Năm nay, hàng chục triệu người Mỹ sẽ bỏ phiếu qua thư. Nhiều người đã gửi phiếu bầu - những lá phiếu hoặc đang chờ được kiểm vào 3/11 hoặc đã được ghi nhận kết quả trong các cuộc kiểm phiếu bảo mật. Nhiều người đã yêu cầu nhận phiếu bầu và đang điền chúng, trong khi một số có thể không nhận được phiếu bầu qua thư.
Hệ thống liên bang phi tập trung cao của Mỹ có nghĩa là quyền quyết định cách thức tiến hành bầu cử, kể cả ở cấp quốc gia, hoàn toàn nằm trong tay chính quyền các bang. Điều này dẫn đến một hệ thống bầu cử chắp vá gây khó hiểu và khó nắm bắt với những người ngoài cuộc.
Một cuộc bầu cử khác thường
Thông thường, hầu hết người Mỹ sẽ có mặt tại điểm bỏ phiếu địa phương của họ, vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11 trong năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống. Năm nay, đó là ngày 3/11. Các bang khác nhau ngừng bỏ phiếu vào thời điểm khác nhau. Cuộc bỏ phiếu thường kết thúc trước ở bờ Đông và cuối cùng ở các bang phía Thái Bình Dương.
Các phiếu bầu sau đó được tính trong một bảng tổng sắp, nơi các hãng tin có thể quyết định gọi tên một bang nào đó khi họ tin ứng viên này dẫn trước người kia. Tuy nhiên, đây mới là dự đoán, không phải là kết quả cuối cùng.
Các cuộc bầu cử thường có tính chất quyết định vào cùng ngày các lá phiếu được bỏ, có nghĩa là việc ai thắng cử tổng thống có xu hướng trở nên rõ ràng vào cuối đêm như chúng ta đã thấy vào năm 2016, khi bà Hillary Clinton có bài phát biểu chấp nhận thất bại vào buổi sáng ngay sau ngày bầu cử.
Về mặt kỹ thuật, cử tri Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống. Lá phiếu của họ gọi là phiếu phổ thông và công việc của họ là chọn ra đại diện cử tri hay còn gọi là đại cử tri, những người đã tuyên bố rõ ủng hộ ứng viên nào. Những đại cử tri này hợp thành Cử tri đoàn. Tùy thuộc vào dân số mà mỗi bang của Mỹ có số lượng đại cử tri nhất định. Ở hầu hết các bang, ứng viên được nhiều hơn phiếu phổ thông thì cũng nhận được toàn bộ phiếu của Cử tri đoàn bang đó.
Bang đông dân nhất California cũng là bang có nhiều phiếu đại cử tri nhất: 55 phiếu; trong khi một số bang nhỏ dân cư thưa thớt chỉ có 3 phiếu đại cử tri. Tổng cộng nước Mỹ có 538 đại cử tri trong Cử tri đoàn. Để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ứng viên cần giành được ít nhất 270 trong số 538 phiếu đại cử tri mà một người có thể nhận được.
Do đó, ứng viên nhận được nhiều đầu phiếu phổ thông chưa chắc đã trở thành tổng thống. Một ứng viên có thể bước vào Nhà Trắng dù không đạt được đa số phiếu phổ thông mà chỉ cần đa số phiếu của Cử tri đoàn.
Những năm gần đây, hệ thống Cử tri đoàn bị nhiều người đánh giá là lỗi thời, không tuân theo tiêu chuẩn dân chủ “mỗi người một phiếu bầu”.
Hình thức bỏ phiếu qua thư
Cuộc bầu cử lần này sẽ rất khác so với mọi năm. Các yếu tố cơ bản vẫn tồn tại như cử tri đoàn hay hàng triệu người Mỹ sẽ tham gia bỏ phiếu, nhưng chúng ta có thể thấy nhiều người bỏ phiếu hơn và kết quả cuối cùng sẽ có muộn hơn vài ngày hoặc thậm chí vài tuần. Lý do là bởi việc bỏ phiếu qua thư có thể làm chậm tiến trình này.
Nhiều người Mỹ hơn bao giờ hết có thể bỏ phiếu qua thư do các bang phải tìm cách ứng phó trong thời dịch bệnh. Trước đây, các bang thường hạn chế bỏ phiếu qua thư, chủ yếu ưu tiên cho những người trên 65 tuổi, những người bị bệnh và người Mỹ sống ở nước ngoài hoặc bên ngoài bang của họ.
