Thực hiện nghiêm các quy định trong chấm thi tốt nghiệp THPT

18/08/2020 - 07:49

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), ngay sau khi kết thúc môn cuối, thi tốt nghiệp THPT, hội đồng thi các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức chấm thi, hoàn thành chậm nhất ngày 26-8 và công bố kết quả thi vào ngày 27-8. Vì vậy, hiện nay, hội đồng thi các tỉnh, thành phố đang tích cực triển khai công tác chấm thi tốt nghiệp THPT.

Ban Chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT 2020 kiểm tra công tác chuẩn bị chấm thi tại Yên Bái.

Bộ GD và ÐT cho biết, việc chấm thi tại mỗi hội đồng thi được thực hiện không quá hai khu vực. Khu vực chấm thi phải bảo đảm an ninh, an toàn, có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy và có công an bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày. Ðối với nơi chấm thi, và nơi bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau. Ðối với bài thi trắc nghiệm có thể được lưu trữ tại phòng chấm hoặc phòng chứa bài thi riêng biệt, tùy điều kiện từng đơn vị. Các hội đồng, cán bộ làm công tác chấm thi tuyệt đối không được mang các phương tiện thu phát thông tin, sao chép tài liệu, giấy tờ riêng, bút xóa, bút chì và các loại bút không nằm trong quy định khi vào và ra khỏi khu vực chấm thi.

Theo Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Hữu Ðộ, công tác coi thi đợt một của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được các địa phương hoàn tất, cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra và được xã hội đánh giá tích cực. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu, tiếp theo cần làm tốt khâu chấm thi. Việc chấm thi tự luận và trắc nghiệm không phải mới đối với các địa phương nhưng năm nay quy chế và phần mềm chấm thi có một số điểm mới nhằm tăng cường tính bảo mật, chặt chẽ, khoa học cho quy trình chấm thi, cho nên các địa phương không được chủ quan. Bộ GD và ÐT đã có hướng dẫn chi tiết, tường minh, để các địa phương và từng cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi thuận tiện thực hiện. Vì vậy, từng cán bộ tham gia chấm thi phải nắm chắc quy chế, quy trình tổ chức để thực hiện chính xác, hiệu quả. Những sai lầm thường gặp trong quá trình chấm thi như: chấm sót, cộng nhầm điểm… các giáo viên cần hết sức chú ý để không làm ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của thí sinh.

Ngay sau khi kết thúc môn thi cuối, các địa phương đã tích cực triển khai công tác chấm thi tốt nghiệp THPT. Tại tỉnh Phú Thọ, công tác chấm thi được đặt tại Trường đại học Hùng Vương. Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tỉnh Phú Thọ thành lập ban chấm thi tự luận gồm 110 người, ban chấm thi trắc nghiệm gồm 31 người. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Trưởng Ban thư ký Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tỉnh Phú Thọ, sáng 12-8, Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tỉnh Phú Thọ đã khai mạc chấm thi. Ðể bảo đảm an toàn công tác chấm thi, các cán bộ chấm thi thực hiện đo thân nhiệt ngay từ nhà; phương án phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai ngay tại khu chấm thi có máy đo thân nhiệt tự động, khẩu trang dự phòng, nước rửa tay và bộ phận y tế thường trực. Ðối với công tác chấm thi môn Ngữ văn, cán bộ chấm thi đã đăng ký chữ ký, chuẩn bị các tài liệu phục vụ công tác chấm thi. Ban chấm thi tự luận tổ chức chấm chung 10 bài sau đó chia làm bốn tổ chấm và sẽ chấm chung tiếp các bài thi để bảo đảm chính xác, công bằng rồi mới bắt đầu chấm đại trà các bài thi tự luận. Ðối với chấm trắc nghiệm Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị, triển khai các khâu toàn bộ khu vực chấm thi đều bị phá sóng. Dự kiến từ ngày 20 đến 22-8 sẽ hoàn thành công tác chấm thi.

Tại tỉnh Yên Bái, sau khi kết thúc môn thi cuối, Hội đồng thi tốt nghiệp tổ chức làm phách gồm các lực lượng cán bộ ngành giáo dục, công an, thanh tra nhằm bảo đảm nghiêm túc tuyệt đối. Khu vực làm phách theo đúng yêu cầu của quy chế thi; trang bị hai máy tính (gồm máy chính thức và dự phòng), máy in trong khu vực cách ly để làm phách. Hội đồng thi thành lập hai ban chấm thi theo quy định, gồm 95 người chấm thi tự luận và 22 người chấm thi trắc nghiệm. Theo Giám đốc Sở GD và ÐT Yên Bái Vương Văn Bằng, đội ngũ cán bộ chấm thi đều là giáo viên có kinh nghiệm, đã từng tham gia công tác chấm thi trước đây. Toàn bộ cán bộ tham gia làm công tác chấm thi đều có kiểm soát; các khu vực liên quan có ca-mê-ra giám sát chặt chẽ. Khu vực chấm thi được cài đặt các thiết bị phá sóng để bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình chấm thi. Sở GD và ÐT Yên Bái cũng triển khai đầy đủ công tác phòng, chống dịch, bảo đảm công tác chấm thi an toàn, nghiêm túc.

Công tác chấm thi là khâu quan trọng bảo đảm kết quả thi của thí sinh chính xác, công bằng. Thực tế quá trình chấm thi những năm trước đây đã có những địa phương để xảy ra sai phạm dẫn đến kết quả thi không đúng với bài làm của thí sinh. Vì vậy, công tác chấm thi năm 2020 có một số điểm mới nhằm bảo đảm an toàn, chính xác, công bằng kết quả thi của thí sinh. Tuy nhiên, yếu tố con người thực hiện nghiêm các quy định của quy chế chấm thi vẫn là điều quan trọng. PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ÐT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT 2020 cho biết, quá trình chấm thi, các hội đồng thi cần bảo đảm tuyệt đối an toàn kho lưu trữ bài thi. Bài thi trong tủ có khóa, niêm phong; phòng chấm có khóa, niêm phong, có công an túc trực. Bảo đảm ngăn cách tuyệt đối khu vực làm phách với khu vực chấm thi. Khi chấm bài môn tự luận, các hội đồng cần tổ chức thảo luận chấm chung kỹ lưỡng, sau đó các tổ chấm tiếp tục thảo luận, chấm chung một số bài nhằm bảo đảm sự "đều tay" trong chấm bài tự luận. Môn Ngữ văn là đề thi mở, cho nên cán bộ chấm không được chủ quan mà những gì đáp ứng được yêu cầu của đề phải bảo đảm cho điểm chính xác. Việc chấm bảo đảm hai vòng độc lập. Vòng 1 cán bộ chấm thi phải chấm trên phiếu, không để lại dấu vết trên bài thí sinh. Chấm vòng 2 cho điểm trên bài. Chỉ khi nào thống nhất điểm xong mới ghi vào ô tròn phía trên bài thi. Quá trình chấm cần tiến hành chấm kiểm tra ngay cùng thời điểm chấm để sớm phát hiện sự không "đều tay" của cán bộ chấm thi, có phương án kịp thời điều chỉnh. Ðối với chấm thi trắc nghiệm phải chú ý khâu sửa lỗi về thông tin cá nhân thí sinh và lỗi liên quan bài làm của thí sinh để bảo đảm kết quả chuẩn xác. Ðể đạt kết quả tốt nhất, các hội đồng thi tốt nghiệp THPT phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bài thi, hạn chế thấp nhất sai sót kỹ thuật, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong chấm thi…

Theo MẠNH XUÂN - GIANG SƠN (Nhân Dân)