Cà na là món quà quê mà thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng sông nước. Cây cà na ra hoa trắng, phát triển tốt và hướng về phía mặt sông, trái ở phía này nhiều hơn so với trong bờ. Trái cà na có hình bầu dục, dài cỡ 2 lóng tay, khi già trái chuyển màu xanh đậm, vị chát, khi chín trái màu vàng nhạt, vị chua. Cây cà na thường được người dân trồng để be bờ giữ đất trong mùa lũ và hái trái kiếm thêm thu nhập. Cà na dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, đôi khi chỉ cần đặt nhánh cây đã chiết ra rễ, bón ít phân, chúng vẫn phát triển tốt. Cà na là món ăn dân dã với nhiều cách chế biến, như: Cà na đập, cà na ngào đường hay đơn giản cà na chấm muối ớt... Riêng, món mứt cà na hơi kỳ công một chút, nhất là phải nắm vững kỹ thuật sên mứt để không bị lợi đường.
Chị Lê Thị Thúy (33 tuổi, ngụ ấp Cà Na, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 600 gốc cà na Thái theo mô hình: Ở giữa là ao nuôi cá, trồng sen, súng, xung quanh hồ nước là cà na và lúa”. Theo chị Thúy, trồng cây cà na theo mé ruộng, rễ cây hút nước trực tiếp sẽ tốt hơn và cho trái quanh năm, không cực công chăm sóc, không cần phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Trước đây, cây cà na thường có trái vào mùa nước nổi. Tuy nhiên, do chị Thúy trồng nhiều nên cà na vẫn ra trái đều đều, chỉ là thu hoạch trái mùa sẽ cho trái ít hơn. Bình thường, gia đình chị chế biến cà na nhiều món, như: Cà na đập trộn muối ớt, cà na ngâm đường, cà na ngâm muối ớt... bán cho khách sỉ, bạn bè, người quen qua mạng internet. Vào mùa cà na, chị Thúy chủ yếu bán sỉ cho thương lái từ 200-400kg/lần.
“Những món ăn từ cà na, ai cũng có thể làm được, tùy khẩu vị mỗi người. Sau khi rửa sạch, đập, vắt 5-6 lần, ướp gia vị, ớt là thành phẩm, chủ yếu là vắt để hết vị chua, chát của trái cà na. Món cà na đập phải làm thật khéo, không nên đập cà na quá nát để giữ được màu xanh đặc trưng, khi vắt ráo giữ được hương vị, ăn vẫn giòn. Ngoài ra, cà na còn làm được rượu. Rượu cà na được làm từ trái chín, sau khi rửa sạch, phơi khô đem ngâm rượu cốt và đường phèn uống còn trị nhức mỏi”- chị Thúy chia sẻ.
Là người có 10 năm kinh nghiệm bán cà na, Cô Sáu (chủ hộ kinh doanh Sáu Hữu, ngụ khóm Bình Khánh 4, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cho biết: “Cơ sở bán 2 loại cà na muối chua - cay - ngọt và cà na ngào đường. Chưa có dịch COVID-19, cà na được giao đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, nhất là các hàng quán ở TP. Long Xuyên, TP. Hồ Chí Minh, TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)... Mỗi ngày bán được vài chục ký cà na đã chế biến. Cơ sở có máy ép và máy đập cà na, nhưng vào mùa phải thuê thêm nhân công làm mới xuể. Có mối nhà vườn trồng 3ha cà na Thái, giao hàng thường xuyên nên không sợ thiếu, loại cà na này hột nhỏ, thịt nhiều nên chế biến sẽ ngon hơn”- cô Sáu cho biết.
“Lục lại tuổi thơ của mình, không có nhiều món ăn được sản xuất theo công nghệ hiện đại như bây giờ. Hầu hết các món ăn được chế biến bằng thủ công, không hóa chất, không chất bảo quản... Mỗi ngày, bạn bè rủ nhau tắm sông, thả diều ngoài đồng, hái cà na dọc theo mé sông, mé ruộng… đã để lại ký ức tuyệt vời khó quên. Ngày nay, dễ bắt gặp cà na được bày bán khắp nơi, từ các khu chợ đến các xe hàng rong ven đường, trường học... Loại trái quê này, thấy vậy mà vừa lòng khách lắm”- một phụ nữ ngụ TP. Long Xuyên bày tỏ.
Mô hình trồng cà na Thái mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với các loại cây ăn trái khác vì dễ trồng, ít công chăm sóc, thời gian cho trái ngắn, không sử dụng thuốc trừ sâu, không sợ ảnh hưởng về thời tiết, đặc biệt giống này ra trái quanh năm, có khi chưa hái hết trái thì cây đã ra đợt hoa mới. Cà na vị chua nhưng thành quả “ngọt” khi mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người trồng. Vốn mang hương vị chua chua, chát chát sau khi chế biến, cà na lại có vị chua, ngọt thanh, mộc mạc nhưng khiến người thưởng thức thương hoài vị cà na.
NGUYỄN XÊ