Các Sở Giao thông vận tải cũng chấn chỉnh nhắc nhở đối với gần 250.00 phương tiện có vi phạm tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu.
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, hàng tháng Cục đều có văn bản yêu cầu các Sở Giao thông vận tải theo dõi, kiểm tra, trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ quản lý, chấn chỉnh xử lý các trường hợp vi phạm.
Trong đó, tập trung xử lý các trường hợp vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe liên tục và không truyền dữ liệu theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.
Thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, tạo thuận lợi cho các Sở Giao thông vận tải truy cập, phối hợp xử lý phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm.
Riêng về quản lý kinh doanh vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, hiện cả nước có khoảng 200 nghìn xe thuộc đối tượng phải lắp camera giám sát theo quy định.
Qua theo dõi, hệ thống đã đưa ra cảnh báo đối với các hình ảnh có nghi ngờ vi phạm của lái xe tham gia giao thông như: Không thắt dây an toàn, sử dụng điện thoại lúc lái xe, bước đầu đem lại hiệu quả tring việc chấn chỉnh hành vi của người lái xe, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp với ngành Công an, Thông tin và Truyền thông, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe cá nhân để kinh doanh vận tải qua hình thức lập nhóm trên Zalo, Facebook và các mạng xã hội khác.
"Để đảm bảo thị trường vận tải hoạt động công khai, minh bạch, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả các nội dung tại Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030", lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.
Theo TTXVN