Tuy nhiên, bỏ phiếu qua thư hiện được cho phép ở hầu hết các bang và đã trở thành một cách thức không thể thiếu trong các cuộc bầu cử gần đây. Gần một phần tư số phiếu bầu đã được gửi qua đường bưu điện năm 2016 và ước tính có khoảng 80 triệu lá phiếu qua bưu điện sẽ được thực hiện trong cuộc bầu cử năm nay.
Chín bang và thủ đô Washington DC sẽ tiến hành bầu cử chủ yếu qua đường bưu điện. Điều này có nghĩa là các cử tri đã đăng ký sẽ tự động nhận được lá phiếu qua thư trước cuộc bầu cử. Ba trong số các bang trên, gồm California, DC và Vermont sẽ thực hiện điều này lần đầu tiên vào tháng 11. Các bang này hầu hết là thành trì của đảng Dân chủ.
Tiến trình bầu cử qua thư của Mỹ
Tại 34 bang, cử tri có thể viện dẫn lý do dịch Covid-19 để bỏ phiếu vắng mặt, hoặc thậm chí bỏ phiếu qua thư mà không cần nêu lý do. Một số bang, như Delaware, gửi đơn đăng ký bầu cử qua thư cho tất cả mọi người. Đối với những bang khác, cử tri sẽ cần yêu cầu một lá phiếu trực tiếp từ văn phòng bầu cử địa phương của họ.
Đây chủ yếu là các bang ở Trung Tây và dọc theo bờ biển phía Đông. Trong đó bao gồm nhiều bang được xem là chiến trường trong cuộc bầu cử, nơi quyết định ai thắng cử.
Năm bang còn lại, gồm Indiana, Louisiana, Mississippi, Tennessee và Texas, là những thành trì truyền thống của đảng Cộng hòa. Cử tri ở đây sẽ cần một lý do khác ngoài Covid-19 để bỏ phiếu vắng mặt. Điều này có nghĩa là hầu hết cử tri ở các bang này phải trực tiếp đi bỏ phiếu. Do đó, chúng ta có thể sẽ thấy kết quả tại các bang này ngay trong ngày bầu cử.
Sự khác biệt về thời điểm một lá phiếu có thể được gửi đến và khi chúng được kiểm, cũng tồn tại giữa các bang. Khoảng một nửa số bang yêu cầu nhận được các lá phiếu gửi qua thư vào hoặc trước ngày bầu cử. Nửa còn lại, chiếm 66% trong tổng số 538 phiếu bầu của cử tri đoàn, yêu cầu các lá phiếu phải được đóng dấu bưu điện trước hoặc trong ngày bầu cử, nhưng có thể được nhận vào một ngày sau đó.
Nhiều bang trong số này cho phép thời gian gia hạn lên đến một tuần để các lá phiếu đến nơi nếu có bất kỳ sự chậm trễ nào của bưu điện. Việc kiểm các phiếu bầu qua bưu điện cũng có xu hướng mất nhiều thời gian hơn khi chúng đã được chuyển đến cơ quan bầu cử. Họ kiểm chúng như thế nào và khi nào phụ thuộc vào các quy tắc đặt ra bởi các bang khác nhau.
Một số bang, như Florida, cho phép kiểm phiếu qua thư trước ngày bầu cử, nhưng hầu hết các bang sẽ không bắt đầu kiểm đếm cho đến khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Năm 2016, nước Mỹ mất hơn một tháng để kiểm 30 triệu phiếu bầu qua thư.
Hệ thống kiểm phiếu hoạt động thế nào?
Các viên chức bầu cử kiểm tra các lá phiếu qua thư kỹ lưỡng, đảm bảo chúng được gửi đến, điền và trả lại đúng cách từ một cử tri đã đăng ký. Họ cũng cần kiểm tra thông tin đăng ký, ngày sinh và số thẻ an sinh xã hội mà cử tri cung cấp. Nhiều bang còn yêu cầu cử tri ký vào phong bì trả lại lá phiếu, để kiểm tra chéo với chữ ký của họ trên hệ thống đăng ký.
Các cuộc bầu cử trước đây đã chứng kiến lý do chính khiến các lá phiếu gửi qua thư bị từ chối là không có chữ ký xác nhận, hoặc thậm chí ký sai chỗ. Do đó, lỗi của con người có thể là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới kết quả bầu cử. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, chỉ 20% tổng số cử tri trên toàn quốc nói họ từng có kinh nghiệm bỏ phiếu qua thư.
