Tháng ba âm lịch thời tiết vùng đồng bằng Bắc Bộ nhiều mưa ẩm. Cánh đồng lúa quê mình như rộng hơn, trải ra mênh mông, bất tận nhờ sức sống ngùn ngụt của lúa đương thì con gái. “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát/ Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông…” Câu ca dao được học từ thuở lên 10 chợt vọng về, mở ra một khoảng trời tuổi thơ với miền quê thanh bình, yên ả. Cả một trời ký ức ùa về xanh ngát như màu lúa, cùng hình ảnh thân thương, tảo tần của ngoại, của mẹ, của chị và cả cô bạn thuở ấu thơ ít nói, hay cười.
Tôi thích nhất cánh đồng quê vào dịp tháng ba. Lúa xanh ngùn ngụt, tươi tốt không gì cản được. Ấy cũng là tiết nông nhàn, mẹ tôi, chị tôi đỡ vất vả, bận rộn vì chuyện cấy cày. Ấy cũng là lúc chuyện học hành thư thái hơn do kỳ thi vẫn còn phía trước.
Nhớ những ngày thơ bé, sáng sáng đi bộ đến trường trên con đường làng quanh co, mềm mại như dải lụa chạy giữa hai biển lúa xanh bát ngát. Nhớ cả dáng đôi cây gạo mơ màng đứng ở bến sông quê, mùa này hoa nở đỏ rực nổi bật giữa màu xanh của trời, của lúa.
Nhớ mùa này bà ngoại hay đọc câu ca dao: “Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn…” để nhắc tiết trời giá buốt đã qua rồi. Vẫn nhớ tháng ba dịu dàng mà đỏng đảnh, nắng hồng đào như làn môi con gái, hôm qua vừa mới mưa bụi như rắc phấn thoắt cái nay lại có sấm báo sắp mưa rào. Nghe tiếng sấm thế nào bà cũng đọc: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Tháng ba sấm động phất cờ mà lên”. Ấy là thời tiết thuận hòa, mùa màng ngô lúa sẽ tốt tươi…
Tôi đã bỏ lại sau lưng ký ức tuổi thơ quê nhà với cô bạn gái ít nói, hay cười và cánh đồng lúa đương thì con gái
Tháng ba, mùa lúa đương thì con gái. Lại nhớ câu ca dao trong sách học: “Thân em như chẽn lúa đòng đòng/ Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”. Vẫn nhớ ngày bé, cô giáo giảng rằng hình ảnh chẽn lúa đòng đòng đẹp lắm, duyên dáng như một nàng thơ, như bóng hình người thiếu nữ. Tôi gật gù vẻ tâm đắc lời cô giảng và lén nhìn sang cô bé hàng xóm ngồi bàn bên cạnh mà trong bụng cười thầm.
Thú thật là trong suy nghĩ của bọn trẻ con tụi tôi hồi đó, hình ảnh chẽn lúa đòng đòng chỉ gợi cảm giác nhỏ nước miếng vì nhớ tới những lần nghịch ngợm tuốt trộm đòng đòng lúa ngấu nghiến nhai ngay bên bờ ruộng. Ngày xưa lúa không phun thuốc bảo vệ thực vật như bây giờ nên đòng lúa non ngọt thơm, thanh mát và cực kỳ sạch sẽ, an toàn. Những trải nghiệm đó, lũ trẻ ở quê bây giờ cũng không thể nào có được.
Qua đợt trổ đòng khoảng vài tuần là đến độ lúa trổ bông. Lại nhớ tôi của những ngày thơ bé - cậu trò nhỏ mơ mộng thường thả bộ trên con đường làng, thả hồn mình vào những bông hoa lúa đang đượm phấn. Nhìn rõ những hạt lúa non trong vắt lấp ló trong màu xanh lá lúa. Mùa đi qua nhanh đến ngỡ ngàng…
Tôi lớn lên theo tiếng gọi của đô thị phù hoa, bỏ lại sau lưng ký ức tuổi thơ quê nhà với con đường và cánh đồng lúa đương thì con gái. Thấm thoát bao mùa đi qua không nhớ nổi, có những lúc lu bu cơm áo cùng lo toan khiến tôi tạm quên đi hình ảnh quê nhà. Thậm chí, ký ức về một mùa lúa trổ đòng đòng chỉ còn là hoài niệm về một hạnh phúc ngỡ đầy tay mà xa vuột tầm tay qua lời một bài hát: “Lòng chợt buồn mênh mông/ Dáng xưa tan theo giấc mộng/ Chắc người đã bước sang sông/ Đương mùa lúa trổ đòng đòng…” (Hương tóc mạ non).
Từng có lúc tôi trách giận bản thân cũng như trách người ta vì những sai lầm, những điều không phải. Để rồi hôm nay, đối diện với bao dung cánh đồng quê mình mới biết rằng tất cả không như mình nghĩ. Dẫu tôi của ngày xưa đã khác, và cô bé hàng xóm năm nào cũng đã theo chồng đi xứ khác. Nhưng tháng ba quê hương thì vẫn thế, cánh đồng lúa đương thì con gái vẫn ngút ngát xanh như thuở ấy, yêu thương vẫn đong đầy…
Theo HẢI TRIỀU (Pháp Luật VN)