Khách đến quán thưởng thức cà-phê, nước giải khát chỉ là phụ. Điểm nhấn lớn nhất thu hút khách là hệ thống gần 40 “nhân viên 4 chân” đặc biệt, chẳng nơi nào đông đảo và đa dạng chủng loại bằng. Đặc biệt hơn cả, “nhân viên” hoàn toàn không phục vụ khách.
Chúng chỉ lo ăn, ngủ theo sở thích cá nhân. Kể cả khi quán đông nghịt khách, chúng vẫn toàn tâm toàn ý ngủ giữa đường đi, trên ghế, trên khu vực nghỉ ngơi riêng.
Rất hiếm chú mèo chủ động đến gần gũi, làm quen, làm nũng với khách. Ngược lại, khách thích “nhân viên” nào, cứ tìm đến vuốt ve, chụp ảnh cùng. Đôi khi, chúng lười tương tác với người, nhưng không “chống đối”, tỏ ra hung dữ hoặc “hành hung” khách.
Cô mèo Ai Cập này có tên là Cám. Đúng y như tên, Cám khá cộc cằn, “khó ở”, thi thoảng dùng bạo lực với các chú mèo khác (đặc biệt là với đứa con ruột tên Tấm), nhưng lại thích quan sát, nhìn ngó vật dụng của khách.
Nếu không bận ăn, ngủ thì bọn mèo sẽ mon men tìm đến mọi vật dụng xung quanh mình, chơi đùa rất tự nhiên, không hề e ngại khách quen, lạ. Hoặc chúng tự đùa giỡn với nhau. Tất cả đều được nuôi chung, ăn chung, ngủ chung nên thân thiết vô cùng.
Một góc bảng trong Vườn Mèo, niêm yết hình ảnh, chủng loại, giá cả của một số chú mèo. “Rẻ” nhất là mèo Aln Tappy, mức giá 4 triệu đồng/con. Mắc hơn thì có Lilac, Golden Ny25, Golden Point. Chạm mức 18 – 20 triệu đồng/con là giống Maincoon Tappy, Maincoon Tam thể, Munchkin Point, Golden Ny12 chân ngắn. Giá cao nhất trong bảng là Ragdoll, lên đến 26 triệu đồng/con.
Khánh Thiên (13 tuổi) thích thú chạm vào một chú mèo lần đầu tiên trong đời. Cha mẹ không cho phép nuôi mèo, nên em chỉ có thể xem hình ảnh chúng trên mạng xã hội. Đây là dịp hiếm hoi để Thiên xem tận mắt, sờ tận tay nhiều giống mèo nước ngoài.
Trại mèo này do Nguyễn Hoài Thương (sinh năm 1998) gầy dựng nên, bắt nguồn từ sở thích nuôi mèo nhiều năm trước. Đến giờ, Thương sở hữu cả trăm chú mèo các loại. Trong ảnh là chú mèo giống Golden Ny12 lông dài, có giá lên đến cả trăm triệu đồng, được Thương chăm sóc cẩn thận trong phòng riêng, chờ phối giống.
Ngoài ra, trại mèo của Thương còn có khu riêng để chăm sóc mèo bệnh, mèo sinh sản. Những khu vực này không dành cho khách tham quan. Chỉ khi đủ lớn, vệ sinh sạch sẽ, có khả năng tương tác với người một cách dạn dĩ… mèo mới được cho xuống Vườn Mèo “tiếp khách”.
GIA KHÁNH