Tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo an ninh trật tự tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang

24/11/2020 - 06:22

 - Trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang (gọi tắt là bệnh viện) đã và đang đẩy mạnh các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19. Do đó, tất cả mọi người, kể cả người bệnh muốn vào bệnh viện khám bệnh hoặc liên hệ công tác đều phải tuân thủ nguyên tắc ra, vào cổng của bệnh viện. Đây là việc làm cần thiết để phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới và đảm bảo an ninh trật tự khu vực bệnh viện.

Bàn tiếp đón, sàng lọc, phân luồng người bệnh

Gần đây, có một số ý kiến liên quan đến việc vận hành của Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Thắc mắc việc bệnh viện đang bố trí một nhóm bảo vệ cùng xe đẩy và xe nằm, chặn từ ngoài cổng, không cho xe chở bệnh nhân tái khám hoặc khám bệnh chạy vào, dù có nhiều người không thể đi được và không còn áp dụng biện pháp phòng dịch COVID-19, như: bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay hay đo thân nhiệt...

Trả lời thắc mắc này, BS CKII Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang cho biết, căn cứ Công văn số 1385/BCĐQG ngày 19-3-2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 về việc rút kinh nghiệm tổ chức phân luồng, cách ly người nghi viêm đường hô hấp tại cơ sở y tế; Công văn số 714/SYT-NVY ngày 24-3-2020 của Sở Y tế về việc củng cố lại quy trình tiếp nhận, sàng lọc, cách ly, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở y tế và xây dựng hệ thống hỗ trợ từ xa, bệnh viện đã tiến hành thực hiện sắp xếp lại việc ra, vào ở các cổng của bệnh viện.

Cụ thể, tại khu vực cổng, bệnh viện có 5 cổng vào: cổng số 1 (cổng chính); cổng số 2 (cổng cấp cứu); cổng số 3 (cổng cách ly); cổng số 4 (cổng khoa lao); cổng phụ (cổng nhà xe). Tại mỗi cổng ra, vào bệnh viện bố trí 1 bàn tiếp đón, sàng lọc, phân luồng người bệnh trước khi vào sảnh tiếp đón của bệnh viện. Bàn sàng lọc, phân luồng xác định rõ yếu tố dịch tễ: có sống hoặc đã đến nơi có dịch lưu hành; có tiếp xúc gần với người bệnh được xác định hoặc nghi nhiễm; có tiếp xúc với người đi từ nước ngoài về hoặc người có tiếp xúc gần với người đi nước ngoài, người có liên quan với người bệnh COVID-19; có sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc đến chỗ đông người, chỗ có nguy cơ lây nhiễm trong vòng 2 tuần qua; có triệu chứng: ho, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người.

Kết quả sàng lọc phân luồng bệnh viện phân ra 2 nhóm: người có yếu tố dịch tễ, hướng dẫn người bệnh đi đến cổng số 3 để khai báo y tế và vào khám phòng khám hô hấp cách ly (tầng trệt khoa lao); người không có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19 thì cho người bệnh vào bệnh viện qua cổng số 1, số 2, số 4, cổng nhà xe (nếu người bệnh sau khi sàng lọc không có yếu tố dịch tễ thì được hướng dẫn đi vào bệnh viện; hoặc dùng xe đẩy; hoặc xe nằm đưa vào phòng khám). Bệnh viện đề nghị, tất cả mọi người, kể cả người bệnh muốn vào bệnh viện khám bệnh hoặc liên hệ công tác đều phải tuân thủ nguyên tắc ra, vào cổng của bệnh viện để đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Liên quan ý kiến việc hạn chế xe ôtô ra vào bệnh viện, BS CKII Nguyễn Thị Hạnh cho biết, trước đây, do bệnh viện không đủ xe cứu thương để chuyển viện, nên khi cần chuyển người bệnh nặng thở máy, người nhà người bệnh phải thuê xe dịch vụ bên ngoài với giá rất cao. Xe bên ngoài thường là xe cũ chuyển bệnh không an toàn, điều dưỡng, bác sĩ không đảm bảo, thu thêm tiền người bệnh khi có xử trí trên đường một cách tùy tiện...

Trước thực trạng đó, bệnh viện đã xây dựng đề án vay tiền ngân hàng để đầu tư mua 3 xe cứu thương có máy thở. Đề án này được các sở, ngành góp ý (đã tính toán giá trị đầu tư, khấu hao, lãi ngân hàng, chi phí phục vụ…). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án cho phép bệnh viện triển khai thực hiện phục vụ chuyển người bệnh với chi phí thuê xe giảm hẳn (Quyết định số 1476/QĐ-UBND ngày 15-5-2017 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt đề án mua xe cứu thương chuyên dùng có máy thở tại Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang).

Theo BS Hạnh, trước thực trạng hoạt động thiếu kiểm soát của dịch vụ vận chuyển người bệnh ra, vào tại một số cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh viện đã ban hành quy định thủ tục cho xe ôtô ra vào cổng bệnh viện: khi người bệnh chuyển tuyến; hoặc chuyển về địa phương; hoặc đưa người bệnh tử vong về quê bằng phương tiện tự túc (không thuê xe cấp cứu của bệnh viện; hoặc xe dịch vụ bệnh viện; hoặc xe hợp tác), thì khoa có người bệnh phải cấp giấy đề nghị cho xe vào bệnh viện, đồng thời hướng dẫn người nhà đến cổng cấp cứu trình giấy đề nghị với bảo vệ kiểm soát cho xe vào cổng.

Đây là việc làm cần thiết nhằm giữ an ninh trật tự trong khuôn viên bệnh viện; hạn chế việc móc nối của các xe “dù” vận chuyển người bệnh không an toàn, không đảm bảo, thu thêm tiền người bệnh một cách tùy tiện... BS Hạnh khẳng định, bệnh viện tuyệt đối không bắt buộc người bệnh phải thuê xe cấp cứu của bệnh viện, hoặc xe dịch vụ bệnh viện, hoặc xe hợp tác (xe taxi tham gia đấu thầu thuê mặt bằng của bệnh viện).

BS Hạnh cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về việc củng cố lại quy trình tiếp nhận, sàng lọc, cách ly, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở y tế, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, người nuôi bệnh và nhân viên y tế, bệnh viện đã quy định: bắt buộc đeo khẩu trang khi vào bệnh viện; khai báo y tế trung thực để bảo vệ bản thân, người nhà và cộng đồng; chỉ duy nhất 1 người nuôi bệnh cho 1 bệnh nhân nội trú; hạn chế thăm bệnh trong giai đoạn này để tránh tập trung đông người. Việc thực hiện hạn chế xe ôtô ra vào bệnh viện (ra vào phải có giấy đề nghị của khoa, phòng), cũng như việc hạn chế người nuôi bệnh và người thăm bệnh vào bệnh viện là việc làm bắt buộc. Đây là chủ trương của Chính phủ, của Bộ Y tế, bệnh viện nghiêm chỉnh thực hiện theo tinh thần này.

HẠNH CHÂU