Thực trạng và giải pháp cảm hóa, giáo dục thanh niên thời hội nhập - Kỳ 1: Thực trạng thanh niên trước cơn lốc thời hội nhập

11/05/2019 - 11:00

 - An Giang là vùng ĐBSCL với dân số gần 2,2 triệu người, trong đó khoảng 492.975 thanh niên từ đủ 16 đến 30 tuổi, chiếm 22.81% dân số. Có 461.332 thanh niên dân tộc Kinh (chiếm tỷ lệ 93,58%), còn lại là các dân tộc Hoa, Khmer, Chăm, Tày, Nùng.

Thanh niên hiện nay về cơ bản được sống, học tập và rèn luyện trong môi trường tốt, được phát huy hết khả năng và trí tuệ của mình. Nhiều người đã thành danh trên các lĩnh vực và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong xã hội, thực trạng thanh niên sa vào các tệ nạn xã hội như: ma túy, cờ bạc, mại dâm, đua xe, trộm cắp… ngày càng gia tăng. Chính thực trạng đó đã đặt ra những mối quan ngại sâu sắc đối với từng gia đình và xã hội, cần có giải pháp căn cơ để giải quyết.

Kỳ 1: Thực trạng thanh niên trước cơn lốc thời hội nhập

Bí thư Tỉnh đoàn An Giang Lâm Thành Sĩ chia sẻ: "Thanh niên ngày nay có tư duy năng động, sáng tạo, có lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không ngại khó khăn, gian khổ; có ý thức vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp; mong muốn được tin tưởng, được cống hiến cho đất nước, có việc làm, thu nhập ổn định; ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống của thanh niên được phát huy, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh".

Đồng chí Lâm Thành Sĩ cũng thẳng thắng nhìn nhận: "Tuy nhiên hiện nay, còn một số bộ phận thanh niên lười lao động, lười học tập, ngại khó, chưa làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình ở gia đình, địa phương và đơn vị; chưa có ý chí vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội. Một bộ phận rất nhỏ thanh niên sống thiếu lý tưởng, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu ý thức phấn đấu rèn luyện. Có những thanh niên có biểu hiện giảm sút niềm tin, bản lĩnh non kém, bị lôi kéo nên tình trạng vi phạm pháp luật trong một bộ phận thanh niên gần đây có chiều hướng gia tăng, nhất là vi phạm Luật An toàn giao thông, mắc các tệ nạn xã hội, gây rối trật tự công cộng…".

Đáng chú ý, tỷ lệ thanh niên thiếu tay nghề, thất nghiệp, vi phạm pháp luật hoặc sa vào các tệ nạn xã hội, có lối sống không lành mạnh, thiếu ý chí phấn đấu vẫn còn. Rồi trình độ nhận thức của một bộ phận thanh thiếu niên ngoài tổ chức do Đoàn, Hội quản lý còn hạn chế, không nhìn thấy hết sự nguy hiểm cũng như những thủ đoạn mà bọn tội phạm, nhất là tội phạm ma túy dụ dỗ, lôi kéo. Tình trạng thanh thiếu niên phạm pháp, tham gia tệ nạn xã hội vẫn còn nhiều, gây nhức nhối trong xã hội và đang có xu hướng trẻ hóa.

Có thể thấy, thời gian qua, chúng ta vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc chăm lo xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, tạo điều kiện để bồi dưỡng nhân cách cho thanh niên. Ở nhiều địa phương, các nhà máy, khu công nghiệp, chung cư cao tầng được đầu tư xây dựng nhiều nhưng những khu vui chơi, giải trí công cộng cho thanh thiếu niên lại chưa được chú trọng. Hoạt động của các tổ chức Đoàn, Đội nhiều nơi còn kém hiệu quả, không thu hút được đông đảo thanh niên tham gia… Vì vậy, chúng ta càng ngày càng khó kiểm soát một số biểu hiện lệch lạc về nhân cách của thanh niên hiện nay, như dao động mục tiêu, lý tưởng; thờ ơ với thời cuộc, vận mệnh quốc gia, dân tộc; sống ỷ lại, sống vội, sống gấp, sống thử… thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Vấn đề thiếu việc làm, thất nghiệp có xu hướng gia tăng, đời sống văn hóa, tinh thần của thanh niên còn hạn chế, các điểm vui chơi giải trí lành mạnh cho thanh niên còn thiếu. Tình trạng vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trong thanh niên diễn biến ngày càng phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ.  Những tiêu cực về các tệ nạn xã hội, kết hợp với ảnh hưởng từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế đã có những tác động nhất định đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm, lối sống và hành động của thanh niên. Do thiếu việc làm, việc làm không ổn định, thu nhập thấp nên vẫn còn thanh niên thường xuyên phải đi làm ăn xa làm ảnh hưởng đến việc quản lý, duy trì sinh hoạt, hoạt động và tập hợp thanh niên.

Những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc nhất đang diễn ra tại địa phương, khu dân cư hiện nay, đó là tình hình thanh thiếu niên ở địa bàn dân cư tham gia vào các tệ nạn xã hội: sử dụng ma túy, đá gà, số đề, vi phạm pháp luật… gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình an ninh trật tự xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, thanh thiếu niên An Giang sử dụng mạng xã hội facebook rất nhiều. Hiện nay trên trang mạng xã hội (facebook) xuất hiện các live stream có nội dung xấu, kích động, lôi kéo thanh thiếu niên tham gia vào các tệ nạn xã hội, biểu tình chống đối lại chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.

