Thềm rồng-lối lên Ðiện Kính Thiên xưa.
Từ những khám phá khảo cổ, kết hợp với nhiều nguồn tư liệu khác, các nhà khoa học đang từng bước tìm lại vàng son thuở trước.
Tìm cách phục dựng Điện Kính Thiên
Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới ở ba tiêu chí: Chiều dài văn hóa, lịch sử suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của một trung tâm quyền lực và các tầng di tích, di vật phong phú, đa dạng. Thế nhưng, nhiều người khi đến tham quan Hoàng thành Thăng Long đều có những tâm tư. Những gì giá trị nhất lại là những phế tích nằm sâu trong lòng đất. Nếu không phải là người có chuyên môn, rất khó nhận thức được giá trị.
Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Giáo sư Ðặng Văn Bài chia sẻ: Mỗi lần vào Hoàng thành Thăng Long, nếu chỉ nhìn vào những hiện vật khảo cổ, các cháu nhỏ không thể hình dung vẻ đẹp của cung đình xưa. Trải qua các thời Lý, Trần, Lê, Mạc rồi Lê Trung hưng, Hoàng thành Thăng Long là trung tâm quyền lực tối cao của cả nước. Ở đất thiêng ấy, công trình tiêu biểu nhất là nơi hoàng đế thiết triều với trăm quan, bàn quốc gia đại sự, ban bố chính sách liên quan bách tính. Dưới thời Lý, đó là Ðiện Càn Nguyên, thời Trần là Ðiện Thiên An. Dưới thời Lê là Ðiện Kính Thiên. Vị trí Ðiện Kính Thiên không thay đổi từ thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, nằm trên trục Thần đạo của Hoàng thành Thăng Long. Sau này, nhà Nguyễn dời đô vào Huế, Ðiện Kính Thiên chỉ còn là hành cung vua ngự khi Bắc tuần. Khi người Pháp chiếm thành Hà Nội, tòa điện bị phá bỏ hoàn toàn, hiện chỉ còn lại nền điện, chín bậc thềm rồng, với đôi rồng đá được dựng vào thời Vua Lê Thánh Tông.
Nơi thiết triều không chỉ thể hiện là trung tâm quyền lực, mà còn là công trình thể hiện hình thái kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, trang trí mỹ thuật tiêu biểu của đất nước. Phục dựng một công trình như thế là điều cần thiết và cũng phù hợp cam kết của Việt Nam với UNESCO về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới này. Thế nhưng, phục dựng thế nào là câu hỏi khiến các nhà khoa học trăn trở. Bộ mái cung đình xưa dùng ngói mũi hài, vảy cá như đình chùa, hay loại hình ngói khác? Hệ đỡ cho bộ mái ấy ra sao? Hệ thống cột kèo thế nào?... đều là những câu hỏi chưa có lời đáp.
Năm 2017, lần đầu tiên, trong các cuộc khảo cổ ở Hoàng thành Thăng Long, những viên “ngói rồng” được tìm thấy với số lượng lớn. Ðó là những viên ngói tráng men vàng (hoàng lưu ly), men xanh (thanh lưu ly) được trang trí hình rồng, niên đại thời Lê.
Ngay khi ấy, Phó Giáo sư Tống Trung Tín, Chủ nhiệm Công trường khảo cổ đã vui mừng nhấn mạnh rằng: “Ngói hoàng lưu ly vốn chỉ dành cho các công trình của hoàng đế. Với số lượng lớn hiện vật liên quan mái cung điện, ta có thể hình dung một cách rõ ràng về mái cung điện thời kỳ này. Mái ngói cung điện thời Lê được dùng kiểu ngói ống. Toàn bộ các hàng ngói dương được trang trí thành một con rồng dạng tượng tròn. Viên ngói lợp đầu tiên ở diềm mái được trang trí bằng một đầu rồng, các viên ngói tiếp theo tạo thành thân rồng, có vảy, vây lưng thuôn nhọn. Viên ngói cuối cùng ở áp mái chính là đuôi rồng. Toàn bộ mái cung điện như một đàn rồng đông đúc, vận động theo hướng từ trên mái xuống sân điện cả bốn phía. Ðây là kiến trúc mái độc nhất vô nhị không thấy ở Ðông Á”.
Vấn đề tiếp theo là bệ đỡ cho hệ mái ấy là gì? Ngay tại Hoàng thành Thăng Long, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy khoảng 70 cấu kiện gỗ thời Lê sơ. Tiến sĩ Bùi Minh Trí cho biết thêm: “Ðồ gốm thời Lê sơ có nhiều hình vẽ về kiến trúc đấu củng được mô tả khá sinh động với nhiều tầng mái. Các cuộc đào chung quanh khu vực Ðiện Kính Thiên cũng tìm thấy khá nhiều cấu kiện gỗ, bao gồm cột, xà, ván sàn, trong số đó có một số cấu kiện nằm trong kết cấu của hệ đấu củng. Ðặc biệt, cuộc khai quật phía đông Ðiện Kính Thiên năm 2021 tìm thấy một mô hình kiến trúc men xanh lục rất đặc sắc. Trên mô hình này mô tả khá hiện thực bộ mái của công trình được lợp bằng loại ngói ống, và bộ khung của công trình là hệ đấu củng tương tự như kiến trúc hậu cung chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội)”.
