Tìm an yên trong đá

10/09/2021 - 06:03

 - Họ yêu màn bụi trắng như sương, yêu từng nhịp đục đẽo thả hồn vào đá, yêu luôn cả những thời khắc “tô son điểm phấn” cho sản phẩm. Không yêu sao được, khi nghề thấm vào máu, vào tim từ thuở nhỏ, trở thành nguồn thu nhập chính khi trưởng thành. Đằng sau giá trị kinh tế, họ muốn tìm kiếm sự an yên của làng nghề mấy mươi năm. Tôi muốn kể về câu chuyện của vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Sĩ (ngụ ấp Tây Sơn, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).

Thật ra, anh Sĩ không phải nhân vật mới. Anh xuất hiện vài lần trên báo chí rồi, được định hình trong gương “người trẻ khởi nghiệp” - nếu xem chạm ngưỡng 40 tuổi là “trẻ”. Tiếp xúc với anh, lặng lẽ nhìn anh tỉ mẩn với công việc, mọi người sẽ cảm nhận được tâm tình đặc biệt anh dành cho nghề. Anh dùng hành động để bày tỏ, làm cối đá không chỉ đơn thuần “đục đá thành cơm”, mà là gọt đẽo chữ tín cho mình, cho nghề, cho quê hương xứ sở.

Ở Núi Sập, chừng 40-50 năm về trước, cả xứ rộ lên nghề làm cối đá. Tính sơ sơ, 10 nhà, thì hết 6 nhà mở cơ sở. Ông bà của anh Sĩ là một trong số đó, rồi truyền nghề lại cho cha. Tuổi thơ anh phủ đầy màn bụi trắng, vang vọng tiếng đục đá đinh đinh đang đang hàng ngày, lưu giữ ký ức về đôi bàn tay bạc phếch của người lớn. Anh tò mò học cái này, rớ cái kia.

Đến năm 18 tuổi, anh Sĩ gần như nắm được cơ bản. Nhưng nào ngờ, nghề dần mai một. Máy móc hiện đại đè sập chiếc cối đá cục mịch. Năm thuở mười thì mới có khách mua, thợ sống sao nổi! Cha thở dài, nhìn anh rời quê đi làm công nhân xa xứ. Cối đá vẫn bị bao phủ trong màn bụi, nhưng là màn bụi thời gian.

Những chiếc cối đá được gia đình anh Sĩ tạo ra

Anh cứ nghĩ, mình dứt áo ra đi khi “nghề” chưa trở thành “nghiệp”, chắc sẽ chẳng vương vấn như cha. Nào ngờ, những lúc nằm trong phòng trọ chật hẹp, giữa bốn bề ồn ã đầy cô độc, ở nơi đất khách quê người, anh nhớ nghề quay quắt. Lâu lâu, cha gửi lên chiếc cối nho nhỏ để xài, anh muốn khóc! Anh cảm thấy day dứt vì mình đang chạy trốn, chối bỏ khó khăn, quay lưng với sản phẩm truyền thống quê hương. Rồi anh trở về, sau hơn 10 năm lưu lạc, như một lẽ tất nhiên. Năm 2019, anh bắt đầu tạo dựng thương hiệu “cối đá Ngọc Sĩ”, tiếp tục hoàn thiện tay nghề từ cha, bạn bè và từ khách hàng.

Bàn tay anh lúc nào cũng chạm vào đá, dần bạc phếch, chằng chịt vết thương như cha mình ngày trước. Không gian làm việc là một góc nhỏ trên đồng, che phủ bằng ny-lon, mỗi lần gió thốc làm bụi bay tứ phía. Bụi vào cay xè mắt, vẫn không cay đắng bằng những ngày đầu anh “khởi nghiệp”. Lúc đó, sản phẩm anh làm “coi cũng được”, nhưng thợ lành nghề bĩu môi, vì họ nhận thấy quá nhiều tì vết, thô kệch. Ôm cối đá đi khắp tỉnh, chào mời khô cổ họng để rồi nhận lại cái lắc đầu, anh muốn rớt nước mắt.

