Thương cậu học trò mồ côi hiếu học

25/09/2018 - 07:58

 - Chỉ mới 8 tuổi, em Đỗ Huỳnh Nam (sinh năm 2006, tổ 12, khóm Tây Khánh, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) đã sống trong cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Những ngày tháng em lớn lên, từng miếng cơm manh áo, chiếc cặp đến trường đều phải nhờ tình thương, sự nâng đỡ của bà ngoại tuổi đã ngoài 60.

Đỗ Huỳnh Nam

Nơi 2 bà, cháu nương tựa nhau là căn nhà sàn nhỏ và cũ kỹ, những tấm vách, mái tole từ tình thương của những tấm lòng nhân ái dần hư hỏng mà vẫn chưa có điều kiện thay mới. Bà ngoại Nam (Đào Thị Bé Tư, sinh năm 1961) nằm đó có vẻ rất mệt mỏi vì những căn bệnh “không mời mà đến”. Bà Tư cho biết: “Mấy hôm nay, tôi định đi bán vé số vì gạo trong nhà sắp hết, vậy mà 2 chân nhức mỏi suốt, đầu choáng váng do bệnh thiếu máu não, bệnh tiểu đường ngày càng nhiều khiến tôi hoa mắt, không nhìn rõ những gì xung quanh. Sáng giờ muốn đi nấu cơm cho cháu đi học về ăn cũng không làm được”. Rồi bà kể về tình cảnh hiện tại của 2 bà, cháu: “Con rể chết do bệnh cách đây 5 năm, đứa con cũng mất 2 năm sau đó, rồi đến chồng tôi cũng qua đời, nhà chỉ còn tôi và thằng cháu ngoại. Trước đây còn khỏe mạnh, tôi không từ một việc làm thuê, làm mướn nào, từ cắt cỏ, sạ phân đến mót lúa, hái rau, mò hến. Hai bà, cháu tằn tiện có thể sống lây lất qua ngày. Còn hiện nay, tôi đi đứng không vững nên không biết làm sao để lo cho mình và cháu trong những ngày tháng sắp tới”.

11 giờ trưa cũng là lúc Nam đi học về. Chúng tôi cảm nhận Nam vui lắm, vì đầu năm học mới này Nam được nhận 1 chiếc xe đạp từ tấm lòng nhân ái của một nhà hảo tâm. Vậy là niềm mơ ước không phải đi bộ 2-3 cây số đến trường của em đã thành sự thật. Niềm vui còn đến từ việc em còn khoác lên mình bộ áo trắng tinh khôi, bước vào Trường THCS Mạc Đĩnh Chi để thực hiện ước mơ học hành, phấn đấu cho tương lai. Em Nam kể: “Có những lúc, em nghĩ mình không thể vượt qua khó khăn khi phải nhịn ăn sáng và đi bộ đến trường. Lúc về nhà có được món gì ăn món đó, nhiều khi ngoại không đủ tiền mua thức ăn, em ăn cơm trắng và muối ớt là món thường xuyên mà thấy rất ngon. Thấy ngoại quá cực nhọc nên ngoài giờ học, em đi hái rau và tự đi bắt cua, bắt cá mang ra chợ bán, có khi chỉ được vài ngàn đồng, khi thì được mười mấy ngàn đồng mua gạo mang về cho ngoại”.

Cô hàng xóm Kim Trang tốt bụng thấy tình cảnh đáng thương của 2 bà, cháu nên thường xuyên tới lui giúp đỡ, vận động 2 nhà hảo tâm giúp đỡ Nam có được tập sách, quần áo, xe đạp đi học trong năm học mới. Cô Kim Trang chia sẻ: “Nhiều năm qua, tôi chứng kiến tình cảnh khó khăn của 2 bà, cháu. Mặc dù là hộ nghèo của địa phương, được chính quyền quan tâm hỗ trợ nhưng đời sống của 2 bà, cháu còn lắm khó khăn. Bà Tư là lao động chính nhưng sức khỏe kém nên không thể kiếm đủ tiền trang trải, trong khi cháu Nam còn quá nhỏ, chỉ mới 12 tuổi nên không thể làm được việc gì kiếm tiền. Do vậy, điều tôi mong nhất là làm sao đảm bảo được đời sống cho bà Tư và cháu Nam được hỗ trợ, chí ít đến hết bậc trung học cơ sở, sau đó có điều kiện học nghề lao động phổ thông để có thể tự lập và giúp gia đình thoát khỏi tình cảnh khó khăn”.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG