cộng đồng biết về các hình thức, thủ đoạn lừa đảo trên. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

TRỌNG TÍN