Những hiện vật khảo cổ ở Hoàng thành cho thấy, nhiều cấu kiện của hệ mái được sơn son, thếp vàng. Ðể sơn son, các nghệ nhân đã sơn lót mầu trắng, rồi mầu đỏ thẫm trước khi phủ một lớp sơn đỏ tươi. Mầu vàng thậm chí còn được sơn thếp công phu hơn, hai lớp đầu tiên tương tự như ở chỗ sơn đỏ, lớp thứ ba sơn lót mầu vàng bằng chất liệu đá khoáng. Lớp cuối cùng được thếp bằng lá vàng thật dát mỏng. Chắp ghép những dữ liệu ấy, có thể thấy một hệ mái lộng lẫy vàng son, nhất là khi mặt trời chiếu vào những lớp ngói tráng men hoàng lưu ly, thanh lưu ly, cung điện càng trở nên rực rỡ.
Tiếp tục giải mã bí mật
Trên thế giới, nhất là những nước đồng văn với Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, việc phục dựng những cung điện diễn ra khá phổ biến. Cố đô Nara từ một phế tích, không còn những công trình nổi trên mặt đất, nhưng rồi được dựng lại nhiều cung điện. Cảnh Phúc Cung của Hàn Quốc cũng bị phá hủy nhiều hạng mục trong chiến tranh và nhiều công trình mới được phục dựng trong những năm 1990. Hiện nay, đó đều là những biểu trưng văn hóa, những địa chỉ hấp dẫn du lịch hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc. Ðiều này là những gợi ý về tiềm năng, ý nghĩa của việc phục dựng Ðiện Kính Thiên cũng như những công trình khác tại trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Tuy nhiên, việc phục dựng hiện vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Các nhà khoa học chưa tìm thấy mặt bằng nền móng hoàn chỉnh của một cung điện thời Lê sơ quanh nền Ðiện Kính Thiên, dẫn đến khó khăn trong giải đoán về bước gian, số cột cũng như các kết cấu khác. Song, dựa vào những manh mối từ các cuộc khai quật tại khu vực phía sau Ðiện Kính Thiên, Phó Giáo sư Tống Trung Tín đã bước đầu đưa ra bản vẽ mặt bằng kiến trúc Ðiện Kính Thiên với mặt bằng hình chữ Công ( I ), điện trước, điện sau bằng nhau và đều có bảy gian hai chái, lòng điện có 10 hàng cột gỗ, mỗi hàng sáu cột. Ðấy là một công trình bằng gỗ quy mô lớn chưa từng thấy ở nước ta. Kết cấu mặt bằng này giống với mặt bằng kiến trúc Chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa). Trong bối cảnh còn khó khăn về tư liệu, quy mô Chính điện Lam Kinh có thể là một lời giải hữu ích. Tiến sĩ Bùi Minh Trí cho biết: “Lam Kinh gồm có khu lăng mộ, khu miếu thờ và cung điện để phục vụ các vua nhà Lê khi về bái yết tổ tiên. Dựa theo sử liệu và kết quả khai quật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, chúng ta có thể có nhiều manh mối khá quan trọng để nghiên cứu về Ðiện Kính Thiên. Nghiên cứu bản vẽ mặt bằng Chính điện Lam Kinh, chúng tôi thấy bước gian ở Ðiện Kính Thiên khá tương đương so với Chính điện Lam Kinh. Từ cơ sở tư liệu này và dựa vào dấu tích thềm bậc đá chạm rồng còn lại tại Ðiện Kính Thiên, chúng tôi đã thử giải đoán và tiến hành vẽ 3D kiến trúc Ðiện Kính Thiên”.
Phó Giáo sư Tống Trung Tín là người gắn bó với khảo cổ Hoàng thành Thăng Long hàng chục năm qua. Ông cho rằng, phải tiếp tục khai quật hàng chục nghìn mét vuông nữa để giải mã. Tuy nhiên, với những phát hiện mới của khảo cổ và các nghiên cứu liên ngành, diện mạo của Ðiện Kính Thiên đang dần hình thành. Phục dựng Ðiện Kính Thiên không chỉ là mong mỏi của các nhà khoa học, mà còn là nguyện vọng của nhân dân. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc khai quật khảo cổ những năm tới cần tập trung tại khu vực nền Ðiện Kính Thiên, thay vì mỗi năm đào một khu vực như hiện nay. Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Giáo sư Ðặng Văn Bài chia sẻ: “Chúng ta cần hiểu rằng, phục dựng trên những cứ liệu khoa học, nhưng không có nghĩa phải giống 100% như nguyên gốc. Chúng ta đã có nhiều tài liệu, có căn cứ khảo cổ. Chúng ta cần tiếp tục khai quật song song với phục hồi bằng bản vẽ, bằng công nghệ 3D để lấy ý kiến liên ngành, tiến tới phục dựng”.
Theo GIANG NAM (Báo Nhân Dân)