Chẳng biết cây bằng lăng ấp ủ tự lúc nào nhưng cứ sa mưa xuống thì những chùm hoa tim tím cũng bắt đầu lấp ló giữa màu xanh của lá non tươi. Từ thành thị đến thôn quê, bằng lăng hiện hữu một cách âm thầm, nhẹ nhàng nhưng vô cùng rực rỡ. Người thực tế thì nói rằng hoa bằng lăng trông đẹp mắt. Người mộng mơ một chút lại bảo loài hoa ấy mang theo nỗi nhớ xa xôi nào đó, cứ quấn lấy ký ức của họ từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành.
Dọc theo những con đường tấp nập xe cộ ngược xuôi, bằng lăng lặng lẽ dâng cho đời sắc tím nhẹ nhàng, đằm thắm. Có lần tôi nhìn thấy những cô học trò lặng lẽ đứng ngắm sắc hoa ấy với cảm xúc mơ màng và trong trẻo. Chả trách người ta cứ chọn loài hoa ấy để trồng theo những con đường phố thị, bởi các sắc tím không lẫn vào đâu được. Bằng lăng đẹp đã đành, mà sắc hoa ấy bao giờ cũng khiến người ta cảm thấy lòng mình nhẹ lại giữa cuộc sống ồn ào, náo nhiệt.
Hoa bằng lăng mang vẻ đẹp mộng mơ, đằm thắm mà dịu dàng
Trong cái nắng, cái gió của miền Nam, bằng lăng cũng như phượng vĩ, chỉ trổ hoa khi ngoài trời lất phất những giọt mưa đầu mùa. Nhưng bằng lăng không mang sắc “thắm như máu con tim” báo hiệu sự chia xa, cách biệt của tuổi học trò như phượng vĩ, mà chở những cảm xúc trong sáng, thanh tao rất riêng của nó. Nếu phượng vĩ mang theo nỗi buồn miên man, mơ mộng của tuổi học trò, thì bằng lăng lại ẩn chứa một tình yêu mãnh liệt, với sự chờ đợi thủy chung từ những mối tình đằm thắm.
Nhớ lại bài vọng cổ “Hoa tím bằng lăng” của tác giả Linh Châu, cành hoa ấy đã mang cái duyên của người con gái với mối tình e ấp, chân thành mà kín đáo. Khi qua ngõ nhà người yêu, cô đã “kéo nghiêng vành nón, giả bộ vô tình làm rớt cánh bằng lăng”. Rồi chàng trai lại “rón rén lượm gói vào chiếc khăn, cất cẩn thận trong áo gối”, để đêm đêm nghe tiếng quốc gọi hè, anh lặng lẽ vuốt ve cánh bằng lăng tím nở với nỗi nhớ mênh mông. Rồi chàng trai lên đường đánh Mỹ, ngày chiến thắng trở về gặp lại người yêu “vẫn thẹn thùng kéo nghiêng vành nón. Tóc vẫn cài màu hoa tím bằng lăng” như cái kết đẹp tươi cho một mối tình trong thời lửa đạn. bằng lăng với vẻ đẹp chân quê “dịu dàng” và “mặn mà” đã đi vào bài vọng cổ huyền thoại và sống mãi trong lòng bao thế hệ người mộ điệu mấy chục năm qua.
Bằng lăng mang về ký ức đẹp
Những ngày lang thang ở xứ núi Tịnh Biên, tôi thích nhất là thời điểm giao mùa giữa nắng và mưa, khi những cây bằng lăng rừng trổ bông rực rỡ trên triền núi xa xa. Mùa khô Bảy Núi bao giờ cũng khắc nghiệt với cái sắc xám trơ trọi của những cành khô khẳng khiu trên dốc đá. Ấy vậy mà khi bằng lăng đơm bông dường như cũng kéo về sức sống của núi rừng bởi màu hoa tím nhẹ nhàng, dìu dịu pha lẫn chút thơ mộng của đất trời. Lúc ấy, khách hành hương xuýt xoa bởi cảnh đẹp hùng vĩ mà rất đỗi mộng mơ với những “đóa bằng lăng” trên núi cao.
Mùa bằng lăng đến, mấy cô học trò lại có dịp lang thang trên những con đường đầy nắng để hái những chùm hoa tím rịm đùa nghịch cùng nhau. Ở cái tuổi nửa người lớn- nửa trẻ con này đã bắt đầu biết yêu màu hoa dân dã mà thanh tao ấy. Với người “lăn lộn” trong cuộc sống, bằng lăng vẫn là chốn trở về của những kỷ niệm xa xưa mà đôi lúc người ta lắng lòng để nhớ. Tôi chưa thấy ai dùng hoa bằng lăng cắm vào bình để ở góc nhà, nhưng loài hoa đó vẫn được người ta yêu quý và luôn hiện hữu khắp nơi với sức sống mãnh liệt cùng đất trời, tạo vật.
Mùa hoa tím nữa lại về trên những con đường đã đi qua, bất giác khiến tôi nảy sinh mong muốn ghi lại những khoảnh khắc đẹp về bằng lăng. Theo vòng quay của đất trời, rồi có lúc bằng lăng không còn rực rỡ như mùa bông rộ, nhưng sẽ để lại trong những đôi mắt trong một nỗi nhớ mênh mông, xa vắng. Và rồi, có những lúc trong lòng của mỗi người chợt lên suy nghĩ: thương hoài sắc tím bằng lăng!
THANH TIẾN