Tiến trình bầu cử qua thư của Mỹ
Nếu các quan chức phát hiện vấn đề, họ sẽ liên hệ với cử tri để giải quyết. Việc này có thể mất vài ngày, cho nên nếu lá phiếu gửi qua thư được gửi quá gần ngày bầu cử và gặp vấn đề, nó có nguy cơ bị từ chối. Ngoài ra, các quan chức cũng có thể gửi các lá phiếu cho các công tố viên để điều tra thêm nếu có vấn đề nghiêm trọng hơn.
Bang Washington đã tiến hành bầu cử chủ yếu qua thư từ 2005. Tại đây, các lá phiếu được gắn với các cá nhân cụ thể, với mã hóa riêng cho phép cử tri theo dõi lá phiếu của họ sau khi nó được gửi qua đường bưu điện. Bang này có thể xem là mô hình để các nhà chức trách liên bang xem xét áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Có hay không sự gian lận?
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng phản đối bỏ phiếu bầu qua thư vì nghi dễ xảy ra gian lận. Năm 2018, ông còn thành lập một ủy ban với nhiệm vụ điều tra tham nhũng bầu cử, song cơ quan này đã không tìm thấy bằng chứng thực sự.
Việc gian lận trong bầu cử cực kỳ hiếm ở Mỹ, và bỏ phiếu qua thư cũng không ngoại lệ. Trong 20 năm qua, hơn 250 triệu phiếu bầu đã được bỏ qua qua đường bưu điện, và theo dữ liệu từ Quỹ Di sản, chỉ có 1.285 trường hợp gian lận cử tri được chứng minh.
Giới phân tích cho biết, bất kỳ vấn đề gian lận nào đủ lớn để làm thay đổi kết quả một cuộc bầu cử, như ăn cắp đủ phong bì từ hộp thư, in đủ phiếu bầu giả hoặc ăn cắp đủ số phiếu bầu của người vắng mặt, sẽ không thể che giấu được ở cấp quốc gia.
Cuộc đua có khả năng sẽ kéo dài trong nhiều tuần sau ngày bầu cử. Tình hình có thể còn đáng ngại hơn, do Tổng thống Trump tuyên bố có thể không cam kết chuyển giao quyền lực hòa bình nếu ông thua cuộc. Ông thậm chí còn nói, kết quả bầu cử có thể kết thúc tại tòa án tối cao.
Trên thực tế, hầu hết các quốc gia phát triển ngăn cấm việc bỏ phiếu bằng thư, trừ trường hợp công dân sống ở nước ngoài. Một số nước yêu cầu cử tri phải trải qua quy trình nhận dạng toàn diện, đưa ra lý do chính đáng cho việc vắng mặt. Do vậy, với cuộc bầu cử năm nay, Mỹ có thể sẽ đặt tiền lệ cho tương lai các cuộc bầu cử.
Tại châu Âu, đến nay mới có Pháp đưa ra ngoại lệ về bỏ phiếu vắng mặt đối với những người bị ốm hoặc có nguy cơ đặc biệt trong đại dịch bầu cử thành phố. Trước đó, nước này đã cấm bỏ phiếu vắng mặt vào năm 1975 sau vụ gian lận lớn ở Corsica. Nhiều quốc gia châu Âu cũng đã trải qua những kinh nghiệm tương tự. Do đó, việc bỏ phiếu bầu cử ở các nước Liên minh châu Âu chủ yếu được giới hạn ở hình thức trực tiếp.
Nếu cuộc bầu cử qua thư tại Mỹ lần này suôn sẻ, chúng ta sẽ thấy một nước Mỹ chia rẽ nghiêm trọng thành công lựa chọn tổng thống tiếp theo theo cách mà hầu hết người dân điền vào lá phiếu từ phòng khách, thay vì tại một điểm bỏ phiếu thực tế. Nó cũng cho các quốc gia châu Âu thấy không nên lo sợ nguy cơ gian lận cử tri trong tình hình hiện nay, và với đại dịch Covid-19 thì việc bỏ phiếu qua thư dường như là giải pháp khả thi nhất.
Tuy nhiên, nếu cuộc bầu cử của Mỹ bị hoen ố bởi những cáo buộc gian lận sau cuộc bầu cử, thì nó sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới phương thức bỏ phiếu qua bưu điện và tất nhiên sẽ gióng lên hồi chuông báo động với phần còn lại của thế giới.
Theo PHẠM VŨ THIỀU QUANG (Vietnamnet)