Tiếng thở dài ban trưa

14/02/2020 - 07:29

 - Sau 7 năm, tôi mới có dịp quay lại chùa Đông Lai (xã An Phú, Tịnh Biên, An Giang), để gặp lại các nhân vật trong bài viết “Đám cưới nghèo...”, “Chao chát hậu... “đám cưới nghèo”. Vật đổi sao dời, cuộc sống họ đã có nhiều thay đổi, theo hướng tích cực lẫn tiêu cực. Điều không thay đổi là họ vẫn ngày ngày đi xin tiền trong tâm trí nửa tỉnh nửa mê, trong sự thương xót lẫn ái ngại của xóm giềng.

Lần đầu tiên tôi gặp anh Lê Ngọc Tuyết (tên khác là Lê Văn Lai, sinh năm 1965) và chị Nguyễn Thị Chuột (sinh năm 1988) vào thời điểm họ tổ chức đám cưới. Nói “đám cưới” cho sang, chứ thật ra chỉ vỏn vẹn 2 bàn ăn đãi hàng xóm và người nhà, đánh dấu ngày họ về sống cùng nhau.

Không trang hoàng cổng cưới xanh đỏ, không xe hoa mâm trầu, không son phấn vòng vàng. Cô dâu, chú rể mặc bộ quần áo lành lặn nhất thay cho đồ cưới, nụ cười ngờ nghệch treo mãi trên khóe môi, tiếp nhận lời chúc phúc của người quê chất phác. Mà chuyện tình của họ lạ lắm, chắc thuộc hàng “độc nhất vô nhị”.

Chị Chuột ngây ngô, đi xin tiền khách thập phương, đùng một cái mang thai, không biết cha đứa bé là ai. Anh Tuyết lẩn quẩn xin tiền gần đó, cám cảnh thay chị, rồi được người lớn tác hợp thành vợ chồng. Họ nghèo, họ chẳng sáng trí, nhưng hạnh phúc vì biết yêu thương nhau!

Lần thứ 2, tôi quay trở lại thăm họ, để gửi tặng xấp “ảnh cưới” hôm trước. Lúc này, chị Chuột đã sinh con. Bé gái 4 tháng tuổi, bụ bẫm, được đặt tên Ngọc Nữ, lớn lên từng ngày trong vòng tay của bà nội, cha mẹ và hàng xóm láng giềng.

Chuyện vui có nhiều, mà chuyện lo cũng không thiếu. Bà Võ Thị Chọn (mẹ anh Tuyết) đã 85 tuổi, nhưng vẫn nặng gánh gia đình, vì cả con trai lẫn con dâu cộng lại chưa bằng một người tỉnh táo.

Nhà cửa bề bộn, tiền bạc eo hẹp, thêm một sinh linh ra đời. Bà lo cuộc sống bần hàn cứ tiếp diễn, chưa tìm được lối ra. Bà lo một mai bà mất đi rồi, con cháu không chống chọi nổi với những mảng sáng tối của đời. Bà lo nhiều, bởi vì bà là người tỉnh táo nhất trong nhà.

Gia đình anh Tuyết

Lần thứ 3 gặp lại, tôi hay tin bà Chọn đã khuất mấy năm trước vì bệnh tai biến. Cha ruột của chị Chuột - ông Nguyễn Văn Dũng, người từng chứng kiến con gái mình hạnh phúc trong ngày cưới - cũng không còn.

Anh Tuyết, chị Chuột chỉ còn nhau, thiếu vắng người lớn chỉ dạy. Họ có một đứa con chung, cậu bé 5 tuổi lanh lợi, thông minh, đáng yêu vô cùng. Phải mất ít phút, anh Tuyết mới nhớ tên các con.

Bé Ngọc Nữ được đổi tên thành Tiền, nay đã học lớp 2, cậu con trai tên Bạc. Tiền, bạc, đó là những gì họ chờ mong, để thoát cảnh nghèo đeo bám. Nhưng chao ôi, ngày ngày họ vẫn lầm lũi, dắt díu nhau đến chùa xin tiền.