Thương tình, người thợ nào đó chỉ dẫn anh: chỗ này chưa ổn nè, thị trường thích như vầy nè… Anh chợt “sáng ý”, về hì hục chỉnh lại, đặt ký hiệu riêng có - tay cối dày 6 phân, bo tay đều tròn, không trộn lẫn với cối đá của cơ sở khác. Loại nhỏ nhất có đường kính vỏn vẹn 10cm, loại lớn nhất 35cm. “Thời tới cản không kịp”, khách ưa chuộng sản phẩm của anh, 1 đồn 10, đặt hàng ùn ùn, anh làm mệt xỉu. Vậy mà vui!

Ngồi cách xa anh mấy mét, nhưng tôi vẫn bị phủ đầy bụi đá. Cả cơ sở, chỉ có vợ chồng anh vừa làm chủ, vừa làm thợ. Anh xiết lại băng vải quấn cổ tay - đề phòng đá cắt chảy máu - rồi thở dài: “Biết bao công sức mới tạo dựng thương hiệu, tôi truyền đạt cho thợ hết lòng. Nhưng họ làm công ăn lương, làm cho đủ số lượng hoặc hết giờ làm, chứ nào nghĩ đến việc đặt tâm ý vào sản phẩm. Nghĩ mãi, cuối cùng vợ chồng tôi chọn cách “làm nhiêu ăn nhiêu”, số lượng tuy ít mà chất lượng đảm bảo, khách hài lòng”. Người không phụ nghề, thì nghề cũng không phụ người. Mấy cối đá bé bé xinh xinh, chưa đầy 200.000 đồng/cây (người trong nghề gọi mỗi cối đá là “cây”), mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Buổi trưa, anh dẹp đồ nghề, phủi bụi bặm trên người rồi trở vào nhà. Cơm nước, nghỉ ngơi, lo cho con cái xong, đến chiều tối, vợ anh - chị Nguyễn Thị Diệu (34 tuổi) - bắt đầu “ra tay”, hoàn chỉnh thành phẩm. Căn nhà không lớn, cũng chẳng bề bộn, mà chất đầy sự ăn ý khó tả giữa hai vợ chồng. “Hồi theo chồng về xứ, cuộc sống bấp bênh, ai kêu gì làm nấy, chuyện gì cũng làm mà chuyện gì cũng hỏng. Biết chồng từng có nghề làm cối đá, nhưng tôi chưa hề nghĩ đến việc theo nghề. Ảnh quyết bám trụ với công việc này, tôi cũng ủng hộ thôi. Dần dần, giống như chồng, tôi hạnh phúc và tự hào vì những gì đã gầy dựng được” - chị Diệu mỉm cười.

Nếu anh Sĩ giỏi đục đẽo cối đá, thì vợ anh lại khéo tay hoàn thiện sản phẩm: làm bóng, vẽ hoa văn, kẻ chữ. Bàn tay “dùi đục” của anh không hợp với các khâu tỉ mẩn. Vợ chê xấu, anh nhường vợ làm luôn! Ngộ một điều, các sản phẩm anh làm ra, đều có chữ “Núi Sập”. Anh bảo, muốn mang tên quê mình đi khắp xứ, đi càng xa càng tốt, để mọi người biết về vùng quê từng nổi tiếng với nghề truyền thống cối đá. Rồi anh sẽ thiết kế logo khác để nhận diện thương hiệu, nhưng “Núi Sập” vẫn là niềm tự hào lớn nhất anh muốn lan tỏa muôn nơi.

Anh tìm sự an yên trong từng sản phẩm đá. Kể cả nhắm mắt, miệng hát hò đủ thứ, bàn tay anh vẫn quen nhịp, quen việc, chuẩn xác trong từng động tác. Nguồn nguyên liệu dồi dào, đầu ra rộng mở, anh làm chủ thời gian sống và kinh doanh của mình. Yên thì đã yên rồi, nhưng lòng anh chưa an: “Tôi sợ ngày nào đó, nghề lụi tàn. Ấp Tây Sơn này còn vỏn vẹn 3 hộ. Toàn thị trấn đếm chưa hết 10 đầu ngón tay. Tôi là người trẻ nhất theo nghề. Nhưng mà, chưa có ai kế cận khi tôi sức yếu, lực tàn. Tụi nhỏ thấy nghề cực nhọc, bụi bặm, thà đi làm công nhân còn hơn. Người lao động xung quanh thì chẳng thực lòng muốn gắn bó với cối đá. Phải làm sao bây giờ?”.

GIA KHÁNH