Có thể thấy, thời gian gần đây, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ đã tạo nên sự bức xúc trong dư luận và đặt ra những bài toán cần lời giải đáp cho các nhà quản lý. Nếu như những năm trước đây việc sử dụng Internet còn xa lạ, mới mẻ, thì thời điểm này với sự bùng nổ mạnh mẽ cùng với lực hấp dẫn của dịch vụ truyền thông hiện đại này, Internet đang dần trở thành những "cơn say" không bao giờ dứt của một bộ phận thanh, thiếu niên và là nỗi ám ảnh của các bậc cha mẹ. Đáng quan tâm nhất là tình trang nghiện game trong giới trẻ. Rồi "văn hóa đen" xâm nhập học đường, một thực trạng giới trẻ đã bắt đầu tò mò tìm hiểu "chuyện người lớn". 

Theo Công an tỉnh An Giang: trong 5 năm (2014-2018) toàn tỉnh có 50 băng nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến 480 đối tượng bị triệt xóa. Trong đó có 5 băng, nhóm tội phạm nguy hiểm liên quan đến 66 đối tượng. Tình hình phạm pháp hình sự trong 5 năm qua xảy ra trên 2.000 vụ, đã điều tra, làm rõ hơn 1.500 vụ, đạt tỷ lệ khám phá trên 77%. Bắt,vận động đầu thú 420 đối tượng truy nã, trong đó có 152 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, đấu tranh triệt phá 32 chuyên án truy xét. Về tội phạm ma túy, trong 5 năm qua lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã phát hiện bắt giữ 358 vụ với 712 đối tượng… Tang vật thu giữ gần 5 kg Methamphetamine; trên 1.000 gr Heroin; 125 viên ma túy tổng hợp, trên 2 tỷ đồng và nhiều tang vật liên quan khác. Trong các băng nhóm tội phạm có tổ chức, phạm pháp hình sự, tội phạm ma túy đa phần là thanh thiếu niên.

Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện giai đoạn II chương trình tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhận định: tình hình tội phạm trong độ tuổi thanh thiếu niên ngày càng gia tăng. Thanh thiếu niên sử dụng ma túy có chiều hướng gia tăng, đang là vấn đề nóng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh, rất đáng lo ngại...".

Phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Bên cạnh những thành tích, tiến bộ, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ qua cũng còn những hạn chế, bất cập. Hiện nay xã hội không khỏi băn khoăn trước thực trạng có một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; thậm chí có một số ít thanh niên bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm đi ngược lại bản chất, truyền thống vẻ vang của Đoàn và trái với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên diễn biến phức tạp. Trong khi đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh còn chậm và lúng túng trong nghiên cứu, đề xuất giải pháp để khắc phục, giải quyết các vấn đề đặt ra, chưa kịp thời có ý kiến và tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, tiêu cực, mặt trái tác động đến thanh thiếu nhi. Công tác giáo dục của Đoàn tuy rộng nhưng chưa sâu, một số hoạt động còn nặng về "bề nổi", dàn trải, hình thức. Một số phong trào mới chỉ thu hút đoàn viên tích cực, thanh niên tiên tiến tham gia, kết quả thiếu tính bền vững. Chất lượng tổ chức Đoàn cơ sở trên địa bàn dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn, khu công nghiệp còn yếu. Một bộ phận cán bộ Đoàn chưa bắt nhịp kịp thời với những thay đổi nhanh chóng trong nhận thức, đời sống của thanh niên. Đây là những vấn đề đáng lo ngại, trong đó có trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức Đoàn".

Thực trạng và giải pháp cảm hóa, giáo dục thanh niên thời hội nhập - Kỳ 1: Thực trạng thanh niên trước cơn lốc thời hội nhập

Thực trạng và giải pháp cảm hóa, giáo dục thanh niên thời hội nhập - Kỳ 1: Thực trạng thanh niên trước cơn lốc thời hội nhập

Tình trạng thanh niên vi phạm pháp luạt, sa vào tệ nạn xã hội-con đường ngắn dẫn tới phạm tội.

Thực trạng và giải pháp cảm hóa, giáo dục thanh niên thời hội nhập - Kỳ 1: Thực trạng thanh niên trước cơn lốc thời hội nhập

Đánh giá thực trạng tình hình tội phạm, đề ra giải pháp kéo giảm tội phạm và tệ nạn xã hội.

Thực trạng và giải pháp cảm hóa, giáo dục thanh niên thời hội nhập - Kỳ 1: Thực trạng thanh niên trước cơn lốc thời hội nhập

. Thanh thiếu niên tham gia vào các tệ nạn xã hội gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình an ninh trật tự xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

>> Kỳ 2: Những nỗ lực từ Trung ương đến địa phương

>>Kỳ 3: Những điển hình tiêu biểu

>>Kỳ cuối: Giải pháp nào cảm hóa giáo dục thanh niên trong thời hội nhập?