Hôm xin được nhiều (có khi vài trăm ngàn đồng), họ ăn sang một chút, về nhà bằng xe bus. Hôm xin ít hoặc không có tiền, kẻ nhỏ người lớn lần lượt đi bộ quãng đường 1-2km. Rồi cũng tới nhà, nhưng bữa cơm nghẹn đắng trong miệng.

Mấy hôm nay, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, tụi nhỏ được nghỉ học. Không ai trông giữ, cả 2 líu ríu theo cha mẹ “hành nghề”. Tay chân đứa nào cũng đen nhẻm, đầy bùn đất, cáu bẩn, mặt mày lấm lem. Đôi mắt sáng, nhưng không trong veo như những đứa trẻ cùng lứa. Trong làm sao được, khi chưa gì đã phải nối “nghiệp gia truyền”, giữa những cơn mê bất chợt của cha và lúc khôn lúc dại của mẹ.

“Mấy đứa nhỏ lanh lắm, cứ hay nhắc chừng cha mẹ trả tiền mua thiếu hôm trước. Cha mẹ khù khờ, có dạy bảo được gì đâu, nhưng tụi nhỏ vẫn thông minh, lễ phép, tự coi chừng lẫn nhau” - bà Võ Bé Hai (58 tuổi) chặc lưỡi.

Người dân địa phương như bà Hai đã quá quen với cảnh gia đình 4 người bấu víu vào nhau để sống tạm qua ngày như thế. Thật ra, họ mới có nhà gần đây. Trước, họ ở nhờ đất của chùa. Sau này, từ nhiều nguồn giúp đỡ của chùa, nhà hảo tâm và địa phương, họ được tặng căn nhà Đại đoàn kết, xem như là an cư.

“Mừng là 2 vợ chồng không vướng tệ nạn, không cãi cọ làm mích lòng ai, hàng xóm thương tình giúp cái này, lo cái kia. Phải chi họ biết tính toán, biết làm ăn, thì tìm nguồn vốn mở tiệm tạp hóa bán buôn ở nhà, chăm sóc con cái, khỏi phải đi xin tiền nữa…” - bà Nguyễn Thị Mai (58 tuổi) tiếp lời bà Hai.

Tôi hỏi anh Tuyết cảm nhận về cuộc sống gia đình hiện tại. Chắp vá từng câu nói rối rắm của anh, tôi được biết: Anh hạnh phúc với cuộc hôn nhân này. Hai vợ chồng không bao giờ bạo lực với nhau, cùng lắm thì anh la vợ mỗi khi chị làm sai chuyện gì. Họ đã thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không muốn sinh thêm con, sợ cảnh túng quẫn lắm rồi.

“Tôi không đủ sức đi làm thuê, cũng không có nghề nghiệp gì. Những lúc phát bệnh xong, khi tỉnh lại, tôi buồn lắm, nuốt cơm hết nổi. Chỉ mong tụi nhỏ được đi học, có nghề nghiệp, không phải đi xin tiền như cha mẹ…” - bao nỗi niềm của anh gói gọn trong đó, kèm tiếng thở dài của những người ngoài cuộc như tôi, như bà Hai, bà Mai…

Lần gặp thứ 3 vẫn mang đến cho tôi nhiều trăn trở. Khép mắt lại, vẫn hiện ra trong đầu hình ảnh gia đình 4 người tìm kế sinh nhai trong trưa nắng cháy lòng!

Theo UBND xã An Phú, gia đình anh Tuyết thuộc diện hộ nghèo, được hưởng đầy đủ chế độ dành cho hộ nghèo. Bản thân anh Tuyết còn được nhận trợ cấp dành cho người tâm thần. Hiểu hoàn cảnh đặc biệt của họ nên địa phương luôn quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ ưu tiên. Địa phương đã từng cho họ viết cam kết không xin tiền tại các điểm du lịch, đông người. Tuy nhiên, họ vẫn “hành nghề” như cũ, vì không thể mưu sinh cách nào khác.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH