Tiếp cận pháp luật - giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

30/01/2019 - 08:03

 -  Xây dựng, triển khai xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Qua thời gian thực hiện, công tác quản lý nhà nước từng bước hiện đại, phục vụ hiệu quả cho nhân dân và doanh nghiệp, góp phần hoàn chỉnh xây dựng nông thôn mới.

Nhiệm vụ của của toàn hệ thống chính trị

Theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. Kết quả việc xây dựng cấp chính quyền cơ sở (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền đạt “trong sạch, vững mạnh”; đồng thời là tiêu chí đánh giá kết quả thi đua, khen thưởng hằng năm.

Theo đó, để đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cấp xã phải thực hiện 5 tiêu chí theo Quyết định số 619 gồm: bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền UBND cấp xã; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; thực hiện dân chủ cơ sở. UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo 5 tiêu chí với 25 chỉ tiêu. Để đạt được, cấp xã không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa. Bên cạnh đó, cấp xã phải có kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đạt từ 80% tổng số điểm tối đa. Trong năm, không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên. Căn cứ vào các tiêu chí trên, UBND huyện, thị xã, thành phố, ngành chức năng đánh giá. Sau đó, Sở Tư pháp sẽ hoàn thiện thủ tục trình UBND xem xét công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đại diện Sở Tư pháp (cơ quan chủ trì thực hiện chủ trương) cho biết: “Năm 2017, ngành phối hợp tổ chức triển khai, thực hiện Quyết định 619 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 07 ngày 28-7-2017 của Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính điểm số các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật và hội đồng đánh giá, công nhận. Đến năm 2018 có 84/156 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đến đầu năm 2019 chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng ước có khoảng 130 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. Hiện, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, đôn đốc việc xúc tiến thực hiện, phấn đấu hoàn thiện trong thời gian tới”.

Thiết thực góp phần hoàn thiện nông thôn mới

Chuẩn tiếp cận pháp luật nằm trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (tiêu chí 18.5). Việc bổ sung “Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” là tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới đã khẳng định vị trí, vai trò của nhiệm vụ này nói riêng và pháp luật nói chung trong việc xây dựng nông thôn mới. Nói về việc tiếp cận pháp luật, lãnh đạo UBND xã Vĩnh Phú (Thoại Sơn) - xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên cho biết: “Việc tiếp cận pháp luật trước đây có gặp một số lúng túng, sau khi vào cuộc từng bước trôi chảy, đến nay công việc này cơ bản hoàn thiện theo quy định. Hiện nay, hầu hết các thủ tục, hồ sơ của người dân đều được giải quyết trước và đúng thời gian quy định, không có hồ sơ tồn đọng. Trong thực hiện quy chế dân chủ, mọi công việc, kế hoạch của xã đều được công khai; đồng thời chúng tôi tự thân nâng chất, phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua để cán bộ, nhân dân thực hiện. Việc địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đang là yêu cầu bức thiết để góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, quản lý điều hành theo Hiến pháp và pháp luật, phát huy quyền làm chủ của người dân”.

Ông Nguyễn Văn Hồng (ngụ ấp Hòa Tân, xã Định Thành, Thoại Sơn) cho biết: “Thời gian qua, chính quyền địa phương thường tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật nên nhận thức của chúng tôi được nâng lên đáng kể. Hiện, việc làm các giấy tờ như: đăng ký khai sinh, làm hộ khẩu, đăng ký quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất người dân ở đây cơ bản am hiểu và có thể tự thực hiện. Nhiều việc chưa rõ, cần giúp đỡ, mọi người đến bộ phận một cửa đều được hỗ trợ tận tình, hiệu quả”.

Sở Tư pháp cho biết, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, vừa có tính cấp bách, lâu dài. Hoàn thiện công việc này sẽ tăng cường trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của con người. Vừa qua, chúng tôi khen thưởng đột xuất 17 công chức tư pháp - hộ tịch cơ sở làm tốt công việc trên. Sắp tới, sẽ làm thủ tục trình UBND tỉnh xem xét, quyết định khen thưởng 4 tập thể, 3 cá nhân có thành tích xuất sắc”.

Bài, ảnh: N.R