Trò đi tìm chữ
Nhìn con nước lên nhanh, chị Nguyễn Thị Chi (sinh năm 1980, ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang) bần thần nhớ lại hồi mình còn nhỏ. Mấy mươi năm trước làm gì có xuồng máy, mạnh ai nấy chèo tay. Ba mẹ lo chuyện đồng áng, chị muốn tới trường thì phải tìm người quá giang, lúc lắc trên chiếc xuồng con từ nhà ra chợ An Phú. Học xong, chị lại nhóng nhóng kiếm cô chú quen xin quá giang về nhà. Được lớp 5, lớp 6 gì đó, không còn điều kiện chạy theo con chữ nữa, chị đành nghỉ.
Mấy mươi năm sau, con nước vẫn quẩn quanh nơi chị ở. Nhưng chị quyết tâm cho con học hành đàng hoàng, đừng dang dở như mình ngày trước. “Bình thường, tụi nhỏ tự chạy xe đạp đi học. Nước nổi tràn về, ngập mấy đoạn đường liên xã, chỉ có thể đi lại bằng xuồng ghe. Đứa lớn học lớp 12 ở thị trấn An Phú. Đứa nhỏ lớp 5, phải xuống trường xã. Vợ chồng tôi còn công ăn chuyện làm, khó dứt ra đưa rước cả 2 đứa như thế. Cả tuần nay, đứa lớn quá giang ghe xuồng của người quen hoặc lội nước đi về. Đứa nhỏ được trường tổ chức đưa rước đi học, tôi đỡ lo phần nào” - chị Chi bày tỏ.
Mỗi ngày 4 chuyến đi về, bé Nguyễn Thị Kim Hương (con chị Chi) đến trường theo các chú dân quân Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã Vĩnh Hội Đông. Đồng hành với Hương là nhóm học sinh cùng tuyến đường. Hương ít nói, chỉ im lặng nghe tiếng vỏ lãi tành tạch, tiếng nói cười của các bạn, tiếng gió phả qua tai. Nhưng bé luôn chăm chỉ học tập, chẳng đợi cha mẹ động viên, khuyên nhủ. Còn Thái Văn Huân (lớp 3) bỏ chiếc xe đạp ở nhà, tạm quên những ngày đi học một mình, để cùng í ới với bạn bè trên vỏ lãi. “Đi học kiểu này, con thấy vui lắm, không bữa nào bị trễ học” - Huân vừa trả lời, vừa cởi chiếc áo phao máng lên cổng hàng rào trường, hớn hở vào lớp.
Nước lên, 25 học sinh của Trường Tiểu học “B” Vĩnh Hội Đông trông cậy vào sự đưa rước của địa phương, bởi cha mẹ các em gặp khó khăn về thời gian, phương tiện. “Năm nay, nhờ một vài đoạn đường được nâng cấp, nên số lượng học sinh cần đưa rước giảm hẳn. Mọi năm vào thời điểm này, khoảng 50% học sinh của trường bị gián đoạn việc đi lại. Điều chúng tôi băn khoăn, cần sự hỗ trợ lúc này là bổ sung áo phao cho các em. Áo trang bị từ lâu, nay cũ dần, phai màu, vẫn phải tận dụng lại” - thầy Hà Minh Phương (Hiệu trưởng Trường Tiểu học “B” Vĩnh Hội Đông) chia sẻ.
Thầy mang chữ về
Ngôi trường nhỏ, đơn sơ ở vùng biên rộn rã tiếng học sinh đánh vần. Các em đang góp nhặt từng chữ cho mình. Nhưng còn một lát cắt khác, mà đôi lúc bị lãng quên. Đó là câu chuyện của những người thầy mang chữ về cho các em!
Trong số ấy, có thầy Hà Minh Phương. Hơn 5 năm gắn bó với trường, tương ứng với 5 mùa lũ lớn nhỏ, thầy thấu hiểu vất vả của nơi này. Người dân sống dựa vào lũ quen rồi, năm nào lũ không về là nghe lòng dạ bần thần, trông ngóng. Nhưng lũ cũng lấy đi cách thức sinh hoạt thường ngày của người dân. Nhà thầy Phương ở tại xã Vĩnh Hội Đông, từ ấp Vĩnh An qua ấp Vĩnh Hòa mất 2,5km.
Lũ về, đường bị chia cắt, thầy muốn đến trường phải qua 2 con đò. “Khoảng 6 giờ, tôi bắt đầu xuất phát, trừ hao mỗi chuyến đò mất chừng 30 phút. Giờ này, học sinh đi học rất đông. Thầy cô, cán bộ địa phương đều nhường các em đi trước để kịp giờ. Nhường như thế, đôi lúc thầy cô lại đến trường trễ” - thầy Phương kể.
Tương tự, thầy Nguyễn Hữu Ái (Tổng phụ trách Đội) cũng gặp cảnh trắc trở đò ngang. Nhà ở xã Vĩnh Trường, 10 năm ròng rã, thầy đi dạy ở Trường Tiểu học “B” Vĩnh Hội Đông. Gần đây, thầy phải vượt 2 con đò, thay vì 1 như trước. Cầu Vĩnh Trường tạm ngưng lưu thông để sửa chữa, buộc thầy phải đi sớm hơn thường lệ 30 phút. Thầy cho biết: “Chờ 2 chuyến đò tổng cộng 45 phút rất mất thời gian. Những hôm trời mưa lớn dù mặc áo mưa nhưng tới nơi cả người vẫn ướt nhẹp. Chỉ có lòng yêu nghề mới giúp tôi vượt qua khó khăn”.
Rất nhiều thầy cô cùng chung suy nghĩ ấy. Nếu họ chùn bước, họ ngán ngại cảnh lũ, mệt mỏi với hành trình đi - về hàng ngày, thì ai sẽ mang chữ đến cho học sinh? Các em nhỏ xíu, non nớt, vẫn ráng co ro vượt mưa lũ đến trường. Người lớn, đâu thể thấy khó là buông…
So với nhiều năm trước, lũ đã “hiền” lắm rồi. Đời sống nông thôn đã thay đổi, bớt khó khăn hơn hẳn. Chuyện tìm chữ trong lũ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, như nét chấm phá đặc biệt ở đầu nguồn. Rồi dần dần, bàn tay và quyết tâm của con người sẽ đẩy lùi dòng chảy của nước, khi đường quê được nâng cấp, sửa chữa phù hợp tình hình thực tế. Nhưng chúng ta sẽ nhắc nhau hoài về những tháng ngày tình yêu thương, san sẻ mênh mông không kém nước lũ, về khát khao vượt khó dạy và học, như câu chuyện ở xã Vĩnh Hội Đông.
Trung tá Lê Thành Nưng (Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện An Phú) chia sẻ: “Nhiều Ban CHQS cấp xã vừa thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, vừa tham gia chốt phòng, chống dịch COVID-19 ở biên giới, vừa sắp xếp đưa rước học sinh đến trường mùa lũ. Tuy vất vả, nhưng hoạt động nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, giúp gắn kết tình quân - dân sâu sắc”.
|
GIA KHÁNH